26/02/2021 15:58 GMT+7 | Bạn cần biết
(Thethaovanhoa.vn) - Rằm tháng Giêng là một trong những lễ cúng quan trọng trong năm theo phong tục của người Việt. Văn khấn cúng rằm tháng Giêng không cần quá cầu kỳ, phức tạp.
Theo phong tục của cha ông để lại, thì cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm tức 15 âm lịch là tốt nhất. Còn nếu với ai không sắp xếp được công việc để cúng vào đúng giờ thì có thể cúng trước đó 1 ngày, tức 14 tháng Giêng.
Văn khấn cúng rằm tháng Giêng: Nội dung bài văn khấn cũng không cần quá phức tạp, gia chủ có thể tham khảo mẫu văn như sau:
Kính lạy Thần linh Thổ địa... Gia tiên họ.... bà cô ông mãnh, chư vị tiên linh. Hôm nay là ngày rằm tháng Giêng, năm Tân Sửu.
Chúng con là… Ngụ tại…
Chúng con thành tâm, bày biện hương hoa, nghi lễ cung trần, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Kính xin phù hộ độ trì, con cháu mạnh khỏe, gia đạo bình an, sở cầu như ý.
Dưới đây là bài cúng Rằm tháng Giêng theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hoá Thông tin
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: ……
Ngụ tại: ……..
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu, gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngày Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…. nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời ông bà tiền chủ, hậu chủ tại gia về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Khấn xong, vái 3 vái.
Bài cúng rằm tháng Giêng tại chùa theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hoá Thông tin
Dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng thường ở khắp mười phương. (3 lần, mỗi lần lạy 1 lạy)
(Cầm 3 nén hương quỳ đọc tiếp)
Nguyện mây hương lành này,
Biến khắp mười phương giới,
Trong có vô biên Phật,
Vô lượng hương trang nghiêm,
Viên mãn đạo Bồ Tát,
Thành tựu hương Như Lai. (1 lạy, và cắm hương vào bát hương)
Dâng hương cúng dàng rồi, dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng thường ở khắp mười phương. (1 lạy)
(Thành kính chấp tay thành búp sen đọc bài ca tụng công đức của Đức Phật)
Phật thân rực rỡ tựa kim san
Thanh tịnh không gì thể sánh ngang
Vô Thượng Chí Tôn công đức mãn
Cúi đầu con lạy Phật Sơn Vương.
Phật đức bao la như đại dương
Bảo châu tàng chứa đủ bên trong
Trí tuệ vô biên vô lượng đức
Đại định uy linh giác vẹn toàn.
Phật tại Chân Như pháp giới tàng
Không sắc không hình chẳng bụi mang
Chúng sinh bái vọng muôn hình Phật
Bỗng thấy tai nàn tận hóa tan.
Án phạ nhật ra hồng. (3 lần)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Tận hư không biến pháp giới quá hiện vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 lạy)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Sa Bà Giáo Chủ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát (1 lạy)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi A Di Đà Phật, Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1 lạy)
Con nay đều vì bốn ân, ba cõi pháp giới chúng sinh, nguyện xin ba chướng tiêu trừ, dốc lòng sám hối. (1 lạy)
(Quỳ đọc) Chí tâm sám hối:
Xưa kia gây nên bao ác nghiệp
Đều vì ba độc: tham, sân, si
Bởi thân, miệng, ý phát sinh ra
Hết thảy con nay xin sám hối.
Như vậy tất thảy bao nghiệp chướng
Ắt hẳn tiêu diệt không tàn dư
Niệm niệm âm vang tận pháp giới
Độ khắp chúng sinh nhập Bất Thoái. (1 lạy)
Sám hối phát nguyện rồi, chúng con kính lễ Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà và chư Phật ở khắp mười phương. (1 lạy).
Mâm lễ Rằm Tháng Giêng gồm có
Ngày Tết Nguyên Tiêu các gia đình thường sắm hai lễ cúng rằm tháng Giêng: Lễ cúng Phật và lễ cúng Gia tiên. Cúng Phật là mâm lễ chay thanh tịnh, cùng hương hoa đèn nến. Cúng Gia tiên vào giờ Ngọ, là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết của ngày Tết.
Mâm lễ mặn gồm có
Năm lạng thịt vai luộc
Một bát canh măng
Một đĩa xào thập cẩm
Một đĩa nem
Một đĩa rau xào
Một đĩa giò
Một đĩa xôi gấc
Một đĩa hoa quả
Các vật phẩm khác như: Hương hoa vàng mã; đèn nến; trầu cau; rượu
Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên Tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy. Ngoài ra còn có hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượu.
Bài Văn khấn cúng dâng sao giải hạn Rằm tháng Giêng
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu
Tín chủ (chúng) con là: ......................
Ngụ tại: ...............................................
Chúng con thành tâm có lời kính mời:
Nhật cung Thái Dương Thiên Tử tinh quân
Nam Tào Bắc Đẩu tinh quân
Thái Bạch, Thi Tuế tinh quân
Bắc cực Tử vi Đại Đức tinh quân
Văn Xương Văn Khúc tinh quân
Nhị thập Bát Tú, Ngũ Hành tinh quấn
La Hầu, Kế Đô tinh quân
Giáng lâm trước án, nghe lời mời cẩn tấu:
Ngày rằm Nguyên Tiêu, theo lệ trần tục, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả thắp nén tâm hương dâng lên trước án, kính mời các vị lai lâm hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tối lành, gia đình hoà thuận, trên bảo dưới nghe.
Đèn trời xán lạn
Chiếu thắp cõi trần
Xin các tinh quân
Lưu ân lưu phúc
Lễ tuy mọn bạc
Lòng thành có dư
Mệnh vị an cư
Thân cung khang thái
Phục duy cẩn cáo!
Những nguyên tắc cần phải nhớ khi cúng rằm Tháng Giêng
Dọn dẹp ban thờ
Khi dọn dẹp ban thờ lưu ý không xê dịch bát hương, trước khi lau dọn nên thắp 1 nén hương khấn xin thần linh thổ địa, tổ tiên về việc sẽ lau dọn ban thờ để chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng. Điều này theo phong tục dân gian lý giải để tránh động ban thờ, tránh để thần linh quở phạt.
Không dùng hoa giả
Nên mua hoa tươi để dâng ban thờ, tuyệt đối không dùng hoa quả giả, hoa để dâng ban thờ thường là hoa cúc vàng, cúc vạn thọ, huệ trắng.
Phải sử dụng đồ mới để cúng
Các đồ dùng để đựng các lễ cúng mặn như bát, đĩa, đũa, thìa... cần phải sử dụng những đồ mới, riêng biệt.
Không nên dùng những đồ dùng đã dùng chung, sẵn với các việc khác trong gia đình. Bởi, đồ thờ cúng cần phải sạch sẽ, không uế tạp.
Ngày Thượng nguyên-Rằm tháng Giêng có gốc gác thế nào?
Theo chuyện Phật thì ngày mùng một đầu tháng (âm lịch) và ngày rằm là ngày của các Phật. Do vậy Phật tử đều đến chùa dâng lễ vật cúng Phật vào hai ngày đó. Nhưng ngày mùng một ban đêm lại đen tối mịt mù, ngược lại đêm Rằm thì trăng soi vằng vặc. Nhất là đêm Rằm đầu tiên của một năm thì thiêng liêng lắm nên các Phật giáng lâm xuống mọi chùa chiền để độ trì cho mọi người tai qua nạn khỏi, phúc lộc đầy nhà.
Khoảng dăm bảy thế kỷ trở lại đây, có một thục tế rằng tín ngưỡng đạo giáo thâm nhập vào Phật giáo. Tôn giáo này coi Rằm tháng Giêng là ngày vía Thiên quan, là dịp may hãn hữu để làm lễ dâng sao giải hạn trừ tai ách. Do vậy các chùa cũng nhân ngày này dựng đàn tràng làm lễ dâng sao.
Đàn tràng có 3 cấp. Trên cùng là Trời, Phật, Tiên, Thánh. Cấp giữa là các vì sao thủ mạng, theo đạo Giáo, mỗi con người hàng năm chịu ảnh hưởng của một vì sao nào đó. Cấp dưới cùng là các cô hồn chúng sinh lang thang vô định. Lễ vật thường là hoa quả, trầu cau, xôi oản, trà rượu và đồ vàng mã.
Đó chính cũng là lý do khiến thêm nhiều người đến cửa chùa để cầu xin may mắn, tránh tai ương.
Theo truyền thống Phật giáo, ngày rằm tháng Giêng là lúc Phật giáng lâm nên đây là ngày rằm quan trọng nhất năm, mang ý nghĩa lớn. Chính vì vậy mà vào rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc.
Ngoài ra, trong ngày này, người Việt rất coi trọng lễ cúng tại nhà và nhiều gia đình coi đây là ngày quan trọng trong năm nên cúng lễ rất chu đáo, cẩn thận.
Các gia đình thường sắm hai lễ cúng rằm tháng Giêng, một là lễ cúng chay cho ban thờ Phật và hai là lễ cúng mặn cho ban thờ gia tiên. Tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng mỗi gia đình chuẩn bị đồ cúng khác nhau.
Tết Nguyên Tiêu - Tết Trạng Nguyên
Tết Nguyên Tiêu - đêm trăng sáng đầu tiên của một chu kỳ xuân mới, ánh trăng chiếu rạng khắp miền hạ giới sau một mùa đông dài tối tăm, lạnh lẽo. Theo các nhà phong thủy, đêm này âm dương giao hòa đầy vượng khí, càn khôn thịnh phát nhất tại cực điểm, cây trái thuận thời thi nhau trổi dậy đâm chồi nẩy lộc, vạn vật hóa sinh.
Trăng Nguyên tiêu thanh bình, gió lành mơn man thổi nhẹ, không gian lãng đãng làm cho tâm hồn thi nhân thêm phấn chấn trước những thay đổi của cảnh sắc mây trời, hương thơm của cỏ cây hoa trái lan tảo khắp chốn nhân gian. Tết Nguyên Tiêu là men tố, là thời khắc gây nguồn cảm hứng thi ca bất tận.
Vào dịp này, vua chúa có lệ ban lấy ngày Nguyên Tiêu là dịp để triệu tập các Trạng nguyên và những người đỗ đạt cao trong nước về kinh hội họp, đãi yến tiệc trong vườn Thượng Uyển.
Tại đây, các ông Trạng cùng nhau xem hoa thưởng nguyệt, làm thơ xướng họa, ứng đáp câu đối, thổi sáo chơi đàn, ca ngợi tạo hóa và triều đại, bởi vậy nên về sau người ta gọi là Tết Trạng nguyên; một ngày tết dành riêng để tôn vinh việc học hành.
Nước ta vào thời Lý - Trần, triều đình có tổ chức Tết Trạng nguyên; đặc biệt dưới thời vua Lê Thánh Tông, Tết Trạng nguyên được tổ chức một cách trọng thể ở kinh thành Thăng Long, khắp cả trong cung ngoài phố múa hát đàn ca tưng bừng, cờ hoa trang hoàng rực rỡ.
Xưa kia, tại các nhà thờ họ, trưởng họ, trưởng tộc thường triệu tập những thanh niên học cao, hiểu rộng, có tài và đức lên đọc bản báo cáo thành tích một năm hoạt động với tổ tiên.
Qua đó để thấy được sự hưng vượng của dòng họ và giáo dục các thế hệ con cháu một cách tốt nhất.
Sau đó, các bô lão tổ chức ngắm trăng, thi đọc thơ hoặc chơi tổ tôm, tam cúc. Sau ngày này, họ thường cất hoặc đốt những bộ trò chơi này đi để thúc giục con cháu khởi động một năm mới làm việc chăm chỉ, thi cử đỗ đạt.
Đối với bình dân, vào dịp Tết Nguyên Tiêu nhiều nơi thường mở hội làng, bằng nhiều loại hình dân gian, tổ chức lễ thắp đèn hoa, đua thuyền bơi trải, vật võ, có cả múa, hát, lục cúng hoa đăng…
Tết Nguyên tiêu - Tết của lửa và thơ
Từ xưa, đã có rất nhiều văn nhân thi sĩ yêu trăng như Mãn Giác Thiền Sư, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… Và từ năm 2003, rằm tháng Giêng còn là Ngày Thơ Việt Nam.
Phật giáo trong hơn ngàn năm du nhập vào Việt Nam đã gắn kết các phong tục văn hóa của Việt. Rằm tháng Giêng không phải là một ngoại lệ, từ một ngày lễ hội có nguồn gốc từ Trung Hoa đã biến đổi thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người dân Việt thấm nhuần Phật pháp.
Rằm tháng Giêng là một trong 4 ngày rằm lớn trong năm mà người Việt, đặc biệt là Phật tử, thường viếng chùa lễ Phật cầu gia đạo bình an, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an.
Tiết Lập xuân, trời ấm, hoa nở, bướm phát triển. Sau đó, theo chu kỳ sinh trưởng của loài bướm, trứng bướm nở ra sâu, lan rộng khắp nơi phá hoại mùa màng. Vì vậy công việc cần thiết của nông dân lúc này là diệt sâu bọ. Trong những ngày đó (sau tiết Lập Xuân), họ sẽ đi ra đồng tập trung rơm rạ, lá khô đốt lên để diệt các loại côn trùng có hại.
Yếu tố lửa vẫn duy trì đến ngày nay thể hiện qua tục treo đèn lồng vào ngày này. Mặt khác, màu đỏ của lửa trong văn hóa Đông Á là màu dương, màu của sự sống, của sự nhiệt thành… Nó thích hợp với tâm lý vui tươi, phấn khởi của người dân trong những ngày đầu năm.
Yếu tố thơ được duy trì qua các hình thức sịnh hoạt thơ ca ở nhiều nơi. Ngày thơ Việt Nam nếu không có gì đột xuất thường được tổ chức tại Văn Miếu Hà Nội vào đúng Rằm tháng Giêng.
Ngày nay, Tết Nguyên Tiêu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, thấm đẫm chất nhân văn ở cả thành thị lẫn nông thôn, đâu đâu cũng treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ hay thăm viếng cảnh chùa, lễ Phật cầu gia đạo bình an, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an.
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất