80 năm ngày sinh họa sĩ Fujiko F. Fujio: 'Doraemon' không chỉ là giấc mơ

01/12/2013 09:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Fujiko F. Fujio nổi tiếng vì là người “vẽ nên các giấc mơ của trẻ em”, sáng tạo ra những bảo bối có chức năng dường như không tưởng, nhưng thực tế chứng minh chúng chưa hẳn là không tưởng.

Hôm nay (1/12) là sinh nhật lần thứ 80 của họa sĩ quá cố Fujiko F. Fujio. Ông mất năm 1996.

Bảo bối của Doraemon có thể là hiện thực

Theo Japan Times, hồi tháng 7, triển lãm “Trải nghiệm truyện tranh qua khoa học” diễn ra ở Bảo tàng Quốc gia về Khoa học và Đổi mới (Miraikan) ở Odaiba, Tokyo (Nhật Bản).

Triển lãm này được ví là nơi “giấc mơ thành hiện thực” khi nhà tổ chức công bố một số tiến bộ công nghệ mô phỏng những năng lực được cho là siêu nhiên trong các bộ truyện tranh nổi tiếng nhất của Nhật, trong đó có Doraemon, Astro Boy, Cyborg 009… Sức mạnh công nghệ đã giúp nước Nhật biến những tưởng tượng thành sự thật.

80 chú mèo máy Doraemon kích cỡ thật được trưng bày ở tháp Tokyo (Nhật) nhân sinh nhật thứ 80 của tác giả Fujiko F. Fujio.

Với Doraemon, triển lãm trưng bày công cụ biến lời nói thành văn bản, tương tự chức năng của một bảo bối trong bộ truyện. Thông qua công nghệ, mọi lời nói của khách tham quan được biến thành con chữ trình chiếu trên màn hình lớn và nhân vật trên màn hình có phản ứng lại đối với lời nói đó.

Đây là một trong số các triển lãm do Bảo tàng Miraikan với ý kết nối khoa học công nghệ, đời sống và các sản phẩm văn hóa có giá trị của nước Nhật. “Những bộ truyện tranh được vẽ ra cách đây nửa thế kỷ nay được tái tạo bằng khoa học” – ông Takayuki Honda, người phụ trách khoa học của bảo tàng, cho biết.

Khi sáng tác, Fujiko F. Fujio đưa không ít kiến thức khoa học lẫn khoa học viễn tưởng vào tác phẩm của mình. Đến nay, khoa học bắt đầu hiện thực hóa những ý tưởng của ông, dù chưa phải là nhiều.

Doraemon và nhiều bộ truyện khác của Fujiko F. Fujio không chỉ vẽ nên những giấc mơ. Họa sĩ đã vẽ nên các tác phẩm này vào những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước – thời kỳ nước Nhật bắt đầu có những biến chuyển thần kỳ để dựng nên một cường quốc sau chiến tranh.

Nói như ông Vũ Khắc Liên, Chủ tịch Hội Giao lưu văn hóa Việt Nhật, Fujiko F. Fujio đã “hòa nhịp sáng tạo với các tiến bộ công nghệ của nước Nhật”. Các bảo bối của Doraemon luôn mang tính dự báo, là một loại máy móc kiểu mới, một giải pháp khoa học tiên tiến, không hẳn chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Doraemon + tháp Tokyo + công nghệ

Theo Japan Times, trong hai tháng 9 và 10 vừa qua, người Nhật đã tưởng nhớ 80 năm ngày sinh tác giả Doraemon bằng một triển lãm quy mô và trang trọng mang tên “Fujiko F. Fujio Exhibition” ở tháp Tokyo – danh thắng nổi tiếng của thủ đô nước Nhật.

80 bức tượng chú mèo máy Doraemon kích cỡ như tác giả mô tả đã được trưng bày, cùng với hình ảnh về các nhân vật khác của họa sĩ như cậu bé siêu nhân (Perman), siêu nhân Mami (Esper Mami). Các ký họa gốc và tranh đen trắng của họa sĩ cũng được giới thiệu với công chúng.

Fujiko F. Fujio (trái) và người bạn thân Motoo Abiko, từng sáng tác chung trong nhóm truyện tranh Fujiko Fujio.

Công chúng cũng có thể trải nghiệm thế giới sáng tạo của họa sĩ khi tham quan phòng trưng bày 4D có hình ảnh của các nhân vật nói trên. Khán giả rất thích cách triển lãm đậm chất công nghệ cao này và đã chụp rất nhiều ảnh.

Triển lãm đã thu hút hơn 150.000 lượt khách tham quan, hầu hết là các bậc phụ huynh mang theo con nhỏ.

Sự kiện kỷ niệm này sử dụng toàn bộ không gian của tháp Tokyo, nơi có tầm nhìn rộng không giới hạn, với ý tưởng chủ đạo là “Kết nối với tương lai”. Triển lãm đã trưng bày hình ảnh các nhân vật hoạt hình có tuổi đời hàng chục năm (Doraemon ra đời năm 1969) kết hợp với mô hình triển lãm công nghệ cao.

Họa sĩ Fujiko F. Fujio tên thật là Hiroshi Fujimoto, sinh ngày 1/12/1933 tại tỉnh Takaoka (Nhật Bản), mất năm 1996. Ông là một trong những họa sĩ truyện tranh đã làm nên sự “vươn lên thần kỳ” của ngành công nghiệp truyện tranh Nhật Bản, song hành cùng với đất nước.

Ông từng đến Việt Nam vào năm 1996, ít lâu trước khi qua đời, để lập Quỹ Hỗ trợ giáo dục Doraemon dành cho trẻ em, với nguồn vốn là toàn bộ tiền bản quyền sách xuất bản ở Việt Nam của chính mình.

Nhân vật Doraemon của Fujiko F. Fujio là Đại sứ hoạt hình của Nhật Bản. Năm 2002, Doraemon được chọn vào danh sách “22 anh hùng châu Á” của tạp chí Time Asia. Mới đây, chú mèo máy được công nhận là công dân của nước Nhật – một vinh dự hiếm hoi đối với một nhân vật truyện tranh.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Việt Nam mừng tác giả Doraemon 80 tuổi

NXB Kim Đồng trao giải cuộc thi vẽ tranh về Doraemon vào sáng 30/11 tại Hà Nội. Cuộc thi mang tên “Một ngày cùng Doraemon” khuyến khích trẻ em Việt Nam tưởng tượng về việc nếu một ngày có chú mèo máy Doraemon làm bạn. Cuộc thi diễn ra từ 15 đến 31/10 năm nay.

Các học sinh từ độ tuổi 6 đến 12 đã gửi về BTC những bức tranh như: Doraemon đi thăm Lăng Bác (giải Nhất), đi gặt lúa trên cánh đồng Việt Nam, đi cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở Hội An, khám bệnh cho các nạn nhân da cam, đi trồng rau sạch, đi thăm Trường Sa…

Vì sao độc giả Mỹ từng không thích “Doraemon”?

Hôm 22/11, bản dịch tiếng Anh đầu tiên trên thế giới của bộ truyện Doraemon được ra mắt, nhưng không phải trên giấy, mà là bản điện tử do Amazon phát hành trên thiết bị đọc Kindle.

Theo tờ Asahi Shimbun, bản dịch có 3 tập, được bán với giá 2,99 USD. Bản dịch điện tử dự kiến sẽ được phát hành định dạng cho Apple iBookstore, Google Play và Nook. Một số bản dịch ra các ngôn ngữ khác cũng đang được thực hiện.

Mặc dù bộ truyện tranh, phiên bản truyền hình và điện ảnh của Doraemon đều rất nổi tiếng ở châu Á nhưng từ trước đến nay chưa từng có bản dịch tiếng Anh nào được phát hành. Lý giải điều này, ông Ryutaro Mihara, người từng là quan chức văn hóa ở Nhật và nghiên cứu văn hóa Nhật ở Mỹ, nói với Asahi Shimbun: “Người Mỹ không thích việc Nobita quá bị động, luôn phụ thuộc vào Doraemon”.

Nhưng, hiện tại là thời điểm thích hợp để đưa Doraemon đến Bắc Mỹ, bởi bộ truyện đã rất nổi tiếng ở các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Mỹ là nơi cộng đồng người Latin ngày càng gia tăng.

Ông Mitsuru Saito, Trưởng phòng Doraemon tại hãng sản xuất phim và truyện Shogakukan, cũng cho rằng “Mọi đứa trẻ đều đồng cảm được với Nobita. Chúng tôi muốn độc giả Mỹ đọc và thấu hiểu”.

Theo Asahi Shimbun, bản tiếng Anh của Doraemon có vài thay đổi để phù hợp với độc giả phương Tây. Tên nhân vật chính vẫn giữ nguyên, nhưng tên Nobita được đổi thành Nobi, Gian (độc giả Việt Nam quen gọi là Chaien) đổi thành Big G.

Hạ Huyền


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link