Mở rộng bảng chữ cái đến đâu?

11/08/2011 14:22 GMT+7

(TT&VH) - Đề xuất đưa 4 chữ cái F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt đang làm xôn xao dư luận. Trên báo Tuổi trẻ, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), người trực tiếp soạn thảo thông tư quy định về việc này trấn an rằng, sẽ không có chuyện xáo trộn việc dạy tiếng Việt trong nhà trường, và việc đưa vào không phải để sửa cách phát âm, chữ viết tiếng Việt.

Theo ông việc chính danh hóa 4 chữ cái trên là sự thừa nhận một thực tế là chúng đã được sử dụng rộng rãi trong công nghệ thông tin và hệ thống giáo dục. “Ở một số môn học trong nhà trường, nhóm ký tự trên cũng được sử dụng, nhất là môn toán. Trong nhiều văn bản, sách báo đều có sử dụng các ký tự trên. Ví dụ chữ viết tắt của từ “trung ương” (TW). Như vậy, không thể để nhóm ký tự đó nằm ngoài bảng chữ cái tiếng Việt và học sinh không biết gì về chúng”.

Theo tôi, lý do trên chưa thực sự thuyết phục. Thứ nhất, viết tắt chữ Trung ương là TW là sai (viết tắt đúng phải là T.Ư) - điều này báo chí đã nói nhiều rồi. Thứ hai, nếu chỉ vì 4 ký tự trên đã được sử dụng rộng rãi mà đưa nó vào bảng chữ cái, thì theo tôi phải đưa thêm cả các ký tự cổ là an-pha và bê-ta (chữ cái đầu tiên và cuối cùng trong tiếng Hy Lạp cổ) cũng được sử dụng rộng rãi trong toán học. Chưa kể, các ngôn ngữ nước ngoài được du nhập sang ta, ngoài tiếng Anh (thường có 4 ký tự kể trên), còn có tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, cũng có các ký tự đặc thù của họ, mà khi viết đúng nguyên bản, ta cũng phải sử dụng. Vậy bảng chữ cái tiếng Việt sẽ được mở rộng đến đâu?

Điều này, các nhà ngôn ngữ học sẽ có ý kiến xác đáng, song theo cảm nhận của tôi, bảng chữ cái tiếng Việt chỉ gồm thuần túy những chữ cái để khi ghép lại có thể ghi lại âm vị của tiếng Việt. Nói tóm lại đó là những chữ cái có thể dùng để “đánh vần” qua đó thể hiện được ngôn ngữ tiếng Việt dạng nói.

Chính vì vậy ta không nên đưa vào bảng chữ cái những chữ cái không tham gia vào việc biểu thị âm vị tiếng Việt. Cụ thể nếu chữ “phở” không viết là “fở” thì không cần phải đưa chữ “f” vào trong bảng chữ cái làm gì, vì chữ “f” không hề tham gia vào việc “ký âm” tiếng nói nào cả.

Theo tôi, 29 chữ cái tiếng Việt ngay từ đầu đã tham gia vào việc ký tự hóa tiếng nói của dân tộc, vậy thì hãy để nó ở một vị trí riêng, mang tính lịch sử. Không cần và không nên để 4 chữ cái lẻ loi, chỉ làm chức năng thể hiện những khái niệm trong toán học, hay là một bộ phận của một từ nước ngoài, tham gia vào bảng chữ cái tiếng Việt.

Ngô Khởi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link