14/10/2018 10:56 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Như đã biết, ẩu đả đã xảy ra cuối trận bán kết giải vô địch bóng đá nữ quốc gia giữa CLB TP.HCM1 và Than Khoáng Sản Việt Nam (TKSVN). Vấn đề dư luận quan tâm là BTC có phạt nặng những cầu thủ tham gia vào vụ ẩu đả hay không?
Phạt nặng ở đây có thể là phạt số tiền lớn và/hoặc cấm thi đấu (những) cầu thủ tham gia ẩu đả. Có ý kiến cho rằng lương cầu thủ nữ vốn rất thấp, nếu phạt tiền nhiều thì họ có thể phải bỏ nghề. Lại có ý kiến rằng nếu cấm cầu thủ thi đấu thì lấy đâu ra người đá bóng nữa vì cầu thủ nữ đâu có nhiều như cầu thủ nam?
Cầu thủ nữ TKS Việt Nam và TP.HCM 1 đánh nhau
Thực tế lương cầu thủ bóng đá nữ thấp là sự thật. Và số lượng cầu thủ bóng đá nữ không nhiều cũng là sự thật. Nhưng liệu có nên vì thế mà bỏ qua các hình thức kỷ luật nghiêm khắc mang tính răn đe thực sự sau vụ ẩu đả xảy ra trên sân Thống Nhất mới rồi?
Vì sao bóng đá (dù là nam hay nữ) hấp dẫn người hâm mộ? Dù là đến sân xem trực tiếp hay theo dõi qua sóng truyền hình thì họ đều muốn thấy không chỉ là những pha bóng đẹp mắt, kỹ thuật mà còn cả tinh thần thể thao chân chính cũng như đạo đức nghề nghiệp của các cầu thủ.
Không ai thích thú gì khi phải chứng kiến những pha bóng bạo lực, những hành động phi thể thao của các cầu thủ, đặc biệt lại là các cầu thủ nữ. Rõ ràng, những hình ảnh cầu thủ hai đội CLB TPCHM 1 và TKS Việt Nam lao vào ẩu đả với nhau trên sân Thống Nhất mới rồi là rất phản cảm, khiến khán giả cả nước vô cùng khó chịu.
Sân cỏ bị biến thành sàn đấu võ, thành nơi các cầu thủ thay vì cống hiến cho khán giả những pha bóng đẹp mắt lại “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với nhau thì đúng là chả còn ra thể thống gì. Tệ hơn nữa là mọi chuyện không chỉ dừng ở va chạm giữa hai cầu thủ hai đội mà còn kéo theo sự tham gia của nhiều cầu thủ khác của hai bên, tạo nên những hình ảnh vô cùng “xấu xí”.
Rõ ràng họ không coi khán giả ra gì và đã quên mình là cầu thủ. Nếu BTC vì những đặc thù của bóng đá nữ mà “giơ cao đánh khẽ” thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu và khiến người ta hiểu rằng họ dung túng, bao che cho những hành động phi thể thao. Nếu làm vậy, họ không chỉ coi thường khán giả mà còn kèm hãm sự phát triển lành mạnh của bóng đá nữ.
Thêm vào đó, vụ ẩu đả nếu không bị xử nghiêm có thể trở thành mầm mống, thúc đẩy các vụ ẩu đả tiếp theo xảy ra trong tương lai. Khi các cầu thủ được “nuôi dưỡng” với suy nghĩ rằng dù có hành xử bạo lực, họ cũng vẫn “bình an vô sự”, họ hoàn toàn có thể tái diễn những hành vi phi thể thao đó trong tương lai.
Bóng đá nữ Việt Nam có phát triển bền vững được hay không tùy thuộc nhiều yếu tố nhưng một trong những yếu tố bắt buộc là nó phải trong sạch, tôn trọng khán giả, lấy khán giả làm trung tâm và mọi hành vi bạo lực, phi đạo đức phải bị lên án, xử lý nghiêm minh.
HT
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất