24/08/2012 13:21 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - (LTS): Trong khi báo TT&VH/TTXVN đang nỗ lực hưởng ứng Thông tư 24 của Bộ Quốc phòng về việc đưa báo TT&VH vào các đơn vị quân đội, và trong khi TTXVN đã và đang thực hiện kế hoạch xây dựng tủ sách ở Trường Sa và hướng ra Trường Sa, Hoàng Sa bằng tất cả tấm lòng của mình... thì thật bất ngờ, BTC nhận được bài dự thi của cựu chiến binh Lê Chí Dũng. Bài dự thi ắp đầy kỷ niệm, chân thực, mộc mạc mà lay động trái tim, kể về niềm đam mê thể thao, bóng đá của những người lính. Niềm đam mê đó được bồi đắp, nhân lên bởi sự xuất hiện của Tin nhanh Espana ‘82, và thật khó thể tin nổi: Một tập báo TT&VH được chở bằng máy bay quân sự từ Hà Nội vào Cam Ranh để có mặt trong hành trang của những người lính ra Trường Sa vào năm biển Đông dậy sóng - năm 1988.
Đối với thế hệ 5X chúng tôi thì bóng đá là một môn thể thao vừa gần gũi vừa xa vời, nhất là vào những năm 1960 - 1970. Gần gũi là vì những yêu cầu đơn giản của nó, chỉ cần một quả bóng, 1 cái còi, 1 thửa ruộng là có thể tổ chức được 1 trận đấu không khoan nhượng với mỗi bên có thể chỉ cần 2 người, 3 người… Xa vời là vì thời kỳ đó tin tức bóng đá thế giới đến với chúng tôi cực kỳ ít ỏi. Những cái tên Pele, Garincha, Lép Iasin… chỉ được một số người hiếm hoi ở thành phố biết đến.
Vừa qua, TTXVN đã tổ chức một số hoạt động giàu ý nghĩa ở Trường Sa như vận động các đoàn viên trong cơ quan (trong đó có chi đoàn TT&VH) quyên góp sách để tặng đảo Song Tử Tây, tổ chức triển lãm ảnh ở Trường Sa Lớn....Trong ảnh là triển lãm Những lá thư nhà gửi Trường Sa |
Đối với thế hệ 5X chúng tôi, các bản tin của TTXVN là tài liệu hạn chế lưu hành mà chỉ có những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cỡ sư đoàn trở lên mới được đọc. Trụ sở TTXVN ở đầu phố Lý Thường Kiệt kín cổng cao tường, là một cơ quan rất đặc biệt đối với giới bình dân Hà Nội.
Mùa Hè 1982, sau nhiều năm theo dõi bóng đá trên đài (1974, 1976), xem phát lại trên truyền hình (1978), lần đầu tiên chúng ta được xem truyền hình trực tiếp những trận cầu rực lửa của Espana ‘82 ngay từ vòng đấu bảng. Các báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tiền Phong đều mở các chuyên mục bóng đá để phục vụ các đệ tử túc cầu giáo, nhưng thông tin quá ít ỏi vì diện tích trang báo có hạn.
Một buổi chiều sau khi làm việc ở 34 Phạm Ngũ Lão trở về, đi qua Lý Thường Kiệt tôi thấy một đám đông đang xếp hàng trước cửa cơ quan TTXVN. Rẽ vào, tôi hỏi anh thanh niên đứng cuối hàng:
- Xếp hàng mua gì đấy?
- Tin nhanh bóng đá, hay lắm! - Anh thanh niên trả lời.
Dựa ngay xe đạp vào gốc cây, tôi đứng luôn vào hàng, thầm lo không biết đến lượt mình thì báo còn không. Thật may, đến lượt tôi (sau gần nửa tiếng xếp hàng) chỉ còn vài tờ nữa là hết. Bước ra khỏi quầy báo tôi thấy vỉa hè đường Lý Thường Kiệt lúc này đông nghẹt người, không khác gì cửa vào sân Hàng Đẫy trước trận đấu giữa Thể Công và đội tuyển Cuba.
Tôi đọc nhanh các tít bài, hay quá... Quả là “nắng hạn gặp mưa rào”. Ngày hôm sau, tôi mang tờ tin vào cơ quan, mọi người tranh nhau đọc và bình luận rôm rả. Phòng tôi họp lại, ra một quyết đinh quan trọng: Lập “Quỹ bóng đá” và giao cho một đồng chí nhà ở gần cơ quan TTXVN buổi chiều được phép về sớm để mua bằng được tờ Tin nhanh Espana ‘82, phục vụ cho buổi “giao ban” bóng đá sáng hôm sau. Quyết định có hiệu lực đến hết giải.
Mùa Hè 1988, cả Hà Nội lại nóng lên vì EURO và chúng tôi cũng không là ngoại lệ. Nhưng mùa Hè này lại khác. Tình hình biển Đông lại còn “nóng” hơn. Các buổi “giao ban” bóng đá bị dẹp bỏ, thay vào đó là phổ biến tình hình, diễn biến tại khu vực đảo Cô Lin, Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Chúng tôi vẫn duy trì nếp “sưu tầm” báo TT&VH (lúc đó mang tên Văn hóa Thể thao Quốc tế) hàng ngày, nhưng các buổi “bình luận bóng đá” thì rút ngắn rất nhiều, chỉ giới hạn trong lúc giải lao và nghỉ trưa. Niềm hứng khởi vì Liên Xô vào sâu phải kìm lại, dành thời gian cho quốc gia đại sự.
Tôi nhận lệnh vào Cam Ranh, chuẩn bị cho CV-88, một hoạt động chi viện cho Trường Sa. “Ông yên tâm, bọn này sẽ lưu toàn bộ Văn hóa Thể thao Quốc tế để ông về xem lại”. “Tốt nhất là khi nào có điều kiện các ông gửi vào ngay cho tôi để cập nhật tin tức (bóng đá), khỏi lạc hậu với tình hình”.
Và các bạn biết không, theo kế hoạch, đêm đó tàu rời cảng Cam Ranh để ra Trường Sa thì buổi chiều chuyến máy bay quân sự từ Hà Nội vào đã mang đến cho tôi một gói quà bao gồm toàn bộ các số báo Văn hóa Thể thao Quốc tế (8 số tất cả) trước, trong và sau giải EURO 1988. Không biết có phải nhờ đọc báo hay không mà suốt chặng đường 2 ngày 3 đêm ra đảo tôi không hề say sóng, chỉ mệt mỏi chút ít. Trong thời gian đó, tôi cứ đọc xong tờ báo nào là nó lại được chuyền tay đến anh em cán bộ chiến sĩ trên tàu. Mọi người đọc xong đều bình luận rất say sưa, quên cả quãng đường đầy gian khổ vì có lúc biển động đến cấp 6. Khi chờ xuồng để vào đảo, anh em trên tàu gom lại toàn bộ báo trả cho tôi, một đồng chí thiếu úy (tôi quên tên vì lâu quá) nói bâng quơ:
- Giá anh cho em số báo này để mang vào đơn vị em thì tốt quá.
- Cậu ở đảo nào? - Tôi hỏi.
- Em ở Song Tử anh ạ.
- Cậu cầm lấy đi, nhớ bảo quản cho tốt, với các cậu thì tiếc gì - Tôi nói.
Tôi biết lúc đó báo chí đối với cán bộ chiến sĩ trên các đảo là món quà hết sức quý, nhất là báo Văn hóa Thể thao Quốc tế, một món ăn giải trí tinh thần rất quan trọng. Thế là năm 1988 báo TT&VH đã có mặt ở Trường Sa!
Bây giờ điều kiện ở quần đảo Trường Sa đã được cải thiện rất nhiều. Anh em ở Song Tử xa xôi có thể cập nhật mọi loại tin tức, trong đó có EURO 2012 qua hệ thống ti-vi, điện thoại di động kết nối qua vệ tinh. Chắc là báo TT&VH cũng đã đến được với anh em qua các chuyến tàu của đất liền.
Xin gửi tới các anh chị một vài kỷ niệm đáng nhớ về báo TT&VH. Chúc các anh chị ở tòa soạn mạnh khỏe, tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của mình.
(*) Bài đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi viết Bạn đọc với 30 năm TT&VH. Nguyên văn tít bài là: Một vài kỷ niệm với TT&VH
Cựu chiến binh Lê Chí Dũng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất