“Thủ đô bóng đá” Manchester: Công thức của thành công

13/08/2011 07:05 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH Cuối tuần)- Dù mang tiếng là thủ đô kinh kỳ nhưng London không phải là trung tâm bóng đá hoành tráng nhất xứ sương mù. Những đại diện của vùng Tây Bắc mới là lộng lẫy nhất từ Liverpool trong quá khứ đến M.U hiện tại. Và với sự trỗi dậy của Man. City, thành Manchester đang thực sự thành thủ đô của Premier League.

Tiếng súng hiệu mùa giải mới đã vang lên ở Wembley cuối tuần qua cùng trận Siêu Cup Community Shield giữa hai đội bóng thành Manchester. Đó chính là một thông điệp thách thức rõ ràng nhất gửi tới London khi M.U lẫn Man. City đều không chỉ quyết tâm giữ vị thế mà còn đang trở nên mạnh mẽ hơn.

Nhìn toàn cục, thượng đỉnh Premier League là cuộc chiến giữa hai vùng Tây Bắc và Đại London mà có thể dễ dàng kể tên các đại diện. Đến từ Tây Bắc là M.U, Man. City, Liverpool còn phái “thủ đô” là Chelsea, Arsenal, Tottenham. Rất cân về lực lượng và quyền lực cũng chia khá đều khi trước đây Top 4 luôn có M.U và Liverpool hay mùa năm ngoái là M.U và Man. City trong khi London có Chelsea và Arsenal. Nhưng xét về đỉnh cao, chỉ riêng M.U đã lấn át tất cả! Giờ lại thêm Man. City với tham vọng đương nhiên không chỉ hài lòng với một chỗ đứng trong “tứ đại gia”.

Cuộc đua tranh quyết liệt giữa Man United và Man City sẽ càng giúp Manchester có vị trí đặc biệt hơn trên bản đồ bóng đá Anh cũng như bóng đá châu Âu- Ảnh Getty

M.U: Cho ngày nay, cho ngày mai...

Trước thềm mùa giải trước, M.U không được đánh giá cao song đã chứng minh điều ngược lại bằng vinh quang ở Premier League và việc lọt vào chung kết Champions League. Còn lúc này, họ đang là ứng cử viên sáng giá nhất cho cuộc đua mới.

Chỉ bằng một màn lội ngược dòng ngoạn mục trước chính Man. City ở Wembley cuối tuần qua, M.U đã khẳng định vị thế này của mình. Nếu với đội hình giao thời trẻ già mà còn dư sức chinh phục như năm ngoái, sẽ là thất vọng nếu năm nay họ không bảo vệ thành công ngôi báu.

Một thế hệ mới đang không chỉ hình thành mà nhanh chóng nhập cuộc đầy tự tin. Community Shield xét cho cùng không quá ý nghĩa một trận giao hữu song nhìn màn trình diễn của một M.U trẻ trung đó, có thể hiểu tại sao Sir Alex Ferguson không quá sốt ruột với thương vụ nặng ký Wesley Sneijder. Có được thì quá hoàn hảo. Nhưng không thành cũng chẳng tiếc nuối nhiều. Old Trafford đang tràn ngập tài năng, cho hiện tại lẫn tương lai.

Thông thường một lực lượng trẻ, thay máu nhiều không được đánh giá cao. Cứ nhìn Arsenal luôn gây thất vọng là rõ. Tuy nhiên, không nhiều người dám nhận định như vậy về M.U dưới bàn tay của Sir Alex. Một bình luận biến thành trò cười của Alan Hansen hơn 10 năm trước dường như là tấm gương quá rõ ràng.

M.U có thể vô địch Premier League mùa này bằng “những đứa trẻ”? Còn 9 tháng phía trước cho một câu trả lời. Đáng đặt câu hỏi hơn là tại sao chỉ cần qua 90 phút “giao hữu”, người ta lại phải khen ngợi và coi trọng đến thế? Thực tế, đây là thành quả của cả một quá trình liên tục giúp M.U liên tiếp gặt hái vinh quang dưới thời Sir Alex.

Đội hình chung cuộc của M.U ở trận Community Shield năm ngoái có tuổi trung bình là 27,7 tuổi. Con số này năm nay là 23,7 tuổi! Đấy là còn tính “lão tướng” Dimitar Berbatov vào sân ở phút 89. Nếu tính Danny Welbeck thì con số còn giảm nữa chỉ là 22,7 tuổi. Thú vị hơn, cái tên mới nổi nhất là Cleverley chứ không phải những tân binh đắt giá David De Gea, Ashley Young. Old Trafford đã tìm được một Scholes mới?

Người ta chú ý nhiều đến 50 triệu bảng mà Sir Alex ném ra trong mùa Hè qua, một cuộc đầu tư rầm rộ hiếm thấy trong thời gian gần đây. Nhưng M.U chưa bao giờ thuần túy dựa vào mua sắm. Chuyển giao thế hệ là một dòng chảy đều đặn mà bên cạnh shopping, quan trọng hơn là quá trình đào tạo trẻ, bồi dưỡng. Những Cleverley, Welbeck hay Mame Diouf được M.U cho Wigan, Sunderland, Blackburn mượn để tích lũy kinh nghiệm Premier League. Họ trở lại, hòa nhập nhanh chóng và những “tân binh” kiểu này là một lực lượng quan trọng giúp làm phong phú thêm các lựa chọn của Sir Alex.

Giữ chân các tên tuổi quen thuộc như Antonio Valencia và Nani, bổ sung hợp lý như Phil Jones và Young, triệu hồi những gương mặt trẻ đã kha khá vốn nghề như Cleverley và Welbeck, M.U mùa này thực sự đáng được chờ đợi không chỉ ở Premier League mà còn cả Champions League. Có lẽ, điều cuối cùng còn níu chân Sir Alex khỏi những ngày tháng hưu nhàn là mục tiêu đưa Quỷ Đỏ vượt qua Barcelona lên đỉnh cao châu Âu. Họ đang đi có phần chậm, nhưng đúng con đường. Đây là thế hệ không chỉ sớm đảm nhiệm mục tiêu chinh phục những danh hiệu năm nay mà còn cả trong tương lai với thời gian của họ còn rất dài phía trước.

Man. City: Tiền bạc có là tất cả?

Đã 2 năm trôi qua từ ngày “đại gia” Arab Sheik Mansour thâu tóm màu Xanh thành Manchester. Họ cũng đã thành “đại gia” thực sự ở Premier League khi mùa giải qua vươn lên vị trí thứ 3 đồng thời chấm dứt cơn khát danh hiệu 34 năm bằng chức vô địch FA Cup. Nhưng tất cả mới chỉ là bước mở màn cho tham vọng, và càng tạo thêm sức ép mạnh mẽ với Roberto Mancini.

Đây là mùa giải mà Man. City bắt buộc phải đóng được vai “thách thức” với M.U. Duy trì chỗ đứng trong Top 4 chỉ là mục tiêu thấp nhất. Bỏ ra cả núi tiền như vậy, những ông chủ đương nhiên muốn thấy thương hiệu của mình tung hoành ở Premier League lẫn Champions League. Tuy nhiên, viễn cảnh nào chờ Man. City?

Họ tiếp tục dựa vào sức mạnh tài chính để tăng cường lực lượng cho cuộc đua này. Cũng bỏ ra hơn 50 triệu bảng giống M.U, sân Etihad đón chào chân sút đắt giá Sergio Aguero và hai bổ sung cho hàng thủ là Gael Clichy và Stefan Savic. Con số này chắc chắn chưa dừng lại, khi Man. City đang theo đuổi Samir Nasri và nhiều cái tên khác. Mùa Hè năm ngoái, họ đầu tư 130 triệu bảng. Năm trước đó, tổng phí chuyển nhượng là 144 triệu bảng. Dường như họ đang quyết chứng minh những gì không mua được bằng tiền như vinh quang thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền!

So với công thức tiếp nối thế hệ ở M.U, công thức “ăn xổi” này cũng không sai. Chelsea đã làm được điều đó kể từ khi có Roman Abramovich. Thực tế, trong bóng đá hiện đại, tài chính đóng một phần sống còn cho thành công của đội bóng. Nhưng, đó chưa phải là tất cả. Chelsea thịnh vượng nhất dưới thời Jose Mourinho, “Người đặc biệt”. Công thức có thể ai cũng rõ. Nhưng nhào trộn nguyên vật liệu tạo nên nó thì cần một bàn tay lão luyện. Liệu Mancini có phải là người như thế ở Etihad?

Carlos Tevez luôn là mớ bòng bong. Mario Balotelli, niềm hy vọng trẻ, chuyên gây lộn xộn mà điển hình là sau khi bị thay ra ở trận Community Shield, “ngựa chứng” này rời thẳng khỏi sân. Trò loạn trước tiên hãy nhìn thầy. Cựu đội trưởng M.U Gary Neville chỉ trích: “Balotelli là nỗi xấu hổ của đội bóng. Mancini dành 1/4 thời gian buổi họp báo nói về cậu ta. Chỉ có thể hiểu được nếu cậu ta ghi tầm 25 bàn mỗi mùa”. Quản một đội ngũ đầy ắp sao, hưởng lương ngất ngưởng và đầy những “cá tính” không dễ dàng. Huống hồ Mancini còn phải cố hòa quyện tất cả thành một tập thể thống nhất.

Mancini là một HLV không tồi. Man. City đang tiến bộ mạnh mẽ. Nhưng trong khi đã thành thách thức với những đại gia truyền thống như Chelsea hay Arsenal, khoảng cách giữa họ với người láng giềng M.U vẫn không hề nhỏ. San bằng đẳng cấp đó là điều khó chỉ dựa vào tiền.

Thành Manchester đang háo hức chờ một mùa giải “nội chiến” không chỉ gói gọn trong những trận derby mà còn là toàn cục. Nếu Man. City tạo nên được một cuộc đua tranh gay gắt như vậy, bản đồ quyền lực của Premier League thực sự cần vẽ lại. Manchester sẽ không chỉ là “kinh thành” với M.U quen thuộc mà còn có cả Man. City ôm mộng bá vương.

Vũ Anh

   

21 Trong lịch sử giải vô địch Anh kéo dài từ năm 1889 đến nay, Manchester đã giành được tổng cộng 21 chức vô địch, gồm 19 lần đăng quang của Man United và 2 lần lên ngôi của Man City. Nếu Man United hiện là đương kim vô địch thì lần đăng quang gần nhất của Man City đã cách đây tới 43 năm.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link