Xăng dầu chuyển lãi thành lỗ: Đã làm từ lâu

23/12/2011 09:28 GMT+7 | Thế giới

Bán cho đại lý thấp hơn giá vốn, chi hoa hồng cao hơn 45% mức quy định, các công ty "mẹ" xăng dầu đều dồn lãi sang con để chịu lỗ, gây áp lực đòi tăng giá. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đang nương tay khi để doanh nghiệp "tự xử".

Dồn lãi từ mẹ sang con rồi... kêu lỗ

Cả 4 doanh nghiệp xăng dầu trong đợt kiểm tra vừa qua của Bộ Tài chính gồm Petrolimex, PVoil, Petimex, SaigonPetro đều có chung một kịch bản lỗ rất giống nhau: Do chi phí  kinh doanh, đặc biệt là thù lao cho các đại lý, Tổng đại lý quá cao, vượt xa định mức 600 đồng/lít khiến giá vốn thực tế của doanh nghiệp đầu mối bị đẩy lên cao.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Petrolimex đã có mức chi phí kinh doanh vượt định mức tính theo giá cơ sở là hơn 516 tỷ đồng, SaigonPetro chi vượt hơn 75 tỷ đồng, PVOil chi tăng hơn 186 tỷ đồng và Petimex, đơn vị khó khăn nhất trong các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng chi cao hơn 193 tỷ đồng.

Vì sao các doanh nghiệp đầu mối gặp khó khăn, luôn miệng than lỗ lại mạnh tay hào phóng chi hoa hồng cao cho các đại lý bán lẻ như vậy? Nghịch lý này thể hiện rõ nét ở chỗ, có những giai đoạn doanh nghiệp đầu mối có cơ hội kinh doanh lãi, bằng việc giảm chiết khấu, để bù lỗ trước đó, nhưng các doanh nghiệp này lại bỏ qua.

Đặc biệt, từ cuối tháng 5 đến ngày 26/8/2011, giá xăng dầu thế giới giảm, các công ty mẹ xăng dầu đã không giảm chiết khấu mà vẫn duy trì mức cao cho các đại lý. Đây thực sự là một động thái khó hiểu trong logic kinh doanh thông thường.

Đơn cử như tại công ty Petimex, trung bình thù lao cho đại lý trong tháng 6 là hơn 867,29 đồng/lít, trung bình từ ngày 1/7 đến 26/8 là 859,68 đồng/lít. So với 5 tháng trước đó, mức thù lao bình quân tháng 6 đã tăng lên 590,11 đồng/lít. Mức trung bình gần 2 tháng kế tiếp 7-8 đã tăng 582,5 đồng/lít.


Chính sách bán hàng nội bộ này rất kỳ lạ vì ngược với xu hướng thị trường xăng dầu khi đó. Bộ Tài chính cho hay, giai đoạn này, giá xăng dầu thế giới đang giảm, giá CIF cdầu Diesel do Petimex giảm tới 919 đồng/lít, giá bán lẻ trong nước vẫn chưa giảm. Đây là thời điểm "vàng", công ty Petimex hoàn toàn có thể giảm chiết khấu cho đại lý để hưởng lãi, bù lỗ giai đoạn trước.

Tương tự, SaigonPetro cũng vẫn giữ mức thù lao cho đại lý tới 714 đồng/lít ở tháng 6 và mức 782,77 đồng/lít trong giai đoạn từ 1/7- 26/8. Trong khi đó, thời điểm này, SaigonPetro đã nhập dầu diesel với giá CIF giảm tới 1.494 đồng/lít so với tháng 4-5.

Tại Công ty xăng dầu B12 thuộc Petrolimex, thù lao cho đại lý tháng 7 đối với dầu diesel lên cao nhất tới 830 đồng/lít.

Tổ kiểm tra của Bộ Tài chính đã nhận định, với cơ chế xác định giá bán xăng dầu của các đại lý, tổng đại lý của Petrolimex bằng công thức giá bán lẻ trừ lùi một khoản thù lao cho đại lý thì việc đẩy thù lao cho đại lý lên cao, nhằm chiếm giữ thị phần là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp đầu mối.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Bộ Tài chính đánh giá, trong điều kiện Nhà nước đã có chính sách bình ổn giá, các doanh nghiệp đầu mối đáng lẽ phải tiết giảm chi phí kinh doanh để chia sẻ cùng Nhà nước và người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đầu mối đã làm điều ngược lại, tăng hoa hồng đúng lúc có thể giảm.

Bán thấp hơn giá vốn tới 847 tỷ đồng để bình ổn?

Riêng tại Petrolimex, hiện tượng chuyển lỗ từ mẹ sang con còn thể hiện đậm nét hơn ở câu chuyện bán cho đại lý thấp hơn cả giá vốn. Các tài liệu được chính Tổng công ty cung cấp cho thấy, giá bán cho các đại lý đã thấp hơn giá vốn tới 847 tỷ đồng.

Trong đó, giá bán của Tổng công ty cho 16 công ty con thấp hơn giá vốn hơn 100 tỷ đồng. Giá bán cho các Tổng đại lý và đại lý bên ngoài hệ thống của Petrolimex cũng thấp hơn giá vốn hàng bán bình quân là 620 tỷ đồng. Đối với các tổng đại lý Công ty TMDL Kiên Giang và Tổng đại lý Công ty CP Hóa dầu Quân đội MIPEC, giá bán của Petrolimex cũng thấp hơn giá vốn tới hơn 126 tỷ đồng.

Tổ kiểm tra của Bộ Tài chính cho biết, sau khi loại trừ các yếu tố như chênh lệch tỷ giá, chi vượt định mức... thì mức chênh lệch giá bán và giá vốn này còn 111 tỷ đồng.

Với cách thức kinh doanh như vậy, đương nhiên kết quả của công ty mẹ Petrolimex sẽ lỗ lớn trong khi hàng chục hệ thống đại lý, tổng đại lý lại lãi lớn. Điều khó hiểu này được Petrolimex giải trình rằng, do thực hiện bình ổn giá, phải bán tới các đại lý con thấp hơn cả giá vốn để giữ giá bán lẻ và đảm bảo cung ứng cho hệ thống, lưu thông xăng dầu.

 

Tuy nhiên, lỗ của Petrolimex còn có cả những nguyên nhân khác như trích  khấu hao tài sản cố định vẫn ở mức tối đa nên càng làm tăng số lỗ. Trong khi đó, giai đoạn kinh tế khó khăn, bình ổn giá, doanh nghiệp này có thể chỉ cần trích khấu hao ở mức trung bình để có dư địa giảm gánh nặng lỗ.

Có thể thấy rằng, cả 4 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đều có những động thái "chuyển lỗ" trong kinh doanh: không tìm cách giảm giá thành, giảm chi phí mà lại chỉ tìm cách tăng lên.

Lãnh đạo Bộ Công Thương và doanh nghiệp xăng dầu nại rằng, 600 đồng/lít định mức chi phí kinh doanh là không đủ, hay nếu không để lãi hợp lý cho đại lý thì hệ thống phân phối xăng dầu sẽ vỡ, các đại lý sẽ đóng cửa, đứt nguồn cung...

Dù vậy, dư luận vẫn không thể đồng thuận với kiểu cách kinh doanh trên. Người tiêu dùng hoàn toàn có cơ sở hiểu rằng, các đầu mối xăng dầu cố tình "lỗ" để có cớ đòi tăng giá bán lẻ rồi đòi xả Quỹ bình ổn để bù. Người dân hoàn toàn có lý khi lo  ngại toàn bộ lợi nhuận của lĩnh vực kinh doanh xăng dầu rơi vào tài khoản của các đại lý, tổng đại lý, công ty con  và theo một cách nào đó, khoản lợi nhuận này sẽ được "chuyển" ngược về các lãnh đạo công ty mẹ.

Bộ Tài chính để doanh nghiệp "tự xử"

Tuy nhiên, thái độ hiện nay của Bộ Tài chính dường như vẫn xem nhẹ "lỗi" này và đang nương tay cho các doanh nghiệp. Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính bày tỏ: Những sai sót của doanh nghiệp sẽ không bị xử phạt là vì vẫn trong thời gian quyết toán thuế, niên độ tài chính của doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải tự rà soát.

Ông Lê Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, chúng tôi đã xác định bất cập và chỉ cảnh báo doanh nghiệp thôi. Chỉ trừ khi doanh nghiệp không tự điều chỉnh thì mới phải xử lý.

"Nên để doanh nghiệp tự xử trước đã. Chúng ta cần nâng cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp", ông Hải nói.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, làm như các doanh nghiệp đầu mối thì đương nhiên, kết quả sẽ là lỗ mẹ và lãi con. Dù chưa có căn cứ rõ ràng về việc có chuyện chuyển giá hay không những rõ ràng câu chuyện này có vấn đề. Bộ Tài chính sẽ giao thêm các đơn vị chức năng khác làm rõ sáng tỏ các bất cập trên, gồm cả việc bán cho đại lý thấp hơn giá vốn của Petrolimex.

Ông Hải cho rằng, Thông tư của Bộ Công Thương cho phép các doanh nghiệp đầu mối tự thỏa thuận thù lao với đại lý cần phải xem xét lại. Vì theo ông, sau kiểm tra 4 doanh nghiệp, thu lao đại lý cần phải được khống chế, xác định lại theo một khung nhất định để hạn chế kinh doanh không lành mạnh.  Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ cùng xem xét lại cơ chế chính sách hiện hành để việc quản lý kinh doanh xăng dầu có hiệu quả hơn.

Theo Vietnamnet


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link