25/04/2014 14:17 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi vẫn không hiểu các ông bầu ở Việt Nam đầu tư vào bóng đá với mục đích gì, song tôi cho rằng, việc ngày càng có nhiều các đội bóng giải thể hay nghỉ ngang giải đấu, VPF và cao hơn là VFF, phải chịu những liên đới nhất định, ít nhất là trong việc định hướng, điều hành”, tiếp câu chuyện không hồi kết của nhà môi giới người Hà Lan, cựu cầu thủ LG.ACB.Hà Nội, Frank van Eijs, với PV Thể thao & Văn hóa (đăng ở số báo trước, 24/4).
1. Chúng ta đã đề cập nhiều tới thực trạng (các đội bóng nghỉ ngang giải đấu, giải tán vô thời hạn hoặc giải thể luôn xảy ra như cơm bữa), nguyên nhân khách và chủ quan dẫn tới hiện tượng đó, nhưng hiếm thấy ai đó đưa những giải pháp, cao kiến cho nhà tổ chức giải (VPF) cũng như những người tổ chức điều hành nền bóng đá (VFF). Tại sao họ bỏ giải và các ông chủ đội bóng luôn sẵn sàng cho ra đường nhiều chục con người, mà không ngại bất cứ chế tài nào (từ Luật Lao động, đến những ràng buộc với BTC và cao hơn là cam kết với VFF)?!
Cung cách điều hành là một chuyện, nhưng TIỀN mới là bản chất vấn đề! Kể từ ngày mô hình bóng đá kết hợp doanh nghiệp (được cho là chuẩn AFC) ra đời, cũng là bắt đầu cho kỷ nguyên V-League, các nhà doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá mà gần như không thu được lợi nhuận trực tiếp nào từ bóng đá, nếu không muốn nói là đã phải chi tiền tấn. Bóng đá Việt Nam bị xem là tằm ăn rỗi, khi độ vênh giữa chi và thu quá lớn, đặc biệt trong giai đoạn “thổi giá” (cầu thủ), việc mua bán, sang nhượng đội bóng diễn ra liên miên (từ 2008-2012).
Cuộc khủng hoảng kinh tế trên diện rộng dễ dẫn đến việc khan hiếm tiền mặt. Miếng bánh bản quyền truyền hình (quyền lợi chính đáng của các đội bóng) tự bao giờ trôi vào quên lãng, khi nhà tổ chức đã đổi lấy quảng cáo với nhà đài. Từ lâu, người ta cũng không còn nhắc tới 10 nhà bảo trợ cho bóng đá Việt Nam nữa và hiện chỉ chắc có HA.GL và ĐT.Long An đã chuyển tiền (10 tỷ đồng). Ngay cả việc đóng lệ phí tham dự giải, theo báo cáo tổng kết mùa giải 2013, nhiều đội bóng vẫn còn nợ Ban tổ chức (ví như Thanh Hóa)…
2. Theo nội dung của bản Điều lệ VPF, vốn điều lệ khi thành lập VPF là 30 tỷ đồng (tương đương 3 triệu cổ phần), nhưng tổng giá trị vốn góp thực tế chỉ là 10,62 tỷ đồng (tỷ lệ vốn góp đạt 35,4%), tương ứng với tổng số cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần). VFF hiện là cổ đông lớn nhất, với các cá nhân như Lê Hùng Dũng, Phạm Ngọc Viễn và Trần Quốc Tuấn được biết đến như những đại lý, nắm giữ số cổ phần cụ thể: 462.000 cổ phần (15,4 % vốn điều lệ dưới tên ông Lê Hùng Dũng), 600.000 cổ phần (20% vốn điều lệ, chia đều cho ông Phạm Ngọc Viễn và ông Trần Quốc Tuấn)…
Như vậy, 64,6 % cổ phần – vốn điều lệ còn lại thuộc về các cá nhân, tổ chức, các Cty hoặc đại diện các CLB. Về cơ bản, các CLB Việt Nam cùng hùn hạp lại theo hình thức cổ đông để tạo sân chơi mà VPF chỉ là cơ quan đại diện. Kể thì dài dòng và nghe có vẻ vĩ mô, nhưng xét về mặt tiêu chí huy động vốn, cũng như phương thức tổ chức, V-League, hạng Nhất và Cúp QG không khác mấy so với các giải bóng đá phong trào. Tức đơn vị tổ chức đứng ra thu tiền phí tham dự giải (bắt buộc), tiền thế chân (để trừ vào thẻ phạt hoặc các án kỷ luật nếu có)…
Việc BTC một giải đấu bóng đá phong trào “lời ăn lỗ chịu”, còn tùy thuộc vào công tác điều hành, tuyên truyền và vận động tài trợ - quảng cáo… Tất nhiên, một mặt vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho các đội bóng. Với thực trạng nền bóng đá xứ sở, cũng như cung cách điều hành như hiện tại, các cổ đông (đội bóng) thường chỉ được nghe tới nghĩa vụ (đóng góp phí tham dự giải, tuân thủ cuộc chơi…), chứ ít khi nào được nghe nhắc tới quyền lợi. Ở một vài nơi (có điều kiện), họ chấp nhận điều đó như một thực tế khách quan, nhưng còn với những trường hợp không chịu tuân thủ luật lệ thì sao?
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất