250 năm ngày sinh Beethoven: Huyền thoại về 'người tình bất tử' và đứa con rơi tội nghiệp

26/05/2020 07:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc sống riêng tư của Ludwig van Beethoven là một chủ đề được nhắc tới nhiều trong năm kỷ niệm 250 ngày sinh thiên tài này (1770-2020). Đó là câu chuyện về “Người tình bất tử” đầy bí ẩn, cũng như giả thiết về người con gái ngoài giá thú có số phận bất hạnh của ông.

Nhìn lại 'Bản giao hưởng số 9' trong năm tưởng nhớ Beethoven

Nhìn lại 'Bản giao hưởng số 9' trong năm tưởng nhớ Beethoven

Đã có nhiều huyền thoại xung quanh nhà soạn nhạc thiên tài Đức Ludwig van Beethoven và "Bản giao hưởng số 9" (Ninth Symphony) của ông. Và mới đây, Trung tâm Lưu trữ Beethoven ở Bonn (Đức) đã công bố phiên bản mới quan trọng của "Bản giao hưởng số 9", trong đó có một số âm thanh mới.

Ngày 8/4/1813, Minona được sinh ra tại Vienna (Áo). Và hơn 2 thế kỷ sau, người phụ nữ cả đời chưa từng kết hôn này lẽ ra sẽ hoàn toàn bị lãng quên, nếu như cô không được nhiều người coi là con gái ruột của Beethoven.

Người đàn ông của tình yêu

Mùa Xuân năm 1827, thư ký kiêm người quản lý bất động sản của Beethoven, Anton Schindler, đã tìm thấy một lá thư trong ngăn bí mật tại bàn làm việc của nhà soạn nhạc quá cố. Bên cạnh cổ phiếu ngân hàng và chân dung thu nhỏ của 2 người phụ nữ vô danh, 1 bức thư được tìm thấy. Và ngày nay, người ta gọi đó là thư gửi “Người tình bất tử” (Immortal Beloved) của ông.

Trong thư, những dòng chữ viết nguệch ngoạc của Beethoven đã tiết lộ niềm đam mê và nỗi đau sâu thẳm của ông: “Thiên thần của anh, người quan trọng nhất của anh. Liệu tình yêu của chúng ta có thể tồn tại vượt qua sự hy sinh? Liệu em có thể thay đổi, hay em không hoàn toàn thuộc về anh và anh không hoàn toàn là của em?”.

Bức thư giúp người hâm mộ thấy một điều rõ ràng: Beethoven đã yêu rất sâu đậm. Nhưng, ai là “nhân vật chính” trong thư? Câu hỏi này không dễ trả lời.

Chú thích ảnh
Chân dung nhà soạn nhạc Beethoven thời trẻ

Thực tế, Beethoven không phải là người đặc biệt ưa nhìn, nhưng dường như ông là người rất đa tình. Và nhiều phụ nữ đã đáp lại tình cảm của ông. Nói cách khác, nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ dương cầm này rõ ràng có… thói trăng hoa. Với ông, tình yêu vừa là động lực sáng tạo, vừa là thứ cần thiết như bánh mì hàng ngày.

Các nhà nghiên cứu về Beethoven đã lập hẳn một danh sách dài các ứng cử viên cho “Người tình bất tử”. Đáng nói, tất cả những người phụ nữ ấy đều xinh đẹp và hầu hết đều thuộc giới quý tộc.

Đi tìm “Người tình bất tử”

Bức thư tình bí ẩn nói trên được viết thành 3 phần, nhưng hiện người ta vẫn chưa biết đã có bản sao nào của nó được gửi đi. Dựa vào những gì Beethoven viết (“ngày 6/7, buổi sáng” và sau đó là “buổi tối thứ Hai”) cũng như một số tài liệu khác, các nhà nghiên cứu khẳng định thư được viết vào mùa Hè năm 1812.

Vào tháng 7 năm đó, trong khi Hoàng đế Pháp Napoleon đang bắt đầu chiến dịch tấn công Nga, nhà soạn nhạc 41 tuổi đã đến một khu nghỉ dưỡng ở phía Tây Bắc Prague, Czech. Ông đi khắp nơi trong vùng và dành nhiều thời gian ở Karlovy Vary, một thị trấn nghỉ mát nổi tiếng. Cũng theo các chuyên gia, 2 người bạn nữ của Beethoven là Antonia Brentano và Josephine Brunsvik cũng ở khu vực này vào thời điểm đó.

Chú thích ảnh
Bức thư Beethoven gửi “Người tình bất tử”

Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu về nhà soạn nhạc này thường chia làm 2 phe trong việc xác định danh tính “người tình bất tử”: Một phe chọn Brentano và một phe chọn Josephine. Theo thời gian, phía ủng hộ Josephine chiếm ưu thế. Người ta tin rằng nữ bá tước này chiếm được sự quan tâm của Beethoven khi cô 19 tuổi. Thời điểm đó, ngày nào nhà soạn nhạc cũng dạy những bài học piano miễn phí cho các cô gái của gia đình Brunsvik. Thậm chí, ông còn say mê em gái của Josephine là Therese, và cả 3 có nhiều cuộc đi chơi cùng nhau.

Thực tế, nhiều sáng tác về tình yêu của Beethoven, đặc biệt là 6 bản biến tấu Ich denke dein (Tôi nghĩ về em), cũng được dành riêng cho Josephine và Therese.

Cho dù yêu nhà soạn nhạc mãnh liệt nhưng sau này, Josephine kết hôn với một bá tước vì phù hợp với địa vị của cô. Đây là một đòn mạnh giáng vào Beethoven. Tuy nhiên, sau cái chết của người chồng đầu tiên của Josephine năm 1804, tình yêu của họ lại bùng lên.

Những lá thư đầy đam mê của Beethoven gửi cho Josephine, được viết từ năm 1804 đến 1809, từng được phát hiện vào những năm 1970. Ngôn ngữ trong những bức thư đó rất giống bức thư được tìm thấy từ ngăn bàn bí mật.

Minona là ai?

Trong 42 năm của cuộc đời mình, Josephine Brunsvik dường như là một người phụ nữ đầy đam mê về tình yêu. Cô đã sinh ra 8 đứa con với những người đàn ông khác nhau, trong đó có 2 người là con bất hợp pháp, được sinh ra với 2 gia sư piano riêng của Josephine (giống như Beethoven).

Chú thích ảnh
Josephine Brunsvik được cho là “Người tình bất tử” của Beethoven

Minona, đứa con thứ 7 của Josephine, được sinh ra vào đầu tháng 4/1813, tức 9 tháng sau bức thư gửi “Người tình bất tử”. Trên giấy tờ, cô là con gái của Christoph von Stackelberg, người thứ 2 kết hôn với Josephine và bỏ rơi Josephine vào năm 1812.

Khá thú vị, cái tên lạ tai Minona có thể được đọc ngược là “Anonim” – gần giống một từ tiếng Đức để chỉ những người ẩn danh. Và trong những năm sau này, rất nhiều người cho rằng nhà soạn nhạc người Đức mới là cha đẻ của cô.

Chú thích ảnh
Bức ảnh thời trẻ của Minona cho thấy trông cô khá giống nhà soạn nhạc khi còn trẻ

Theo lời của cô em ruột Therese, Josephine hầu như không quan tâm đến bé gái này. Và thực tế Josephine gần như đã vứt bỏ Minona cho em mình nuôi, khiến Therese phải mượn một con dê từ những người nông dân để lấy sữa nuôi cô bé.

Sau này, người cha trên giấy tờ Stackelberg đã bắt cóc Minona cùng chị gái Marie von Stackelberg. 2 chị em được đưa tới Estonia và lớn lên trong trạng thái bị cô lập, dưới sự nghiêm khắc của cha. Sau khi cha qua đời, Minona đã trở lại Vienna sinh sống và qua đời vào năm 1897 ở tuổi 84. Cả đời bà nói giọng Baltic và bị coi là một phụ nữ lập dị.

Số phận bất hạnh của Minona đã truyền cảm hứng cho nhà soạn nhạc người Estonia, Juri Reinvere, dàn dựng vở opera Minona. Trong vở, số phận của Minona gắn với 2 người đàn ông đặc biệt: Beethoven và Stackelberg. Nếu Christoph von Stackelberg được thể hiện như một người cha mang dáng dấp “bạo chúa”, thì Beethoven thấp thoáng bóng hình của một người đàn ông đã để lại rất nhiều ảnh hưởng lên Minona.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong vở opera "Minona" của Juri Reinvere

Khá thú vị, trong quá trình nghiên cứu để soạn lời nhạc kịch, Reinvere đã phát hiện ra tài liệu lưu trữ quan trọng ở quê nhà, trong đó nói tới việc Minona được cho là rất có… năng khiếu âm nhạc. Chưa kể, bức ảnh thời trẻ mà Minona để lại cho thấy cô cũng rất giống Beethoven. Đó là những lý do khiến nhiều người lại càng tin vào mối liên hệ này.

Tất nhiên, câu trả lời đích thực sẽ không bao giờ có, khi công nghệ phân tích di truyền chưa được áp dụng vào giai đoạn đó. Bởi thế, số phận Minona vẫn mãi mãi là một câu hỏi thú vị.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link