20/12/2011 10:53 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - “Nếu doanh nghiệp thực hiện theo mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì hoạt động kinh doanh xăng dầu đều có lãi”. Đó là khẳng định của Bộ Tài chính tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối ngày 19/12.
Bộ Tài chính đã lập đoàn kiểm tra tại 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối là Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) tại thời điểm 30/6 và 26/8. Kết quả kiểm tra cho thấy, chi phí kinh doanh để tính vào giá cơ sở có những thời điểm vượt xa định mức dẫn tới lỗ. Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, khoản lỗ đó các doanh nghiệp phải tự chịu.
Doanh nghiệp chạy đua mức thù lao hoa hồng
Bộ Tài chính khẳng định việc giảm giá xăng dầu ngày 26/8 là hoàn toàn có căn cứ bởi cả bốn doanh nghiệp đều có lãi, chứ không phải lỗ như thông báo. Việc giảm giá ngày 26/8 (các loại xăng giảm 500 đồng/lít, diezel giảm 300 đồng/lít, dầu hỏa dân dụng giảm 300 đồng/lít) góp phần kiềm chế lạm phát, để mức tăng chỉ số giá tiêu dùng từ tháng 8 đến nay giảm nhanh.
Qua rà soát, từ 1/7 đến 26/8 Petrolimex ước lãi 130 tỷ đồng, SaiGonPetro báo lỗ 44,6 tỷ đồng nhưng nếu tính đúng theo chi phí kinh doanh định mức (600 đồng/lít xăng, dầu), doanh nghiệp này lãi 48 tỷ đồng, tương tự Petimex báo lỗ 55,23 tỷ đồng nhưng thực tế lãi 22 tỷ đồng.
Nội dung kiểm tra về kết quả hoạt động kinh doanh cho thấy cả bốn doanh nghiệp đều chi thù lao cho các đại lý vượt chi phí định mức kinh doanh để tính giá cơ sở, dẫn tới bị thua lỗ. Tính đến tháng 6, Petrolimex thông báo bị lỗ hơn 1.840 tỷ đồng, qua rà soát tổ kiểm tra phát hiện con số lỗ thực tế chỉ là 1.318 tỷ đồng, khoản chênh do doanh nghiệp đã chi thù lao đại lý vượt định mức 522 tỷ đồng. Hoạt động thua lỗ này, chủ yếu do biến động tỷ giá gây ra (1.425 tỷ đồng).
PV Oil là đơn vị có mức chi trả thù lao đại lý lớn, lần thứ nhất vào 30/6, mức chi thấp nhất 530 đồng/lít xăng, dầu và cao nhất lên 800 đồng. Tiếp đó, vào 12/7, mức thấp nhất 800 đồng/lít và cao nhất 1.050 đồng/lít.
Doanh nghiệp không thể đổ lỗ do chi phí kinh doanh không hợp lý lên đầu người dân
Saigon Petro có tổng chi phí chiết khấu thù lao đại lý từ tháng 1 đến tháng 9/2011 là hơn 289 tỷ đồng trong đó có thời điểm mức chiết khấu bình quân tháng 6 lên tới 714 đồng/lít, từ tháng 7 đến 26/8 là 782,77 đồng/lít, đều vượt quá mức chi phí kinh doanh chung là 600 đồng/lít.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Công thương ban hành thông tư 36 bỏ quy định chi thù lao đại lý dẫn tới các doanh nghiệp lao vào cuộc đua cạnh tranh giành giật thị phần, dẫn tới thua lỗ. Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh: “Trong khi người tiêu dùng đang gánh chịu tăng giá, doanh nghiệp lẽ ra phải tiết giảm tối đa chi phí, nhưng chi vượt định mức để giành thị phần của nhau, như vậy doanh nghiệp chưa chia sẻ lợi ích với Nhà nước và người tiêu dùng”.
Về ý kiến cho rằng mức thù lao đang chi trả cho các đại lý hiện nay là 600 đồng/lít có còn phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay? Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, để thay đổi cần có sự khảo sát để đảm bảo với quy định mới sẽ cân bằng lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân. Kết quả kiểm tra thực tế thấy chi phí kinh doanh thực tế đều vượt định mức, vì vậy cần phải có quy định khống chế chi phí kinh doanh và thù lao đại lý nhằm tránh trường hợp có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường chi phối tăng chi phí kinh doanh và thù lao đại lý gây cạnh tranh không lành mạnh giữa các đại lý để chiếm thị phần.
Sau lần kiểm tra này, Bộ Tài chính cũng kiến nghị cần có quy định về chi phí kinh doanh theo từng vùng. Đối với vùng sâu, vùng xa phải có chính sách khác với vùng đồng bằng để đảm bảo doanh nghiệp có lãi và thực hiện kinh doanh phục vụ cho các hoạt động của nền kinh tế.
Đưa lợi nhuận ra khỏi giá cơ sở
Thứ trưởng Vũ Thị Mai nêu rõ: Trong điều kiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối không đồng đều, thị trường còn bị phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh như Petrolimex thì việc Nhà nước thực hiện các biện pháp kiểm soát và điều hành giá bán lẻ xăng dầu là giải pháp hợp lý để góp phần kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Về quỹ bình ổn giá xăng dầu, cơ bản các doanh nghiệp đã trích lập sử dụng theo quy định. Việc duy trì quỹ là cần thiết để thực hiện giữ ổn định giá bán xăng dầu, nếu không có cơ chế trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá như thời gian qua thì tần suất điều chỉnh giá sẽ cao, gây bất ổn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy cơ chế trích, quản lý và sử dụng quỹ tại các doanh nghiệp còn một số bất cập và khó kiểm soát. Vì vậy, trong thời gian tới, quỹ sẽ được nghiên cứu đưa về cơ quan Nhà nước quản lý. Quỹ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối thực hiện bình ổn giá theo cơ chế: doanh nghiệp đăng ký, kê khai sử dụng quỹ; kết thúc năm Nhà nước sẽ thực hiện hậu kiểm và quyết toán chi đối với doanh nghiệp.
Về giá cơ sở, tổ kiểm tra của Bộ Tài chính kiến nghị hoàn thiện công thức xác định giá cơ sở theo hướng rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giảm giá để phù hợp với thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ kiến nghị tới đây cần đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở để minh bạch tình hình lãi, lỗ của doanh nghiệp xăng dầu.
Minh Tuân - Thảo Vy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất