'U19 Việt Nam có thể vượt tầm châu Á'

08/01/2014 06:37 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cùng có những điểm tương đồng với Việt Nam, HLV Suzuki Masakazu chia sẻ với phóng viên Thể thao & Văn hóa những kinh nghiệm của mình với bóng đá Nhật Bản.

* Xem U19 Việt Nam thi đấu trận đầu tiên với U19 AS Roma, ông đánh giá thế nào về đội bóng chủ nhà?

- Tôi có xem U19 Việt Nam thi đấu trong 45 phút hiệp đầu trận gặp U19 AS Roma trước khi ra về. Tôi thấy đây là một tập thể rất tốt. Các cầu thủ chơi bóng với nhau đã lâu nên ban bật rất nhuần nhuyễn, họ hiểu ý nhau.

Tôi nghĩ trình độ của U19 Việt Nam sẽ vươn được ra tầm thế giới chứ không phải châu Á thôi đâu. Nhưng để làm được điều đó, tôi nghĩ các bạn phải có những cú hích cho đội bóng này trong tương lai. Đó là một số tiền đầu tư lớn, bài bản và đúng cách.

* Ông nghĩ gì khi dù cầm bóng nhiều hơn, tấn công đẹp mắt hơn nhưng U19 Việt Nam vẫn thua U19 AS Roma?

- U19 Việt Nam không phải là không có nhược điểm. Đội bóng này không có sự kết hợp ăn ý giữa tuyến tiền vệ và hậu vệ.

Khi hàng công dâng cao, cự ly 2 tuyến không được duy trì hợp lý. Nếu gặp những đối thủ đá tấn công mạnh mẽ, U19 Việt Nam sẽ dễ đá hơn do họ có kỹ thuật và kiểm soát tốt thế trận.

Nhưng nếu gặp những đối thủ đá phòng ngự như AS Roma, đối phương chỉ cần nhẫn nại và phản công nhanh thì cơ hội chiến thắng sẽ rất cao. U19 Việt Nam nên thận trọng với điều này. Đối thủ nhìn U19 Việt Nam thi đấu sẽ bắt bài được thôi.

Ngoài ra, một nền bóng đá lớn mạnh phải cần những tiền đạo giỏi. U19 Việt Nam chưa có cầu thủ dứt điểm sắc bén. Nhiều khi một trận đấu, chỉ cần một cú dứt điểm của tiền đạo, cuộc chơi sẽ được quyết định ngay khi đó.

* Bóng đá Nhật là một trong những cường quốc của châu Á, có lẽ một trong những yếu tố dẫn đến thành công là nhờ bóng đá học đường. Ông hãy chia sẻ một ít kinh nghiệm của bản thân về vấn đề này?

- Đúng vậy. Thành công của bóng đá Nhật Bản có sự góp sức không nhỏ của bóng đá học đường. Trong các trường học đều có sân bóng đá.

Những học sinh nhỏ muốn tập bóng đá thì có thể đăng ký với giáo viên thể chất. Đó cũng là môn cho các em vui chơi, rèn luyện bản thân như các môn học khác.

Nếu các em đặc biệt yêu thích bóng đá và có tố chất, các em có thể đăng ký để dành thêm nhiều thời gian cho bóng đá. Ban ngày các em có thể học văn hóa như thường rồi ban đêm học bóng đá.

Các CLB cũng sẵn sàng tiếp nhận các em nhỏ có năng khiếu. Mỗi năm, có 1, 2 lần các HLV của các lò đào tạo trẻ xuống địa phương hoặc các trường tiểu học để tổ chức thi tuyển chọn các em có năng khiếu.

Những em nào được phát hiện tiềm năng và có thể theo bóng đá thì CLB sẽ thu nhận về đào tạo. Ngoài ra, các trường học, các địa phương cũng có thể giới thiệu thêm những tài năng nhỏ tuổi cho các lò đào tạo. Tại CLB, các em vẫn được học văn hóa như bình thường.

* Ông có nghĩ về việc sẽ có ngày các cầu thủ Nhật Bản sang Việt Nam thi đấu?

- Những cầu thủ tốt của Nhật Bản thì sẽ không sang Việt Nam. Họ chắc chắn sẽ chọn những nền bóng đá phát triển để nâng cao trình độ bản thân.

Ngoài ra, tiền lương quá cao cũng là một rào cản cho mối quan hệ hợp tác 2 bên này. Tôi nghĩ những cầu thủ phải đến cuối sự nghiệp họ mới có ý định sang Việt Nam.

Nhưng điều này cũng rất khó vì bóng đá Việt Nam coi trọng thành tích trước mắt, ưu tiên những cầu thủ có sức vóc, không cần sử dụng tư duy đầu óc nhiều nên đây cũng là một rào cản nữa.

* Bóng đá nữ Nhật Bản đang ở đẳng cấp thế giới, theo ông vì sao Nhật Bản làm được điều này?

- Ở Nhật, bóng đá nữ cũng phát triển từ học đường. Các học sinh nữ muốn chơi đá bóng cũng có trường lớp đào tạo như bóng đá nam, tất nhiên là không bằng.

Giải vô địch quốc gia nữ cũng được duy trì đều đặn từ lâu nay. Mức đãi ngộ của các cầu thủ nữ không tốt bằng cầu thủ nam, thu nhập ít hơn nhiều lần nhưng họ có niềm đam mê mãnh liệt với bóng đá.

* Những truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản về bóng đá như Tsubasa, Jindo đã được biết đến ở Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với việc phát triển bóng đá Nhật?

- Đó cũng là một cách để truyền thêm động lực, đam mê cho các cầu thủ nhí. Khi đọc truyện tranh đó, nó tác động sâu sắc với tâm hồn các em. Truyện tranh là một phần văn hóa Nhật, nó ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách, đam mê cho người trẻ. Các em sẽ muốn trở thành những ngôi sao bóng đá, muốn trở thành cầu thủ để giúp bóng đá Nhật vươn ra tầm thế giới và một ngày sẽ vô địch World Cup.

* Những cầu thủ Nhật đang chơi ở các giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới như Honda hay Kagawa đang làm thế giới biết đến nhiều hơn về bóng đá Nhật Bản. Theo ông thì cầu thủ nào xuất sắc hơn trong số họ?

- Tôi không so sánh điều này vì mỗi người có tầm ảnh hưởng khác nhau ở đội bóng của họ. Ở ĐT Nhật, cả 2 đều là những cầu thủ tự do và rất quan trọng. Tôi hơi buồn vì vai trò của họ ở các CLB họ đầu quân đang trở nên khiêm tốn.

* Công Vinh đã sang Nhật Bản thi đấu? Ông có biết về cầu thủ này?

- Kỷ niệm 40 năm ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, đất nước chúng tôi cũng làm tốt điều này. Và tôi đã nghe về cái tên Công Vinh. Hy vọng sẽ có ngày càng nhiều những cầu thủ Việt Nam sang giải vô địch quốc gia Nhật Bản thi đấu.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Phan An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link