20/10/2017 14:10 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Sau HLV Chung Hae Seong cập phố núi Pleiku, có thể cựu tiền đạo đội trưởng ĐTQG - Lê Công Vinh, cũng sẽ tái hợp với ông thầy cũ trên tuyển là Toshiya Miura, tại CLB TP.HCM, đội bóng mà Vinh đang giữ chức danh quyền chủ tịch. Xu hướng sử dụng HLV, chuyên gia ngoại không mới, nhưng luôn cũ nếu như không hiệu quả!
Sau một thời gian dài vắng bóng, nguồn ngoại lực trên cabin BHL các CLB Việt Nam và cả ĐTQG, lại bắt đầu “chấn hưng” trở lại. Đó là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển, khi ngoại lực trong quá khứ là yếu tố quan trọng, đưa bóng đá Việt Nam tiệm cận với đẳng cấp châu lục.
Nhưng, chỉ với thầy ngoại là không đủ, khi sự phát triển đồng bộ cần nhiều yếu tố khác. Có thể thấy rõ, kể từ khi VFF và BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) giới hạn các suất đăng ký ngoại binh và cầu thủ nhập tịch/CLB V-League, chất lượng chuyên môn của các trận đấu và giải đấu đi xuống thấy rõ. Sự thật là dù nguồn đào tạo trẻ của nền bóng đá có dồi dào đến đâu đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn chưa thể tự cường. Việc nhập khẩu nhân lực trong bóng đá là bắt buộc.
Trở lại với những thông tin về việc Lê Công Vinh mời Toshiya Miura cầm CLB TP.HCM là có cơ sở, trong chiến lược phát triển đội bóng. Trong lần mới nhất trả lời Thể thao & Văn hóa, tự Công Vinh đã nhắc lại những ưu việt của ông thầy người Nhật Bản, khi 2 người có khoảng thời gian hơn 2 năm làm việc cùng nhau trên ĐTQG. "Đó là một HLV giỏi, có tâm với nghề", Công Vinh nói. Hiện tại, CLB TP.HCM đang được dẫn dắt bởi HLV người Pháp - Alain Fiard, nhưng thành tích của tân binh V-League khá nghèo nàn. Theo đánh giá của giới chuyên môn, ông Alain phù hợp hơn với đào tạo trẻ, bởi sự tỉ mỷ, chứ khó hợp với bóng đá đỉnh cao. Và, tương lai gần CLB TP.HCM cũng sẽ khai trương học viện bóng đá ở Quận 2, há chẳng phải sẽ mở ra một cuộc chuyển giao hoàn hảo?
Nguồn ngoại lực được ý thức trở lại, ở nhiều cấp độ khác nhau, cũng cho thấy sự thất thế của nội lực. Nhiều người sẽ tự ái, nhưng lịch sử cho thấy, chưa một ông thầy nội nào từng thành công khi nắm ĐTQG, kể từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại khu vực. Ở cấp CLB, HAGL vẫn tiên phong trong công thức đào tạo (Tây) và cả việc tận dụng chất xám ngoại.
Đã đến lúc nhà tổ chức sẽ phải cân nhắc, tính toán lại nhu cầu đăng ký và sử dụng ngoại binh, tại các CLB V-League và giải hạng Nhất. Trước là hút khách, sau tăng chất, tạo đà cho sự phát triển. Sau B.Bình Dương ở AFC Cup 2009, không một đại diện Việt Nam nào từng thành công ở giải đấu châu lục dành cho CLB, bởi chính chúng ta đã tự làm khó mình bằng quy định "chéo cẳng ngỗng" với ngoại binh. Đến siêu cường quốc bóng đá như Brazil cũng cần nguồn ngoại lực, thì đừng hỏi. Thay đổi, hay chấp nhận tịnh tiến lùi như hơn nửa thập niên qua! Đấy đã là câu trả lời.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất