04/02/2021 08:31 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 4/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 104.869.092 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.276.101 ca tử vong.
Trong vòng 24 giờ qua, cả thế giới ghi nhận 13.640 ca tử vong, giảm so với nhiều ngày trước đó, trong khi số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 76.748.573 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 461.564 ca tử vong trong tổng số 27.142.066 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 154.734 ca tử vong trong số 10.790.909 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 227.563 ca tử vong trong số 9.339.420 bệnh nhân. Nga đứng thứ tư với 3.901.204 ca nhiễm và 74.684 ca tử vong.
Xét từng khu vực, Bắc Mỹ vẫn là khu vực có đông ca nhiễm nhất, với 31.038.499 ca nhiễm và 665.204 ca tử vong. Châu Âu đứng thứ hai với 30.732.334 ca nhiễm virus, trong đó 719.604 ca tử vong. Châu Á xếp thứ ba với 23.302.273 ca nhiễm và 375.815 ca tử vong.
Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù tại một số nước, số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm, ở một số nước khác tốc độ tăng số ca nhiễm mới chưa có dấu hiệu chậm lại, đặc biệt biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại rất nhiều nước với tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều.
Chính phủ Đức đã phải xây dựng bản dự thảo trình Quốc hội xem xét tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia có tên gọi "Tình hình dịch bệnh phạm vi cả nước" cho tới cuối tháng 6 tới. Theo đó, Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn đã đề nghị Quốc hội thảo luận, phê chuẩn quy định về tình trạng khẩn cấp quốc gia vốn sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3 tới.
Theo ông Spahn, đại dịch COVID-19 sẽ chưa kết thúc vào cuối tháng 3, vì vậy để tiếp tục đảm bảo các khoản hỗ trợ tài chính cũng như các quy định linh hoạt về chăm sóc sức khỏe và y tế, cần phải tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp để đảm bảo tính pháp lý.
Tại Tây Ban Nha, giới chức y tế đã xác nhận có ca thứ hai nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất phát từ Nam Phi tại vùng Catalonia, miền Đông Bắc nước này. Ca nhiễm này được phát hiện một ngày sau khi Chính phủ quyết định hạn chế hoạt động đi lại bằng đường hàng không với Brazil và Nam Phi. Giới chức ở thành phố Madrid cảnh báo rằng số ca nhiễm biến thể phát hiện ở Anh đang tăng theo cấp số nhân và tình hình có thể trở nên nghiêm trọng trong vài tuần tới. Tuần trước, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo nước này ghi nhận tới 267 ca nhiễm biến thể mới phát hiện ở Anh.
Trong khi đó, một số nước thông báo nới lỏng các biện pháp phong tỏa, thậm chí không muốn đóng cửa hoàn toàn. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng sẽ không thực tế nếu đóng cửa hoàn toàn biên giới như một biện pháp đối phó với biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Ông Johnson nhấn mạnh: "Không thực tế để đóng cửa đất nước ... Những gì thực tế để làm là....tiếp tục tiêm chủng cho người dân, điều mà chúng tôi vẫn đang làm". Nhà lãnh đạo Anh cho biết 75% các loại thuốc và 45% lương thực của Anh do các nước châu Âu cung cấp, trong khi 250.000 doanh nghiệp Anh dựa vào hàng nhập khẩu.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal thông báo chính phủ nước này chuẩn bị chấm dứt lệnh phong tỏa áp đặt trên toàn quốc và cho phép giới chức y tế nới lỏng các biện pháp hạn chế tại các khu vực có ít số ca mắc COVID-19. Chính phủ Ukraine sẽ công bố quyết định này trong vài ngày tới.
Số ca nhiễm mới ở Ukraine đã giảm từ 6.000-9.000 ca/ngày hồi đầu tháng 1 xuống khoảng 2.500-3.000 ca/ngày trong tuần này. Theo ông Shmygal, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc được áp đặt hồi tháng 1 đã giúp giảm tải cho hệ thống y tế và phá vỡ chuỗi lây lan. Do vậy, tùy theo số ca nhiễm mới, các vùng ở nước này sẽ được xếp vào vùng xanh, vàng, cam và vùng đỏ.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), các biện pháp phong tỏa và hạn chế mới để chống đại dịch COVID-19 đang đe dọa sự phục hồi của ngành không dân dụng toàn cầu. IATA ngày 3/2 công bố báo cáo đánh giá thấp triển vọng phục hồi của ngành hàng không thế giới trong năm 2021. Báo cáo của IATA cho biết trong năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành vận tải hành khách khi số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không toàn cầu giảm 66%, trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa chỉ giảm 10,6% trong cả năm 2020.
Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac cho rằng ngành hàng không dân dụng chỉ có thể phục hồi 38% so với năm 2019, tức thấp hơn 12% so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng của IATA Brian Pearce lạc quan vào triển vọng phục hồi trong nửa sau năm nay nhờ các chương trình tiêm chủng được triển khai trên quy mô lớn.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất