20/02/2011 10:34 GMT+7 | Bóng đá Italy
(TT&VH) - 25 năm. Một phần tư thế kỷ. Một phần tư đời người. Thứ năm, ngày 20/2/1986, Silvio Berlusconi, sau một vở soap-opera căng thẳng hơn bất kỳ một phiên điều trần nào ông từng phải đối mặt, trở thành chủ sở hữu của Milan. Từ đó, một cuộc hôn nhân vĩ đại bắt đầu, mà hôm nay, là ngày kỷ niệm “Đám cưới bạc”.
Báo chí khi ấy nói: “Silvio Berlusconi là giải pháp lý tưởng cho tương lai của Milan”. Gianni Rivera, một huyền thoại của Milan và khi ấy là Phó chủ tịch CLB, hoan hỉ: “Ông ấy là món quà tốt nhất”. Người bạn thân nhất của Berlusconi và hiện là cánh tay phải của ông ta ở Mediaset, Fedele Confalonieri, tâng bốc: “Ông ấy là một hiệp sĩ”. Nhật báo thể thao hàng đầu Gazzetta dello Sport: “Của Berlusconi cả”. Silvio Berlusconi, khi ấy 49 tuổi, một doanh nhân thành đạt, bá chủ lĩnh vực truyền hình trả tiền, đứng đầu Tập đoàn Fininvest hùng mạnh với 6 nghìn nhân công, xuất hiện như một vị cứu tinh, khi Milan đang ngập trong nợ nần và đứng trước nguy cơ phá sản dưới thời Chủ tịch Giuseppe Farina.
Chủ tịch Milan, Silvio Berlusconi - Ảnh Reuters |
Ngày 24/3, Berlusconi chính thức thay thế Farina để trở thành Chủ tịch Milan, sau hàng loạt những vụ thương lượng căng thẳng để mua lại CLB. Nhưng lịch sử CLB đã thực sự thay đổi trước đó 33 ngày, gấp lại chương đen tối nhất (đầu thập niên 1980 là lần xuống hạng đầu tiên của Milan do bê bối dàn xếp tỉ số Totonero, và 2 năm sau, lại là Serie B, nhưng lần này là qua “cửa chính”) và mở ra một kỷ nguyên “Vàng”. Ngày 20/2, Berlusconi xuất hiện trên sân tập Milanello trong một khung cảnh dễ làm người ta liên tưởng đến rằng ông ta đến từ thiên đường. Tuyết rơi nặng hạt, và chiếc trực thăng Agusta 109 màu trắng của Berlusconi chẳng khác nào một bông tuyết khổng lồ rơi xuống Milanello. Ông ôm hôn HLV Nils Liedholm, cầm tay Paolo Rossi và bảo: “Paolo thân mến, cậu sẽ là biểu tượng của chúng ta”. Đúng hai tháng sau, Rossi thu xếp hành lý sang Verona (!).
Sự tàn nhẫn ẩn sau nụ cười và những cử chỉ thân mật ấy của Berlusconi đã bắt đầu được phát hiện sau khoảnh khắc ấy, nhưng đó cũng là lúc ông bắt đầu đưa Milan trở thành một cỗ máy chiến thắng. Rất nhanh chóng, Berlusconi trang trải các khoản nợ và mua về những chất liệu để xây thành công: Tiền đạo Daniele Massaro (Fiorentina) và thủ môn Giovanni Galli, thực hiện vụ “áp phe” chóng vánh với Roberto Donadoni (từ Atalanta), và một năm sau, một Đại Milan đã thực sự hình thành, không chỉ từ núi tiền mà Berlusconi bỏ ra, mà còn từ sự tự đào thải liên tục trong lòng đội bóng, một thứ “cương lĩnh” cứng rắn mà Silvio đã trang bị cho Milan.
Liedholm, người đã được Berlusconi ôm hôn thắm thiết trong ngày đầu tiên ở Milanello, cũng phải ra đi, sau một mùa bóng mà Milan chỉ cán đích ở vị trí thứ 5. Thay thế là HLV Arrigo Sacchi (từ Parma) và bộ ba Hà Lan bay (Gullit-Rjikaard-Van Basten), những người đã “mở hàng” kỷ nguyên Berlusconi bằng cách đánh bại Napoli của Diego Maradona vĩ đại trong cuộc đua Scudetto năm 1988. Sau đó là một hành trình gặt hái danh hiệu không ngừng nghỉ của Milan trong suốt thập niên 90, đi kèm những thành công về mặt chính trị của Berlusconi.
Người khai sinh ra sự vĩ đại
8 năm sau ngày nắm lấy Milan, ông trở thành Thủ tướng Italia, và đội bóng lại trở thành một quân cờ trong tay con người tham vọng khủng khiếp ấy. Trong 10 năm đầu tiên nắm quyền, Berlusconi trang hoàng cho nó và sử dụng như một con hậu trên bàn cờ vua để vươn lên đỉnh cao của quyền lực và sự giàu có. Giai đoạn cuối của 10 năm sau, Milan bắt đầu trục trặc, theo những rắc rối trên chính trường và cả cuộc sống riêng tư của Berlusconi. Nửa thập kỷ đổ lại, khi quyền lực đã phủ nhận nỗi đam mê và những bê bối chính trường lẫn hậu trường ngày càng bung bét, Berlusconi bắt đầu buông tay cho Milan rơi tự do. Họ chia tay những ngôi sao (Shevchenko, Kaka…), là mái nhà dành cho những người hết thời (Ronaldinho, Vieri…). 7 năm rồi không Scudetto, và ký ức từ cú đánh mắt kinh điển của Shevchenko năm 2003 (quả penalty quyết định trong trận chung kết Champions League với Juventus) lẫn màn trả đũa ngọt ngào trước Liverpool 2007 (Milan thắng 2-1) đã mờ nhạt rồi. Thất bại trước Tottenham mới đây đã khiến cánh cửa đi tiếp ở Champions League dần khép lại, và bây giờ, chỉ còn những hy vọng về Scudetto.
Tối nay, trước Chievo, Milan sẽ mặc chiếc áo đấu đặc biệt, có chữ ký của Berlusconi để kỷ niệm ngày 20/2 ấy. Và dù nỗi đam mê với bóng đá không còn cuồng nhiệt như thủa ban đầu, thì 1/4 thế kỷ đã qua đã nói lên quá nhiều điều. Những ngày đầu ở Milanello, Berlusconi đã từng vỗ vai khích tướng Paolo Maldini, khi ấy mới là một chú nhóc chưa đầy 16 tuổi: “Tôi biết cha cậu (Cesare Maldini-TT&VH). Cậu có lẽ sẽ chỉ chơi bóng được chừng 17 năm được thôi, không thể mãi mãi được”. Phải, không có gì là mãi mãi, nhưng Paolo vĩ đại ấy đã kéo dài gấp rưỡi tiên đoán của Berlusconi (24 năm chơi cho Milan, từ 1985-2009) để vượt qua chính người cha. Nhưng con người vĩ đại ấy vẫn chưa thể vượt qua Berlusconi, người đã ở lại, chứng kiến, trải qua và đứng vững trước bao thăng trầm của Milan suốt 1/4 thế kỷ qua. Câu chuyện của cha con Paolo Maldini là một câu chuyện vĩ đại, nhưng Berlusconi mới chính là người đã cung cấp những trang viết cho cây bút lịch sử.
Silvio Berlusconi, người khai sinh ra sự vĩ đại.
Phạm An
Berlusconi đối diện án phạt tù 15 năm. Đó không phải là cột mốc gì đặc biệt của ông với Milan, mà là hình phạt tù mà vị Thủ tướng này sẽ phải đối mặt, nếu những cáo buộc mua dâm gái vị thành niên Karima El Mahroug (được biết đến với cái tên Ruby) là có cơ sở. Berlusconi bị buộc tội đã quan hệ với gái gọi này khi cô mới 17 tuổi. Phiên xử này sẽ diễn ra vào ngày 6/4 tới đây, và nếu những cáo buộc này là sự thực, Berlusconi có thể phải nhận án tù 15 năm. Đây là lời buộc tội nghiêm trọng nhất đối với ông trong suốt sự nghiệp chính trị của mình. 25 năm Berlusconi 12 Massimiliano Allegri là HLV thứ 12 được bổ nhiệm dưới thời Berlusconi. Trong đó, người tại vị lâu nhất là Carlo Ancelotti (8 năm, từ 2001-2009). Những người còn lại là Nils Liedholm (1984-1987), Arrigo Sacchi (1987-1991 và 1997), Fabio Capello (1991-1996 và 1997-1998), Oscar Tabarez (1996), Giorgio Morini (1996-1997), Alberto Zaccheroni (1998-2001), Cesare Maldini và Mauro Tassotti (2001), Fatih Terim (2001), Leonardo (2009-2010) 910&224 Dưới thời Berlusconi, Milan thi đấu tổng cộng 910 trận ở Serie A, thắng 525, hòa 189 và thua 296. Trên bình diện thế giới, họ đá tổng cộng 224 trận, thắng 120, hòa 46 và thua 58 27 Dưới thời Berlusconi, Milan đã giành được tổng cộng 27 danh hiệu lớn nhỏ, trong đó: 7 chức vô địch Serie A (1988, 1992, 1993, 1994, 1996, 1999, 2004), 5 chức vô địch Cúp C1/Champions League (1989, 1990, 1994, 2003, 2007), 5 Siêu Cúp châu Âu (1989, 1990, 1994, 2003, 2007), 5 Siêu Cúp Italia (1988, 1992, 1993, 1994, 2004), 3 Cúp Liên lục địa (1989, 1990, 1994), 1 Cúp TG các CLB (2007), 1 Cúp Italia (2003). |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất