20/08/2019 19:54 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu còn sống, đạo diễn người Anh Alfred Hitchcock (1899 - 1980) sẽ tròn 120 tuổi vào ngày 13/8 vừa rồi. Còn những bộ phim của ông – với những cái tên kinh điển và luôn khiến người "toát mồ hôi lạnh"- thì tất nhiên sẽ không bao giờ có tuổi.
Đến giờ, bậc thầy làm phim kinh dị này vẫn là một trong những nhà đạo diễn có ảnh hưởng nhất từ trước tới nay. Thậm chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số, Hitchcock vẫn là một tên tuổi phổ biến – khi trong danh sách phủ sóng lên toàn thế giới của Amazon và Netflix, người ta có thể dễ dàng bắt gặp một bộ phim Hitchcock. Đó là điều không dễ gặp ở mô hình kinh doanh của các dịch vụ trực tuyến này.
Người thầy chưa bao giờ lên bục giảng
Nhà nghiên cứu điến ảnh Thilo Wydra của Đức, tác giả của những cuốn sách viết về Hitchcock và các nữ diễn viên từng đóng phim của ông, khẳng định: toàn bộ 53 bộ phim của Alfred Hitchcock đều có sức sống vượt thời gian.
“Ví dụ ư? Hãy nhìn vào những bộ phim như Room With a View, Vertigo hay Psycho của ông, thật tuyệt vời làm sao! Ngay từ lần đầu tiên xem những bộ phim này, bạn sẽ nhận thấy ngay những kiệt tác đó cực kỳ hấp dẫn, đầy mê hoặc hoặc” – ông viết - “Đặc biệt nữa, phải nói đến hiệu ứng hình ảnh trong các bộ phim của ông. Nếu xem The Birds (1963), bạn sẽ thấy hiệu ứng hình ảnh của phim mạnh mẽ và mãnh liệt đến mức chỉ có một số ít phim sản xuất ngày nay có thể theo kịp”.
Nhà văn Alexander Kluy lại chỉ ra một lý do khác để giải thích sự trường tồn của Hitchcock: nhà làm phim này chưa bao giờ muốn “dạy dỗ công chúng” mà chỉ muốn khán giả giải khuây qua những thước phim của mình.
“Đó chính là lý do tại sao ông lựa chọn thể loại phim gay cấn, giật gân, Kèm theo đó là sự tinh tế trong cảnh quay. Chúng đem đến cho khán giả những “bữa tiệc” thị giác nhưng cũng khiến người xem căng thẳng thần kinh tột độ qua các dấu hiệu và biểu tượng vừa mơ hồ vừa pha chút châm biếm” – Kluy nhận định.
Ingo Kammerer, một chuyên gia về Hitchcock đồng thời là giảng viên tại Đại học Augsburg, khẳng định Hitchcock “là một bậc thầy thực sự của điện ảnh. Thế hệ nhà làm phim nào cũng chịu ảnh hưởng của ông”.
Các chuyên gia đều cho rằng thế hệ đạo diễn sau này chịu nhiều ảnh hưởng từ cách làm phim của Hitchcock, như các nhà làm phim Pháp Claude Chabrol và Francois Truffaut và cả các nhà làm phim Mỹ như Martin Scorsese, Steven Spielberg và Brian De Palma, và cả thế hệ đạo diễn trẻ hơn như nhà làm phim Pháp tài năng Francois Ozon.
Theo Wydra, các nhà làm phim kể trên đều lấy cảm hứng từ lối làm phim tinh tế, phong cách, cách sử dụng âm nhạc, âm thanh và bối cảnh hấp dẫn của Hitchcock.
Một dấu ấn trong nền văn hóa đại chúng
Thực tế, Hitchcock nổi tiếng nhất với những bộ phim của mình, song tên tuổi của ông còn gắn với nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác. Chẳng hạn, đó là các cuốn tiểu thuyết ông chấp bút trong thời tuổi trẻ hay các tác phẩm nghệ thuật mà các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ ông, như phim tài liệu Looking for Alfred của nghệ sĩ Bỉ J.Grimonprez...
“Sức ảnh hưởng của Hitchcock tới nền văn hóa đại chúng hiện đại là không thể xem nhẹ” - Thilo Wydra nói. Vậy bí quyết tạo sức lôi cuốn, ăn khách trong các tác phẩm của Hitchcock là gì?
Kammerer định nghĩa đó là nhờ “cách kể chuyện đặc biệt của Hitchcock. Không có gì là thừa thãi, mỗi chi tiết đều có một chức năng thiết yếu trong cốt truyện, không có gì là ngẫu nhiên”.
Alexander Kluy cũng đồng tình: “Sức mạnh của Hitchcock nằm ở cách ông “đùa giỡn” với sự mong đợi của khán giả: gây giật gân nhưng lại biết cách trì hoãn trong việc mở nút thắt để tạo ra dự đoán”. Cần nhắc lại: trong các bộ phim của Hitchcock, buồng tắm được sử dụng rất thường xuyên khi ông muốn làm cho khán giả “đứng tim”.
Đến giờ, khi so sánh, nhiều người nhận thấy các loạt phim Mission Impossible (Nhiệm vụ bất khả thi) và James Bond cũng chịu ảnh hưởng cách làm phim giật gân của Hitchcock. Còn nhà làm phim Mỹ Brian de Palma “khét tiếng” là người ngưỡng mộ Hitchcock nhất ở Hollywood. Ông luôn cố gắng làm phim sao cho được sát với phong cách của Hitchcock nhất và dù thậm chí bị dè bỉu là một “kẻ bắt chước không có sáng tạo”, nhưng Palma vẫn tự hào nói: “Tất nhiên rồi. Hitchcock trong điện ảnh chẳng khác gì Bach trong âm nhạc. Đó là “tháp ngà” mà bạn không thể chạm tới được”.
Ít người biết, trong suốt sự nghiệp điện ảnh của mình, Hitchcock chỉ giành được một giải Oscar danh dự, thậm chí thời gian đầu đặt chân tới kinh đô điện ảnh vào thập niên 1940, ông đã bị tất cả các hãng phim lớn từ chối vì sợ không làm nổi phim Hollywood. Cuối cùng nhà sản xuất David O.Selznick đã ký hợp đồng dài 7 năm với ông. Số phận lập tức mỉm cười với quyết định ấy: Rebecca, tác phẩm của Hitchcock, đoạt giải Oscar Phim hay nhất năm 1940.
Chứng minh cho sức ảnh hưởng bất tận của Alfred Hitchcock, nhiều cuốn sách mới viết về ông vẫn liên tục được xuất bản, trong đó có Alfred Hitchcock: The Complete Films của sử gia điện ảnh Paul Ducan, được nhà xuất bản sách nghệ thuật Taschen phát hành bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất