(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 25/12, tàu QN 4239 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa Phượng đỏ bị cháy khi trên tàu chở 19 hành khách, trong đó có 17 khách nước ngoài. May mắn toàn bộ hành khách và thuyền viên trên tàu đều được cứu hộ, đưa lên bờ kịp thời.
Vụ cháy tàu này đã làm lộ ra những bất cập trong quản lý hoạt động vận tải trên vịnh Hạ Long. Tàu QN 4239 là một trong số tàu du lịch nhưng lại đăng ký khai thác vận tải tuyến cố định Hạ Long (Quảng Ninh) – Gia Luận (Hải Phòng). Ngược lại, tuy khai thác tuyến cố định nhưng tàu lại chỉ chở khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và vịnh Cát Bà (Hải Phòng). Tuyến này chạy qua các điểm tham quan hang Đầu gỗ, hòn Đỉnh hương, hòn Chó đá trên vịnh Hạ Long. Hiện có gần 10 tàu du lịch đăng ký hoạt động trên tuyến này.
Con tàu bị lửa thiêu trụi
Là tàu vận tải khách, chạy tuyến cố định nên các cơ quan quản lý nhà nước khó có thể thu tiền phí tham quan vịnh Hạ Long trên mỗi đầu khách đi trên tàu này được. Trong khi đó, theo quan điểm của Ban quản lý vịnh Hạ Long, về lý, các tàu này chở khách du lịch, chạy trên vịnh Hạ Long, đi qua các điểm tham quan nổi tiếng của di sản thiên nhiên thế giới nên khách đi tàu này phải mất phí tham quan.
Tuy nhiên, theo cấp phép của ngành giao thông Quảng Ninh, tuyến Gia Luận – Hạ Long chỉ là tuyến vận tải khách, không phải là tuyến tham quan du lịch nên về nguyên tắc, các tàu du lịch chạy tuyến cố định trên tuyến này không được dừng, đỗ đưa đón khách vào các điểm tham quan du lịch trên vịnh Hạ Long. Nhưng thực tế, các chủ tàu vẫn thường cho tàu cập bến và đưa khách tham quan tại các điểm tham quan như hang Đầu gỗ trên vịnh Hạ Long. Phía Ban quản lý vịnh đã không ít lần bán vé bổ sung tham quan cho khách du lịch trên các tàu này.
Do vậy, mâu thuẫn ở chỗ nếu thu tiền tham quan Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long của khách thì vô hình chung Quảng Ninh tự coi đây là tuyến du lịch. Như vậy, về lý các tàu phải có quyền đưa, đón khách ở các điểm tham quan trên tuyến này. Ngược lại, nều coi đây chỉ là tuyến vận tải khách cố định thì việc các tàu này dừng, đưa đón khách ở các điểm tham quan trên vịnh là trái luật, việc thu phí tham quan vịnh và bán vé tham quan tại các điểm dừng chân trên vịnh Hạ Long cũng không phù hợp.
Ngay sau khi nhận được thông tin, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã có mặt, huy động các tàu lân cận hỗ trợ, đưa toàn bộ số người về bờ an toàn
Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết: Hiện nay, việc hợp tác giữa Ban với UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng) mới chỉ dừng lại trong việc phối hợp trao đổi thông tin, quản lý vùng giáp ranh để cùng bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long và các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Hai bên chưa có bất kỳ hợp tác nào trong việc tổ chức cho đội tàu du lịch của hai địa phương tham quan du lịch trên 2 vịnh Hạ Long và Cát Bà.
Gần đây, một số chủ tàu kinh doanh trên vịnh Hạ Long phản ánh: Do các quy định của Quảng Ninh đối với tàu du lịch khắt khe nên nhiều chủ tàu (thường là các tàu có chất lượng thấp) đang tìm cách chạy sang Hải Phòng - nơi khá thông thoáng trong việc quản lý tàu du lịch để đăng ký hoạt động theo tuyến này nhưng vẫn đưa đón khách tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Cát Bà bình thường.
Vụ cháy tàu QN 4239 đang đòi hỏi cả 2 địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng cần có sự phối hợp để tăng cường công tác quản lý, vừa nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch vừa tránh được việc thất thu phí tham quan Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
TTXVN/Văn Đức