12/06/2015 05:38 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Lịch sử bóng đá Thanh Hóa ở V-League ghi nhận cứ mỗi lần thay đổi là họ lại mở ra những cơ hội để phát triển, tạo nên những dấu ấn, tiếng vang vô cùng ấn tượng.
Trong giai đoạn từ năm 2009 tới năm 2010, bóng đá Thanh Hóa đã có nhiều cuộc chuyển giao đổi tên và tiếp quản bởi không ít đơn vị.
Cất cánh từ một nốt trầm
Ngày 25/6/2009, Tập đoàn Xi măng Công Thanh bàn giao CLB bóng đá Xi măng Công Thanh Thanh Hóa cho Sở VHTT&DL Thanh Hóa quản lý, điều hành. Kết thúc mùa giải V-League 2009, đội bóng xếp cuối bảng xếp hạng và bị đẩy xuống chơi tại Giải hạng Nhất năm 2010.
Sau khi Bộ Quốc phòng ra quyết định xóa tên Thể Công và Tổng công ty Viettel khi ấy không còn muốn chơi bóng đá chuyên nghiệp nữa, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã quyết định tiếp nhận CLB Bóng đá Viettel với mục đích làm nòng cốt để phát triển đội bóng mới.
Bằng suất thi đấu đã được chuyển giao từ CLB Thể Công, CLB Bóng đá Lam Sơn Thanh Hóa đã chính thức góp mặt ở mùa bóng V-League 2010. Khi mùa giải V-League 2010 kết thúc, CLB Bóng đá Lam Sơn Thanh Hóa chỉ xếp hạng thứ 12 trên tổng số 14 đội tham dự.
Bóng đá xứ Thanh chỉ thực sự có được những bước phát triển tích cực kể từ khi chuyển sang mô hình bóng đá chuyên nghiệp. Ở cuối mùa giải V-League 2010, đội bóng đá Lam Sơn Thanh Hóa đã chính thức chuyển giao từ CLB Bóng đá Thanh Hóa (chủ sở hữu là Sở VHTT&DL Thanh Hóa) sang thuộc Công ty Cổ phần Bóng đá Lam Sơn Thanh Hóa (hiện nay là Công ty Cổ phần Bóng đá Thanh Hóa).
Mùa giải V-League 2011, Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Bóng đá Thanh Hóa đã bầu ông Nguyễn Văn Đệ làm Chủ tịch hội đồng quản trị và đăng ký chính thức sử dụng lại tên gọi của đội bóng là CLB Bóng đá Thanh Hóa.
Một bản sắc không thể lẫn
Ngay sau khi thực hiện những bước chuyển giao theo mô hình bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá Thanh Hóa đã có những bước phát triển khởi sắc, gợi nhớ lại những năm tháng tươi đẹp trước kia.
Nếu như trước đó, ở mùa bóng V-League 2010, CLB chỉ xếp hạng 12 trên tổng số 14 đội tham dự thì ngay ở mùa giải sau, CLB Thanh Hóa cán đích ở vị trí thứ 7. Hai năm sau, CLB Thanh Hóa cán đích ở vị trí thứ 5 ở mùa giải V-League 2013.
Đặc biệt, ở mùa bóng 2014, CLB Thanh Hóa đã thực sự tạo ra cơn sốt khi thầy trò Mai Đức Chung lập nên những kỳ tích. Sau 11 vòng, Thanh Hóa đứng đầu bảng xếp hạng, dù mới chơi 9 trận. Đặc biệt hơn, thầy trò HLV Mai Đức Chung còn phá một loạt kỷ lục của CLB khi giành 7 chiến thắng liên tiếp (kỷ lục cũ là 3), dẫn đầu bảng xếp hạng liên tục trong 7 vòng (kỷ lục cũ là 2). Dù CLB Thanh Hóa chỉ cán đích ở vị trí thứ 3 khi mùa giải kết thúc, nhưng đó vẫn được xem là mùa bóng thành công của thầy trò Mai Đức Chung.
Thành tích ấn tượng trên là thành quả hội tụ từ rất nhiều yếu tố đặc trưng nơi xứ Thanh. Thứ nhất là phải kể đến tình yêu bóng đá mãnh liệt của người dân Thanh Hóa. Cùng với các địa phương như Nghệ An hay Hải Phòng, sự hâm mộ cuồng nhiệt của cổ động viên Thanh Hóa từ lâu cũng đã vang danh khắp cả nước.
Cuồng nhiệt xứ Thanh
Cứ mỗi lần CLB thi đấu trên sân nhà thì một lần "chảo lửa" Thanh Hóa lại sống trong không khí lễ hội. Với những "cơn lốc vàng" do Hội Cổ động viên xứ Thanh tạo ra luôn hừng hực khí thế cổ vũ là những hình ảnh không thể nào quên ở mùa bóng 2014.
Thứ hai, có thể nói hiếm có địa phương nào mà các cấp lãnh đạo lại dành nhiều sự quan tâm, tình cảm cho bóng đá như ở Thanh Hóa. HLV Mai Đức Chung từng phải thốt lên rằng:
“Các lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá rất đam mê và cuồng nhiệt với bóng đá. Dù rất bận, lãnh đạo thường xuyên nhắn tin, gọi điện để nắm tình hình đội bóng, quan tâm từng miếng ăn, giấc ngủ, từ buổi tập đến các đối thủ... Bóng đá còn được đưa vào nhiều nghị quyết của Tỉnh bởi bóng đá đang là niềm tự hào nơi đây. Tất cả mọi người đều vun cho bóng đá bằng tình yêu và trách nhiệm. Tôi đã đi làm ở nhiều nơi nhưng chưa ở đâu được như Thanh Hoá”.
Chính từ sự quan tâm, ủng hộ từ các cấp lãnh đạo cho tới người hâm mộ đã giúp CLB Thanh Hóa có được sự ổn định để tạo nên một đội bóng giàu bản sắc. Dù không quá mạnh về mặt tài chính nhưng CLB đều giải quyết nhanh gọn những chế độ đãi ngộ như tiền lương, thưởng… cho các cầu thủ. Điều này được xem là một trong những tiền đề để các cầu thủ, dù không phải là người bản địa xứ Thanh cũng nguyện một lòng thi đấu cồng hiến vì tập thể, vì sự phát triển chung của bóng đá Thanh Hóa.
Lần này, với sự kết hợp cùng Tập đoàn FLC rất mạnh về địa ốc, vững theo con đường chuyên nghiệp hóa, chắc chắn bóng đá Thanh Hóa sẽ tiếp tục phát triển.
Huy Hùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất