04/06/2015 17:01 GMT+7 | Bên lề
(Thethaovanhoa.vn) - SEA Games 28, ngày hội thể thao lớn nhất của khu vực Đông Nam Á chính thức diễn ra từ ngày 5 đến 15/6 tới đây tại Singaprore. Sau hơn 2 thập kỷ mới tổ chức lại SEA Games, quốc đảo hình sư tử đang gây khá nhiều ngạc nhiên cho tất cả các đoàn thể thao tham dự, cũng như giới phóng viên thông qua nhiều kỷ lục, con số ấn tượng về các công trình thi đấu và công tác chuẩn bị. Nói một cách khác, SEA Games 28 đang được khoác lên mình một chiếc áo mới và bước đầu đem theo rất nhiều kỳ vọng.
Tuy nhiên, đằng sau tín hiệu tích cực, sân chơi vẫn được gọi là “hội làng” này liệu sẽ có những thay đổi về chất hay không, quý vị độc giả hãy cùng với chúng tôi tìm hiểu thêm, thông qua những góc nhìn của một số nhà báo và cây bút đã nhiều lần tham dự các kỳ đại hội và hiện đã tác nghiệp tại Singapore từ nhiều ngày qua, gồm nhà báo Hà Huy Tường – Tổng Biên tập báo Thể thao TPHCM, nhà báo Việt Anh – Đài Tiếng nói Việt Nam và phóng viên Quyết Thắng từ báo điện tử ViệtNamNet ở mục chuyên mục "Phỏng vấn" do phóng viên báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần thực hiện ngay tại quốc đảo sư tử.
SEA Games "mặc áo mới"
Xin chào các anh Hà Huy Tường, Nguyễn Việt Anh và Nguyễn Quyết Thắng, cảm nhận đầu tiên của các anh về SEA Games 28 là gì, cảm nhận này có gì khác biệt so với những kỳ đại hội mà các anh đã từng tham dự trong vai trò một phóng viên, một người quan sát từ bên ngoài?
Nhà báo Nguyễn Việt Anh: Singapore đã cho thấy sự chuẩn bị chu đáo và khoa học cho kỳ SEA Games lần này, khá lâu sau lần gần nhất họ đăng cai 1 kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á. Bên cạnh việc tận dụng những địa điểm sẵn có như: Singapore Expo (tổ chức tới 6 môn gồm Boxing, Sepaktakraw, Judo, Pencak Silat, Taekwondo, Wushu sau khi được cải tạo), nước chủ nhà đã có sự đầu tư lớn cho khu liên hợp thể thao quốc gia mới xây dựng là Singapore Sports Hub.
Trẻ em Singapore vui chơi thể thao chào mừng SEA Games 2015
Đây là một công trình thể thao không chỉ hiện đại đáp ứng được các sự kiện thể thao quốc tế lớn mà theo tôi , chúng ta còn học được rất nhiều từ nó. Không có diện tích lớn nên Singapore tận dụng tối đa, khoảng cách giữa các nhà thi đấu, sân vận động trong khu được rút ngắn tối đa. Một điểm đáng chú ý là Singapore sử dụng rất hợp lý khu liên hợp, với việc kết hợp với các trung tâm mua bán, tạo thành điểm đến cho người dân cũng như khách du lịch.
Phóng viên Nguyễn Quyết Thắng: Theo tôi, sự chuẩn bị của nước chủ nhà đến thời điểm này cho thấy sự chu đáo, kỹ lưỡng và rất chuyên nghiệp. Các môn thi đấu vừa chính thức khởi tranh như bóng đá, bóng bàn…đều đã diễn ra thành công. Đáng chú ý, công tác an ninh luôn được thắt chặt, các phòng chức năng hoạt động rất tốt. BTC bố trí rất nhiều bộ phận phụ trách những công việc khác nhau, nhưng không bị chồng chéo. Những vấn đề nhỏ nhất của các đội, báo chí… đều được giải quyết nhanh.
Việc Singapore từng đăng cai SEA Games và đặc biệt là đã có kinh nghiệm tổ chức các giải đấu lớn gần đây, chẳng hạn như Olympic trẻ 2010, nên công tác tổ chức rất bài bản và chuyên nghiệp. Đây là điều tất cả các đoàn tham dự kỳ đại hội này phải công nhận.
Việc Singapore bỏ ra tới 1 tỷ USD để xây dựng khu liên hợp thể thao quốc gia Soprts Hub cho thấy tầm nhìn xa của đảo quốc sư tử. Người Singapore rõ ràng muốn hướng tới những giải đấu mang tầm châu lục, thế giới, chứ không còn quanh quẩn ở sân chơi như SEA Games.
Nhà báo Hà Huy Tường: Với tiềm năng của mình thì dễ hiểu là Singapore "thừa sức" để tổ chức một kỳ SEA Games hiện đại vào loại bậc nhất. Nhưng ở góc độ cá nhân, tôi ấn tượng hơn với việc nước chủ nhà biến một Đại hội thể thao chuyên nghiệp trở thành một ngày hội cho người dân. Những ngày này ở Singapore đi đâu bạn cũng có thể bắt gặp cảnh đông đảo người dân đảo quốc sư tử đến tham quan các địa điểm tổ chức thi đấu, hòa mình vào các trò chơi thể thao giải trí, mua sắm…
Đồ lưu niệm SEA Games 2015 đắt hàng tại Singapore
Cũng theo suy nghĩ của cá nhân tôi, Việt Nam rồi sẽ lần thứ hai là chủ nhà của ngày hội thể thao khu vực và chúng ta nên học cách làm này của Singapore. Thể thao phải thực sự là ngày hội, chứ không chỉ đơn thuần là "những cuộc thi đấu, những tấm huy chương".
Singapore sẽ tiên phong “chữa” bệnh thành tích ở SEA Games?
Người dân Đông Nam Á có thể tự hào vì có SEA Games - một đấu trường thể thao có bề dày lịch chỉ thua kém Olympic và ASIAD. Thế nhưng, bấy lâu nay, SEA Games vẫn manng tiếng "hội làng" vì sự bùng nổ về căn bệnh thành tích của các đoàn khi tham dự, thậm chí, nó mang đến rất nhiều câu chuyện "dở khóc dở cười". Ở SEA Games 28 lần này, theo các anh, Singapore có tiên phong trong việc "chữa" bệnh thành tích và các anh cho biết dự báo của mình về cuộc đua trên bảng tổng sắp huy chương?
Nhà báo Nguyễn Việt Anh: Tại các kỳ SEA Games, chúng ta đã quen với việc nước chủ nhà đứng vị trí số 1 (nếu có đủ thực lực vào tốp 3 ở những Đại hội trước đó) hoặc có số HCV vượt trội so với thành tích ở những lần Đại hội tổ chức ở quốc gia khác. Thứ nhất, nước chủ nhà thường tham dự với số VĐV lớn, nên cơ hội giành huy chương cao hơn.
Thứ hai là họ có quyền đưa vào chương trình thi đấu những nội dung, môn thể thao thế mạnh đồng thời loại bỏ môn thể thao, nội dung hay hạng cân mạnh của các nước khác. Cuối cùng là vấn đề trọng tài “ưu ái” VĐV của nước chủ nhà – vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều tại các kỳ SEA Games nhưng chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt ở những môn chấm điểm cảm tính như các môn võ thuật.
Ở kỳ SEA Games này, Singapore tham dự với đoàn thể thao có số thành viên đông kỷ lục với quyết tâm giành thứ hạng cao trên bảng tổng sắp huy chương. Tuy nhiên, khi mà Đại hội còn chưa diễn ra, chúng ta khó có thể khẳng định "căn bệnh" thành tích có lại xuất hiện ở SEA Games 28 hay không, nhưng đều hy vọng các VĐV có thể đua tranh một cách công bằng nhất, với đúng tinh thần Olympic.
Phóng viên Nguyễn Quyết Thắng: Khi nhìn vào chương trình thi đấu, có thể dễ dàng nhận ra Singapore đã loại rất nhiều môn chỉ có tính chất khu vực, luôn gây tranh cãi, kiện cáo, thay vào đó là các môn trong số 28 nội dung thi đấu của Olympic. Nhưng theo tôi, chúng ta cũng chưa quá nên “mừng” vội trước những điều chỉnh của BTC SEA Games lần này.
Họ đưa rất nhiều môn Olympic nhưng cũng có quyết định rất kỳ lạ, ví dụ như việc thẳng tay loại cử tạ ra khỏi chương trình thi đấu, dù như tất cả chúng ta đã biết, khu vực Đông Nam Á sở hữu rất nhiều những lực sỹ đã đạt tới đẳng cấp thế giới, mà một ví dụ dễ nhận thấy nhất là Thạch Kim Tuấn của Việt Nam. Quan điểm của tôi, SEA Games thay đổi một cách toàn diện là điều rất khó, nhưng ít ra Singapore đang nỗ lực làm điều đó.
Còn về cuộc đua tranh, Singapore là chủ nhà, họ đã chuẩn bị kỹ cho sân chơi này, tham gia đầy đủ toàn bộ 36 môn thể thao trong chương trình thi đấu, nên không có gì ngạc nhiên nếu đoàn thể thao Singapore sẽ đứng ở vị trí số 1, dù nhiều năm gần đây, thường họ chỉ đứng ở vị trí thứ 5. Cũng không nên chủ quan cho rằng, việc Singapore đứng ở vị trí số 1 là họ vẫn chạy theo thành tích, mà quan trọng là họ sẽ đứng ở vị trí số 1 với vị thế ra sao. Các VĐV Singapore giành nhiều HCV bằng tài năng, thực lực thì sẽ rất thuyết phục không chỉ với chúng ta, mà với cả những người theo dõi SEA Games. Còn nếu cố “vơ vét” huy chương, thì đó là điều thực sự đáng buồn.
Nhà báo Hà Huy Tường: Kể cả khi không có SEA Games thì cũng chẳng khó để nhận ra mặt bằng chung của thể thao khu vực Đông Nam Á. Với sự phát triển mạnh mẽ và đồng đều, Thái Lan đương nhiên là ở vị trí số 1. Tiếp theo là Việt Nam, Malaysia, Indonesia, rồi Singapore, Philippines, Myanmar và cuối cùng tới Lào, Campuchia, Brunei, Timor Leste.
Tuy nhiên, với cách tổ chức khá đặc thù của SEA Games khi dành quyền ưu tiên lớn cho nước chủ nhà, cùng "căn bệnh" thành tích đã khiến thứ hạng này có lúc thay đổi đến "chóng mặt", nhưng rõ ràng nó không phản ánh đúng sức phát triển của từng nền thể thao.
Theo tôi để "chữa trị" dứt điểm căn bệnh thành tích đã kéo dài, cần phải có sự quyết tâm, đồng lòng của chính những người làm thể thao trong khu vực. Nếu không còn ai chạy theo thành tích bằng mọi giá và tất cả vì sự phát triển chung của thể thao Đông Nam Á, thì "căn bệnh" này sẽ ngay lập tức được dập tắt thôi.
Các nhà báo thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 28 (từ trái qua phải): Quyết Thắng (báo ViệtNamNet); Huy Tường (báo Thể thao TP.HCM); Vũ Lê (báo Thể thao & Văn hóa)
U23 Thái Lan sẽ giành tấm HCV quý giá nhất?
SEA Games 28 có tới 402 bộ huy chương được trao và mỗi HCV có giá trị như nhau trên bảng tổng sắp. Thế nhưng, bóng đá nam luôn đứng ở vị trí số 1 và là môn thi thu hút sự quan tâm lớn nhất, thậm chí, nhiều đoàn thể thao sẵn sàng "đánh đổi" toàn bộ số huy chương chỉ để lấy “vàng” bóng đá. Theo các anh, bóng đá nam ở SEA Games lần này, có điều gì đặc biệt?
Nhà báo Nguyễn Việt Anh: SEA Games 28 chưa khai mạc nhưng chúng ta đã chứng kiến một “sự cố” nghiêm trọng khi lãnh đội U23 Timor Leste bị bắt để điều tra về việc tham gia dàn xếp tỷ số môn bóng đá nam. Nước chủ nhà vốn được nhắc đến như 1 điểm nóng của khu vực Đông Nam Á cũng như cả châu Á về nạn cá độ bóng đá.
Chính vì vậy, Ban tổ chức đã có những biện pháp phòng ngừa việc xảy ra tiêu cực ở môn bóng đá nam của SEA Games 28 và việc bắt giữ lãnh đội U23 Timor Leste như một lời cảnh báo. Cũng liên quan đến môn bóng đá, thì việc U23 Indonesia phải tới ngày họp Trưởng đoàn mới khẳng định việc tham dự cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tổ chức. Những diễn biến này đã cho thấy sức nóng của môn bóng đá nam tại Đại hội.
Về khả năng cạnh tranh ngôi vô địch, U23 Thái Lan vẫn luôn được đánh giá là ứng cử viên số 1, tiếp theo đó là chủ nhà U23 Singapore và các đội tuyển U23 Việt Nam, U23 Malaysia. Tuy nhiên, phải sau những cuộc so tài trực tiếp giữa các ứng viên cho vé vào bán kết thì chúng ta mới nhận định được rõ ràng hơn..
Phóng viên Nguyễn Quyết Thắng: Nước chủ nhà đang cho thấy quyết tâm không chỉ tổ chức tốt SEA Games, mà còn làm sạch giải đấu này. Mới đây, nhiều cầu thủ U23 Timor Leste và cả trưởng đoàn đội bóng này đã bị cảnh sát điều tra, bắt giữ. Đây là điều ít khi xảy ra ở các kỳ SEA Games khác bởi các nước chủ nhà luôn muốn giữ hình ảnh đẹp của mình với bạn bè khu vực.
Việc Singapore làm mạnh tay với vấn đề dàn xếp tỷ số, nên tôi cũng kỳ vọng rất nhiều kỳ đại hội này sẽ không có những chuyện tranh cãi liên quan đến công tác trọng tài hay những vấn đề muôn thủa của SEA Games khác.
Còn về cuộc đua đến ngôi vô địch, U23 Thái Lan được đánh giá cao nhất và họ là ứng cử viên nặng ký cho tấm HCV SEA Games 28 sau những thể hiện rất ấn tượng trên nhiều mặt trận. U23 Việt Nam có nhiều tiềm năng và cũng là một ẩn số, nhưng tôi nghĩ, U23 Thái Lan vẫn được đánh giá cao nhất ở đấu trường này.
Nhà báo Hà Huy Tường: Cũng giống như các môn thể thao khác thôi, đương nhiên U23 Thái Lan là ứng viên số 1 cho ngôi vô địch rồi. Nhưng trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, không thể nói trước bất kỳ điều gì khi trái bóng còn lăn. Hơn thế, SEA Games còn là sân chơi dành cho các cầu thủ, những người vẫn chưa thực sự đạt độ chín về chuyên môn lẫn tâm lý thì khả năng xảy ra bất ngờ cũng là rất lớn.
Nhận định thì là thế, tuy nhiên, tôi vẫn rất mong đội tuyển U23 của chúng ta sẽ bước lên ngôi vô địch lần này để hiện thực được giấc mơ Vàng SEA Games đã dang dở từ quá lâu rồi. Nếu thày trò ông Toshiya Miura vô địch, thì chắc chắn đây là kỳ SEA Games trọn vẹn nhất của Thể thao Việt Nam và cũng trọn vẹn với chính báo giới, những người mà hàng thập kỷ qua đã cùng đồng hành trên mọi đấu trường.
Xin cảm ơn các anh về cuộc trò chuyện này và xin được chúc các anh tác nghiệp thành công ở SEA Games 2015!
Vũ Lê (thực hiện từ Singapore)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất