Chuyện về người vẽ bản đồ Trường Sa cách đây 5 thế kỷ

01/08/2012 18:04 GMT+7 | Thế giới

Theo bản đồ “Tứ chí lộ đồ” do Đỗ Bá Công Đạo vẽ thì quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa được chú thích là “Bãi cát vàng”, thể hiện cương giới Đàng Trong do Chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ XVI đã mở rộng ra vùng quần đảo ở Biển Đông.



Cụ Đậu Đình Trác - hậu huệ thứ 13 của dòng họ Đậu chi Cẩm Nang trao đổi với phóng viên

Chúng tôi tìm về xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, Nghệ An trong một ngày mưa rả rích. Ngôi nhà thờ của họ Đậu chi Cẩm Nang vẫn im lìm, trầm mặc như vốn có. Đây là nơi thờ tự thủy tổ họ Đậu chi Cẩm Nang - Đậu Công Khâm - và thờ hậu duệ đời thứ 4 của ông là Đậu Công Luận, tên tự là Đậu Bá Công Đạo - người đã vẽ bản đồ quần đảo Trường Sa từ thế kỷ thứ XVII.

Tiếp chúng tôi, cụ Đậu Đình Trác (80 tuổi) - thuộc Hội đồng gia tộc họ Đậu chi Cẩm Nang (nay là xóm 2, xã Thanh Giang, Thanh Chương) - cho biết: “Trong gia phả của chúng tôi chỉ ghi cụ Đỗ Công Luận, tên tự là Công Đạo, còn gọi là Đậu Bá Công Đạo (không rõ năm sinh, năm mất) thi trúng giám sinh vào năm đầu niên hiệu Dương Đức đời Lê Gia Tông (1672), sau được bổ làm Tri huyện Thạch Hà, được phong tước Đoan Triều nam. Làm quan được 1 năm thì từ quan, cải dạng đi buôn để vào Nam. Cũng không thấy ghi gì đến công trạng của cụ. Chỉ đến khi đoàn nghiên cứu của PGS.TS Trần Bá Chí về đây ăn ở cả tháng trời sau đó công bố kết quả nghiên cứu thì dòng họ Đậu chi Cẩm Nang chúng tôi mới biết được cụ Đậu Công Luận là người có công vẽ nên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào thế kỷ thứ 17, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này”.

Mặc dù công trạng của Đậu Bá Công Đạo đối với việc xác lập chủ quyền nước ta đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là rất lớn nhưng gia phả dòng họ Đậu không ghi lại một dòng chữ nào về công trạng của ông. “Có thể là vào thời điểm đó, việc vẽ bản đồ có lý do rất đặc biệt, nếu để lộ sẽ bị tru di cửu tộc nên không được phép ghi vào gia phả dòng họ”, ông Trác lý giải.



Tấm bản đồ do Đậu Bá Công Đạo vẽ từ thế kỷ XVII với dòng chữ "Bãi Cát vàng" - biểu thị quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa do Chúa Nguyễn quản lý (Ảnh tư liệu)

Theo tài liệu sử sách và kết quả nghiên cứu của các học giả, Đậu Công Luận sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh quyết liệt. Chúa Trịnh Tạc, Trịnh Căn đã đánh đuổi được quân Nguyễn lùi vào Nam.

Với tham vọng mang đại quân vào Nam lật đổ chính quyền họ Nguyễn, thu phục đất đai biển đảo phía Nam, bởi vậy Chúa Trịnh rất cần bản đồ địa lý Đàng Trong. Năm Chính Hòa thứ 3 (1682), nhà sư Hương Hải trốn thoát từ miền Nam ra Thăng Long đã dâng Chúa Trịnh một tấm bản đồ vẽ vùng Thuận Quảng theo trí nhớ, bởi vậy xét về mọi phương diện thì tấm bản đồ này chưa khả dụng cho Chúa Trịnh đưa quân vào Đàng Trong mưu việc lớn.(*)

Khoảng thời Chính Hoà (năm 1680-1705), Đậu Công Luận giả dạng người đi buôn theo thuyền buôn ra biển, hướng vào Nam ấp ủ dự định vẽ tấm bản đồ cụ thể hơn về đất đai Đàng Trong. Sau nhiều cuộc hải hành suốt một dải từ miền Trung vào miền Nam, ông đã bí mật khảo sát và vẽ thành bản đồ các xứ từ Thuận Quảng trở vào mang tên “Tứ chí lộ đồ” - Bản đồ vẽ đường đi 4 phía. Sau khi hoàn thành, Đậu Công Luận dâng lên Chúa Trịnh hiến kế Nam chinh.

Tập "Tứ chí lộ đồ" do Đậu Công Luận vẽ có: 53 phủ, 181 huyện, 49 châu, 14 làng, 8.992 xã, 205 thôn, 335 trang, 451 sách, 43 sở, 442 động, 41 trại. 67 phường, 10 vạn, 8 nhà, 2 tuần, 1 quan, 2 giác, 15 nguyên, 15 châu. Riêng Thuận- Hoá có 02 phủ, 8 huyện, 4 châu, Quảng - Nam có 3 phủ 9 huyện. Trong tập bản đồ này có rất nhiều thông tin về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đặc biệt là bản đồ quần đảo Hoàng Sa.



Nhà thờ họ Đậu chi Cẩm Nang (xã Thanh Giang, Thanh Chương, Nghệ An)

Trong "Tứ chí lộ đồ" có quyển “Đường từ phủ Phụng Thiên đến Chiêm Thành” có phần vẽ và chú giải bằng chữ Nôm về hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa như sau: “Ở khu vực Phủ Thăng Hoa và Phủ Quảng Ngãi phía ngoài biển hình bãi cát kéo dài từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Kỳ với tên gọi Bãi Cát Vàng”. Bãi Cát vàng được ông thể hiện trong bộ Lộ đồ phản ánh cương giới xứ Đàng Trong do chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ XVI, đã mở rộng ra vùng quần đảo ở Biển Đông.

Hiện tại, dòng họ Đậu chi Cẩm Nang có trên 200 hộ, tập trung tại 4 xã Thanh Mai, Thanh Giang, Thanh Tùng, Thanh Xuân. Con cháu của dòng họ cần cù hiếu học, hay lam hay làm. Dòng họ hiện có 7 người trình độ trên đại học, có người đỗ đạt giữ chức vụ quan trọng trong quân đội, “còn đại học nhiều không đếm xuể”.

Bãi Cát vàng là tên gọi nôm na mà nhân dân xứ Đàng Trong đặt cho 2 quần đảo san hô, chuyển sang âm Hán Việt là "Hoàng Sa", "Hoàng Sa chử". Tên gọi "Hoàng Sa", "Hoàng Sa chử " (chử trong tiếng Hán có nghĩa bãi - PV) được thông dụng trong các văn kiện thời Lê và thời Nguyễn, như trong Đại Nam Thực lục, Đại nam nhất thống chí, Đại nam nhất thống toàn đồ, chỉ chung cả hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa ngày nay. Đây là một tập tài liệu quí giá chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Theo chúng tôi được biết, hiện “Tứ chí lộ đồ” đang được lưu giữ tại Viện Hán Nôm - là một trong những chứng cứ quan trọng khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển Đông, đặc biệt là 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

(*) - Trong bài có sử dụng tài liệu của các nhà nghiên cứu về "Tứ chí lộ đồ"

Theo Dân trí

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link