Câu chuyện của Bosman

14/08/2013 14:51 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1995, một biến cố lớn đã xảy ra với một cầu thủ vô danh làm thay đổi hoàn toàn bóng đá châu Âu.

Jean-Marc Bosman cảm thấy tuyệt vọng ở đội bóng chủ quản của mình. Từng là một ngôi sao mạnh mẽ và kỹ thuật khéo léo, đội trưởng của đội U21 Bỉ những năm 1980, Bosman, 49 tuổi, giờ đây béo lùn và bắt đầu hói. Đôi mắt co giật, lo lắng của ông lộ rõ nỗi đau đớn vì cuộc thử thách pháp lý trong một thời gian dài cô độc. “Tôi phải là cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất của Bỉ, nhưng không ai biết đến tôi”, ông nói.



Jean-Marc Bosman, người hùng năm nào, giờ đã là một trung niên già trước tuổi

Người hùng quá vãng

Thực vậy, người đàn ông có thể đã làm nhiều hơn bất cứ ai khác để giúp cho những đồng nghiệp của mình trở nên giàu có, bây giờ đã bị loại ra khỏi cuộc chơi. Mười tám năm trước, hành động pháp lý mang tính bước ngoặt Bosman đã kết thúc một chế độ cổ xưa cho phép các câu lạc bộ giao dịch cầu thủ như thú vật. Trước đó, một câu lạc bộ có thể đưa ra mức giá bán cầu thủ của mình ngay cả khi hợp đồng của anh ta đã hết hạn. Sau luật Bosman, cầu thủ sau khi hết hạn hợp đồng sẽ trở thành cầu thủ tự do.

Bây giờ Bosman là một phần của thuật ngữ thể thao: sau khi Tòa án công lý châu Âu năm 1995 ra phán quyết cho anh thắng kiện, “ra đi theo dạng Bosman” trở thành lối nói tắt của việc hoàn tất hợp đồng để việc chuyển nhượng sau đó sẽ không phải tốn phí. Bằng việc “trở thành một Bosman” rồi giúp các câu lạc bộ tiết kiệm phí chuyển nhượng, những cầu thủ từ năm 1995 trở lại đây có thể dựa vào đó để đòi hỏi lương cao và phụ cấp. Nhưng công lao nhờ vào chiến dịch đầy khích lệ của Bosman đã bị lãng quên và ông trở thành người ở ngoài lề xã hội. Giờ đây ông đang phải khổ sở sống bằng tiền trợ cấp xã hội.

Ngược lại, bóng đá đã trở thành lãnh vực kinh doanh lớn chưa từng thấy. Mới đây, bảng đánh giá tài chính bóng đá toàn cầu thực hiện bởi công ty kiếm toán khổng lồ Deloitte cho thấy câu lạc bộ kiếm tiền hàng đầu thế giới, Real Madrid, đã kiếm được con số khổng lồ hơn 500 triệu euro, đứng thứ hai là kình địch Barcelona, cũng xấp xỉ con số đó. Mức thu nhập tổng cộng của tốp 20 câu lạc bộ hàng đầu đã tăng 8% trong năm qua, theo Deloitte, với 44% từ bản quyền truyền hình.

Điều quan trọng là cầu thủ phải một phần chịu trách nhiệm cho số tiền khổng lồ này, khi mà phí chuyển nhượng đã tăng mạnh cùng với tiền lương. Năm 2009, Real Madrid trả cho Manchester United số tiền kỷ lục 80 triệu bảng cho tài năng người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo, anh này bây giờ nhận lương 20 triệu euro, với điều khoản giải phóng hợp đồng 1 tỉ euro!

Không có chỗ cho Bosman

Các yếu tố khác trong sự giàu có ngày càng trơ trẽn của bóng đá đỉnh cao, từ sự gia tăng về tiền bản quyền truyền hình cho tới sự chuyển mình của các câu lạc bộ và các cầu thủ trở thành những thương hiệu thương mại hấp dẫn, phản ánh xu hướng lâu dài trong sự phát triển của môn thể thao này. Dù vậy, Bosman đại diện cho một thời điểm xác định trong đó thể thao, chính trị và kinh doanh hòa quyện vào nhau.

Câu chuyện của ông bắt đầu vào năm 1990, khi ông bất đồng với câu lạc bộ RFC Liege, và muốn vượt ra biên giới Bỉ để chuyển sang thi đấu cho đội Dunkirk ở Pháp. Khi RFC Liege từ chối yêu cầu ra đi của Bosman, do luật của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) khi đó quy định không cho anh ta ký hợp đồng với một đội bóng khác. Bosman không chấp nhận lùi bước và đâm đơn kiện lên tòa án tối cao của Liên minh châu Âu (EU). 

Tôi đã kết thúc một hệ thống nô lệ, để rồi nó hủy hoại cuộc đời tôi - J.M. Bosman

Sau năm năm tranh đấu pháp lý căng thẳng, rốt cuộc, tòa phán quyết vào năm 1995 rằng quy định đó vi phạm luật lệ của EU về quyền tự do lao động bên ngoài biên giới. UEFA và Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đều đã nỗ lực chứng minh rằng bóng đá là một địa hạt riêng có thể theo cách nào đó nằm ngoài địa hạt quản lý của EU, nhưng đã không thể thắng cuộc. Bóng đá, theo kết luận của EU, cũng là một ngành kinh doanh như tất cả những thứ khác. Kết quả là cầu thủ bây giờ được tự do ra đi ngay sau khi hợp đồng của họ hết hạn. Người hưởng lợi là những Wayne Rooney, Luis Suarez, Gareth Bale hay Ronaldo. 

Một tác động khác của phán quyết Bosman là sự gia tăng con số các cầu thủ không thuộc khối EU mà các câu lạc bộ châu Âu có thể thuê. Điều này ngay lập tức mở ra một thị trường cho những ông chủ đội bóng đầy tham vọng tìm mua sự thành công. Làn sóng các cầu thủ nước ngoài tràn ngập lục địa già, làm cho bóng đá châu Âu có được sự pha trộn đa văn hóa như ngày nay. Trong khi vào năm 1992, chỉ có 5% cầu thủ không mang quốc tịch Anh chơi trong đội hình xuất phát của 22 câu lạc bộ hàng đầu nước Anh, thì con số đó bây giờ là 70%. Năm 2010, Inter Milan đoạt chức vô địch Champions League với một đội hình không có cầu thủ người Ý nào.

Nhưng Bosman đã bỏ lỡ cuộc vui. Ông được 31 tuổi khi phiên tòa kết thúc và chưa kịp chơi trong suốt cuộc chiến pháp lý năm năm. Sau đó, hôn nhân của ông tan vỡ. Ông trở về với cha mẹ, sống và làm việc trong ga-ra tại nhà suốt hai năm, tập luyện để chuẩn bị trở lại, nhưng không bao giờ làm được. Ông bị đau ở phần hông và đang phải lắp bộ phận giả bằng titan. Ông chìm trong tuyệt vọng và đang cai nghiện rượu.

Nhờ vào luật Bosman, các cầu thủ ngày nay có thể yêu cầu mức lương tương xứng với giá trị của họ trên thị trường mở, sản sinh ra những nhà triệu phú đá bóng. Nhưng Bosman thì nhận được khoảng 800 euro trợ cấp một tháng, và chỉ trong trường hợp bạn gái ông, vừa sinh con trai thứ hai, không sống với ông. “Tôi đã làm những điều mà không cầu thủ nào dám làm. Tôi đã kết thúc một hệ thống nô lệ”, ông nói. “Tuy nhiên nó đã hủy hoại cuộc sống của tôi.”

Nhật Nguyễn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link