Vì sao Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa Thế giới?

01/08/2010 14:51 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Theo thông tin từ đoàn đại biểu Việt Nam có mặt tại kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban di sản thế giới (WHC – gồm 21 nước thành viên) tại Brazil, việc khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) được công nhận là di sản văn hóa Thế giới không đơn giản. Thậm chí, trước đó, tại vòng hai, hồ sơ đề cử của Việt Nam đã bị ICOMOS (tổ chức chuyên môn độc lập xem xét các hồ sơ ứng cử di sản văn hóa của UNESCO) đề nghị hoãn việc xem xét công nhận trong năm nay.

Tuy nhiên, sau quá trình thảo luận khá căng thẳng, khu di sản hàng ngàn năm tuổi của Hà Nội đã được công nhận dựa trên các tiêu chí số II, III và VI trong số những tiêu chí mang tính quy chuẩn của  UNESCO. Cụ thể :

Tiêu chí số II về chiều dài lịch sử văn hóa: Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban), đến từ Trung Hoa, Champa,  Pháp, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, qui hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài. Ảnh: Chinhphu.vn.
Tiêu chí số III về các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú: Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Tiêu chí số VI về tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực: Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới. Di sản đề cử là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ. Di sản đề cử còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Đoàn đại biểu Việt Nam có mặt tài kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban di sản thế giới tại Brazil vừa qua bao gồm bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO, Bộ Ngoại giao; Ông Văn Nghĩa Dũng - Đại sứ Trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO; Ông Dương Nguyên Tường, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Brazil; Bà Lê Thị Minh Lý, Cục phó Cục Di sản Văn hóa Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đồng Nai.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link