10/03/2015 11:03 GMT+7 | Văn hoá
“Trong mỗi cô gái đều có tinh thần Madonna” – từng có người nói thế, kể cả họ có nhận ra điều đó hay không. Beyonce là biểu tượng nữ quyền của hiện tại nhưng Madonna mới là nhà nữ quyền chưa bao giờ bỏ cuộc, chưa bao giờ khoan nhượng trong suốt 32 năm qua, kể từ khi gia nhập làng nhạc vào năm 1983.
Cứ sau mỗi lần bị trừng phạt bởi báo chí hay các nhà phê bình, Madonna lại trở lại khiêu khích hơn, táo tợn hơn, và trong mắt một nhóm người nào đó, láo toét hơn. Nhưng dừng lại và cúi đầu thì chưa từng.
Trước Madonna, 50 sắc thái quá cũ kỹ
Chúng ta hát về đàn bà quanh năm. Bóng dáng của họ hoặc bao trùm hoặc lẩn khuất trong những bài tình ca và những bài không phải tình ca. Đàn ông thích khi phụ nữ đẹp, mềm mại và đầy yêu thương. Họ không thích khi phụ nữ tỏ ra mạnh mẽ, hiếu chiến và bắt đầu nói chuyện tranh giành quyền lực, cả trên chính trường, trong đời sống hay trong âm nhạc.
Nhưng phụ nữ vẫn cứ thích nói chuyện quyền lực, trong đó có quyền lực trong quan hệ với đàn ông.
Vì vậy, khi nữ quyền nhảy vào âm nhạc, hình ảnh của nó khá hiếu chiến và đôi khi đáng ghét trong mắt đàn ông. Madonna hát Express Yourself (1989) kêu gọi phụ nữ bộc lộ bản thân mình. Trước đó là Janet Jackson với Control (1986) kêu gọi phụ nữ giành quyền kiểm soát với cuộc đời mình. Rồi Wannabe (1996) của Spice Girls kêu gọi các cô gái hãy coi trọng tình bạn ngang với tình cảm trai gái.
Nhóm nhạc Destiny's Child mà dẫn đầu là Beyonce với hàng loạt ca khúc về quyền lực của phụ nữ: Independent Women, Survivor, Girl… Alicia Keys dịu dàng hơn nhưng vẫn có những thông điệp đầy sức mạnh qua A Woman’s Worth, Superwoman, Girl On Fire… Madonna không già đi với Papa Don’t Preach, Jump, What It Feels Like for a Girl…
Nói chung, càng về sau càng ít nhà nữ quyền nào đơn độc trong cuộc đấu tranh này. Giới điện ảnh cười khẩy bộ phim 50 sắc thái vì “cũ kỹ mà cứ tỏ ra táo bạo”, trong khi những “sắc thái” khó nói nhất về tình dục, trong âm nhạc và điện ảnh người ta hầu như đều đã nói cả rồi.
“Này các em, hãy chọn người đàn ông có đôi bàn tay mạnh mẽ”
Madonna là một trong những phụ nữ đầu tiên trong âm nhạc cất tiếng nói thật mạnh mẽ. Năm 1983, chị xuất hiện và mời công chúng dự một “kỳ nghỉ” (tên bài hit Holiday trong album đầu tay Madonna). Nhưng kể từ đó, công chúng và giới phê bình âm nhạc khó mà nghỉ ngơi với chị. Thật kỳ lạ, Madonna luôn thích hát về những điều cấm kị, hoặc trước khi chị hát, nó là cấm kị.
Năm 1984, Madonna ra album Like a Virgin (Như một trinh nữ) với ca khúc chủ đề nói về sức mạnh của tình yêu đích thực theo một cách rất đặc biệt: vì yêu, một cô gái vốn sống hoang dại có thể “tái tạo” trinh tiết của mình. Hay đúng hơn, tình yêu khiến cô thấy mình như một trinh nữ, lần đầu run rẩy dưới bàn tay một người đàn ông. Đây là bài hát đã biến Madonna thành biểu tượng nhạc pop.
5 năm sau đó, năm 1989, Madonna lặp lại thông điệp vừa gợi tình vừa thông thái đó trong ca khúc Express Yourself. “Này các cô gái, các em tin vào tình yêu chứ? Nếu vậy chị có điều muốn nói” – Madonna hát – “Hãy chọn người đàn ông có đôi bàn tay mạnh mẽ. Chọn một người mà nếu em rời đi, chàng sẽ nuối tiếc”.
Tại sao là đôi bàn tay? Express Yourself lấy cảm hứng từ bộ phim kinh điển Metropolis (1927) với câu trích dẫn nổi tiếng: “Nếu không có trái tim, sẽ không có sự thấu hiểu nào giữa đôi bàn tay và tâm trí”. Hãy để đàn ông chạm vào người em vào theo cách trái tim chàng dẫn đường chỉ lối và tâm trí chàng thấu hiểu, Madonna như muốn gửi gắm thông điệp đó đến các cô gái trẻ non nớt trước tình yêu.
Dù hình ảnh trong các video nhạc cùng tạo hình sân khấu của nữ ca sĩ đầy gợi dục, khiêu khích, không thể phủ nhận quan niệm tình yêu như vậy là rất lành mạnh và sáng suốt. Có khả năng phụ nữ nghe nhạc Madonna và nổi loạn hơn, nhưng một điều chắc chắn là họ sẽ khôn ngoan hơn.
Rất lâu trước khi bộ phim truyền hình 16 and Pregnant (16 tuổi mang thai - 2009) lên sóng kênh truyền hình MTV, Madonna đã hát về chủ đề này, qua ca khúc Papa Don't Preach (1986). Chị vào vai một cô gái mang thai tuổi vị thành niên và đáp trả bố mình rằng “Bố đừng thuyết nữa”, một cách thiếu tôn trọng, trước khi tuyên bố sẽ giữ đứa bé.
Tất nhiên, các bậc phụ huynh xanh mặt vì bài hát này và căm ghét Madonna. Nhưng vấn đề mang thai tuổi vị thành niên rất phổ biển trong xã hội Mỹ khi đó, và Madonna, không như nhiều nghệ sĩ khác, chẳng ngần ngại điểm mặt gọi tên nó.
Trong chuyến lưu diễn Blond Ambition (1990), Madonna cũng là nữ nghệ sĩ đầu tiên ăn mặc theo phong cách áo vest (do Jean Paul Gaultier thiết kế) khoét sâu để lộ áo lót bên trong.
Cũng năm 1990, nước Mỹ hoảng hồn vì video nhạc Justify My Love, một sản phẩm khiêu dâm đúng nghĩa. New York Times nói rằng MTV đúng khi cấm video này. Nhưng đồng thời qua video, Madonna cũng chứng tỏ chị “xứng danh nhà nữ quyền thực thụ”. “Madonna đã dạy những cô gái trẻ trở nên nữ tính và đầy ham muốn tình dục nhưng vẫn hoàn toàn kiếm soát được cuộc đời mình. Chị chỉ cho họ làm sao để quyến rũ, đầy nhục cảm, đầy năng lượng, đầy khát vọng, cấp tiến và hài hước - tất cả cùng một lúc”.
Người phụ nữ như vậy không phải không tồn tại. Madonna chính là một trong số họ.
Giới phê bình và báo chí luôn chuẩn bị sẵn tinh thần “đánh đập” mỗi khi Madonna ra mắt một sản phẩm mới, dù là đĩa nhạc, sách hay phim. “Tại sao họ không thể không ghét cô ấy?” – một tác giả blog viết trên trang Ohnotheydidnt khi Madonna đang bị “đánh” vì bộ phim điện ảnh W.E. do chị đạo diễn năm 2012. “Vì cô ấy phải bị trừng phạt, với cùng một lý do mọi phụ nữ bị trừng phạt mỗi khi họ bước qua ranh giới. Madonna đã hành xử theo cách chỉ một nghệ sĩ nam giới quan trọng, có vai vế, mới được phép làm thế. Một nữ ca sĩ, dù là Nữ hoàng nhạc pop, ngồi vào ghế đạo diễn điện ảnh, cũng bị coi là hành động thách thức”. |
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất