(Thethaovanhoa.vn) -
Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn đang đi theo một lộ trình kỳ lạ, vì mùa giải 2015 đã cận kề nhưng vẫn chưa ai biết chính xác sẽ có bao nhiêu CLB dự giải và ngay cả khi giải đấu đã diễn ra thì cũng không biết có CLB nào phải bỏ giải giữa chừng… Hơn 5 tháng trước, chính xác là vào ngày 6/5/2014, VFF đã tổ chức Hội thảo Cấp phép CLB bóng đá chuyên nghiệp và đưa ra dự thảo Quy chế cấp phép để xác định các tiêu chí về các CLB chuyên nghiệp từ mùa giải 2015. Cụ thể, ngay từ mùa bóng 2015 sắp tới, VFF sẽ thực hiện quy trình cấp phép các CLB chuyên nghiệp, trước mắt các CLB phải đạt 3 yêu cầu tối thiểu gồm: công tác đào tạo trẻ (đủ 4 tuyến U21, U19, U17 và U15); phải cải tiến mặt sân; phải đáp ứng đủ yêu cầu tài chính tối thiểu của mùa giải (CLB dự V-League là 35 tỷ đồng, hạng Nhất 15 tỷ đồng).
Khổ về các “quy chuẩn”Xét về lý thuyết thì việc áp dụng những quy định này hoàn là hoàn toàn đúng với bóng đá chuyên nghiệp, bởi bóng đá Việt Nam đã bước sang năm chuyên nghiệp hóa thứ 15 nên sự ra đời của một bản Quy chế cấp phép là rất cần thiết. Vả lại, theo định hướng của AFC, trong thời gian ngắn sắp tới, quá trình công nhận một CLB chuyên nghiệp tại châu Á sẽ phải tuân theo hệ thống chuẩn chung do AFC quy định.
Tuy nhiên, ngay khi bản dự thảo này vừa được công bố, đại diện nhiều đội bóng cho rằng VFF cần đưa ra lộ trình dài hơn để các CLB ở V-League và hạng Nhất có thể thích nghi dần dần, còn nếu bắt buộc áp dụng ngay ở mùa bóng 2015 thì e rằng hơi quá gấp rút, bởi rất nhiều CLB Việt Nam hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn của AFC, ngay cả với những đội bóng thuộc hàng “đại gia” như Hà Nội.T&T hay SHB.Đà Nẵng.
Và trong trường hợp ngay cả lúc bản Quy chế cấp phép này chưa được đưa vào áp dụng từ mùa giải 2015 thì lâu nay cũng không ít CLB chuyên nghiệp đang lao đao với quy định của VPF và BTC giải là mỗi CLB dự V-League phải có tối thiểu 35 tỷ đồng (và con số này với các đội hạng Nhất là 20 tỷ) để hoạt động trong từng mùa bóng.
Ngoại trừ một số ít CLB được xem là giàu có của V-League như B.Bình Dương, Hà Nội.T&T hay SHB.Đà Nẵng, phần lớn các đội bóng khác, đặc biệt là những đội còn phải dựa vào ngân sách địa phương thì khoản tiền 35 tỷ với họ chẳng khác nào đánh đố. Năm ngoái, K.Kiên Giang đã phải bỏ giải ngay trước giờ khai mạc vì không kiếm đâu ra đủ số tiền như quy định của VPF, còn năm nay tới lượt một đội bóng miền Tây khác là TĐCS.Đồng Tháp đang đứng trước nguy cơ nói lời từ giã cuộc chơi vì lý do tương tự.
Thế nhưng, khi trao đổi với phóng viên Thể thao & Văn hóa về quy định tài chính bắt buộc dành cho các CLB V-League và giải hạng Nhất, ông Phạm Ngọc Viễn, TGĐ VPF, đã khẳng định:
“Tôi cho rằng con số quy định như trên là không cao. Trước khi đưa ra mức trên, BTC đã có sự tính toán dựa trên đầy đủ các cơ sở. Đây là số tiền cần thiết để các CLB đảm bảo chi phí hoạt động và cả cho đào tạo trẻ. Thực tế nếu không tính chi phí đào tạo trẻ thì chi phí hoạt động của các CLB cũng không quá lớn. Mùa trước chúng tôi biết có những đội chỉ hơn 20 tỷ đồng đã đủ hoạt động.
Khoản lớn nhất các CLB phải chi chỉ là lương, chiếm 40% kinh phí. Hoạt động bóng đá những năm qua tốn kém vì các doanh nghiệp đầu tư vào, đẩy giá chuyển nhượng cùng các chi phí khác lên quá cao. Hiện nay việc mua sắm cầu thủ ngoại đã được hạn chế, số lượng cầu thủ nhập tịch cũng được giới hạn nên tôi cho rằng các CLB sẽ không phải chi nhiều như trước”.
Quan điểm của ông Viễn cũng nhận được sự chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Thanh, TGĐ Cty CP bóng đá SLNA, vì theo ông Thanh, SLNA dù có số tiền tài trợ lên tới 50 tỷ đồng/mùa giải nhưng sau khi trừ thuế cũng không còn bao nhiêu, bởi riêng hệ thống đào tạo trẻ đã ngốn mất khoảng 10 tỷ đồng/năm, và đấy là lý do vì sao SLNA không thể giữ chân Công Vinh dù nghe nói tiền đạo này chỉ yêu cầu CLB chi 4,5 tỷ đồng tiền lót tay để đổi lấy việc gia hạn hợp đồng thêm 3 năm nữa.
Vấn đề đặt ra ở đây là số tiền 35 tỷ này nói nhỏ thì không nhỏ mà nói lớn thì cũng không lớn, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế còn chưa hết khó khăn và các doanh nghiệp vẫn lũ lượt chia tay bóng đá như hiện nay thì để kiếm được 35 tỷ làm ngân quỹ hoạt động cho mùa bóng mới cũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Vẫn chuyện “chuyên nghiệp ở Việt Nam mình…”Bóng đá Việt Nam sắp bước sang năm chuyên nghiệp thứ 15 nhưng xét về bản chất vẫn không khác bóng đá nghiệp dư là bao, bởi bóng đá Việt Nam vẫn chưa có khả năng làm ra tiền để nuôi sống chính mình mà vẫn phải sống dựa vào ngân sách của địa phương, doanh nghiệp hoặc của cả 2.
Với những nền bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu thế giới và châu lục, doanh thu từ thương mại và bản quyền truyền hình luôn là nguồn thu rất đáng kể của đội bóng, nhưng với bóng đá Việt Nam thì những khoản thu này chỉ mang ý nghĩa tham khảo và không có một CLB nào của Việt Nam có thể sống được nhờ doanh thu từ quảng cáo hay bản quyền truyền hình.
Từ thực tế đấy mới nhận thấy rõ những bất cập của việc các CLB bóng đá Việt Nam đang bị gò theo một quy chuẩn chuyên nghiệp được xây dựng trên cơ sở là các nền bóng đá chuyên nghiệp thực thụ ở châu Á, hình thành và phát triển trước V-League hàng chục năm và bây giờ đang tiệm cận mô hình hoạt động của những giải VĐQG hàng đầu châu Âu.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, TĐCS.Đồng Tháp không phải là trường hợp đầu tiên và cũng chưa chắc là trường hợp cuối cùng không thể góp mặt ở mùa giải 2015 vì lý do kinh phí, bởi có nhiều thông tin cho biết một số CLB hạng Nhất khác cũng đang tính toán khả năng rút lui vì không kham nổi gánh nặng tài chính của sân chơi chuyên nghiệp.
Điều đó cho thấy bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn đang đi theo một lộ trình kỳ lạ, vì mùa giải 2015 đã cận kề nhưng vẫn chưa ai biết chính xác sẽ có bao nhiêu CLB dự giải và ngay cả khi giải đấu đã diễn ra thì cũng không biết có CLB nào phải bỏ giải giữa chừng vì những lý do khác nhau, chẳng hạn như XMXT.Sài Gòn ở V-League 2013, hay V.Ninh Bình ở V-League 2014, hay không.
Có vẻ như phát biểu “huyền thoại”: “Chuyên nghiệp ở Việt Nam mình khác các nước khác” của cựu Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ trên báo Thể thao & Văn hóa cách đây 3 năm vẫn còn nguyên giá trị thời sự!
Các CLB bỏ giải vì không có kinh phí trong 2 năm qua K.Kiên Giang (V-League 2014) SQC.Bình Định (giải hạng Nhất 2014)
CLB BĐ Hà Nội (V-League 2013)
XSKT.Lâm Đồng, Trẻ K.Khánh Hòa, Trẻ SHB.Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trẻ Hà Nội (giải hạng Nhất 2013) Tiêu chí về các CLB chuyên nghiệp đã được đưa ra và bắt đầu áp dụng từ mùa giải 2015.
Cụ thể về CLB chuyên nghiệp trước mắt phải đạt 3 yêu cầu tối thiểu gồm: Công tác đào tạo trẻ (đủ 4 tuyến U21, U19, U17 và U15); phải cải tiến mặt sân; phải đáp ứng đủ yêu cầu tài chính tối thiểu của mùa giải (CLB dự V-League là 35 tỷ đồng, hạng Nhất 15 tỷ đồng). |
Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần