5 họa sĩ biến cột bê tông ở sân bay Đã Nẵng thành khu ‘vườn nhiệt đới’

02/04/2017 09:18 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cùng các họa sĩ Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội: Trần Định, Nguyễn Phú, Đinh Huy và La Phúc vừa hoàn thành bức tranh tường đầu tiên trong dự án trang trí biến sân bay Đà Nẵng thành một khu vườn nhiệt đới…

Bức tranh là một cột bê tông cao 7,4m, đường kính 6,4m, được 5 họa sĩ trang trí thể nghiệm bằng chất liệu sơn công nghiệp, thành một tác phẩm cây và hoa tươi sáng, trong trẻo, rất Việt Nam.

Các họa sĩ Tân Hà Nội bên bức tranh tường đầu tiên trong dự án trang trí biến sân bay Đà Nẵng thành một khu vườn nhiệt đới…

Khi 4 tầng dàn giáo được gỡ bỏ, nhiều người nhìn thấy đã ồ lên ngạc nhiên trước vẻ đẹp tươi sáng lộ ra dưới ánh nắng mặt trời tại sân bay quốc tế sắp hoàn thành nhân dịp đón chào Hội nghị APEC 2017 vào tháng 11 tới.


Các họa sĩ hoàn thành bức tranh đầu tiên

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả ý tưởng dự án chia sẻ: “Từ trước tới giờ, các nhóm hoạ sĩ đa phần vẽ chất liệu sơn Acrylic trong không gian nội thất. Gần như chưa có ứng dụng nào cho tranh bích hoạ ngoài trời vì sơn acrylic sẽ bị bạc màu dưới tác động của mưa nắng ngoài trời…Nhưng từ những thành công của thể loại tranh ghép gốm mosaic, tôi không thể bỏ qua thể loại tranh bích hoạ vẽ sơn ngoài trời làm đẹp các không gian công cộng đô thị. Thật là may mắn, khi kỹ sư Phạm Duy Bình đã giới thiệu và mời tôi dùng thể nghiệm chất liệu Protect Guard Colours của hãng sơn Guard Industrie (Pháp) để vẽ thể nghiệm trong dự án và giới thiệu cho chúng tôi đây là hãng sơn chuyên cung cấp sơn nano bảo vệ bề mặt bê tông và đá cho rất nhiều công trình nổi tiếng trên thế giới. Ví như ở châu Âu đang có trào lưu tu sửa và làm mới những toà nhà cổ bằng đá bị xám đen theo thời gian đang dùng chính chất liệu của Guard Industrie để làm sáng mới lại. Tòa nhà One Thousand Museums building ở Miami (bang Florida, Mỹ) cũng sử dụng sơn này”.


Một góc bức tranh tường

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy chia sẻ thêm: “Sau khi hoàn thành bức tranh, hai chuyên gia Pháp của hãng sơn là Daniel và David đã đến sân bay Đà Nẵng để chứng kiến thử nghiệm của chúng tôi. Họ đã trực tiếp đổ nước rồi dùng khăn chà sát mạnh vào tranh chúng tôi vẽ mà không hề có phản ứng nào xảy ra. Họ thực sự vui mừng vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử của hãng Guard Industrie, chất liệu của họ được các nghệ sĩ sử dụng vẽ thành tranh nghệ thuật. Họ yêu cầu chúng tôi đăng ký kỷ lục Guinness cho bức tranh ngoài trời lớn đầu tiên đã sử dụng chất liệu của Guard Industrie.

Hai chuyên gia Pháp cũng đã mang mấy mẩu tranh chúng tôi vẽ lên bê tông về phòng thí nghiệm ở Pháp để tiếp tục điều chỉnh quy trình sản xuất. Nhưng bằng những trải nghiệm của mình, chúng tôi có thể khẳng định sơn đây là một chất liệu sơn bê tông ngoài trời không bị bạc màu, không bám bụi và lau chùi tốt, vô hiệu hoá cả việc bị vẽ bậy”.


Bức tranh tường vô hiệu hoá cả việc bị vẽ bậy

Chia sẻ sau khi hoàn thành tác phẩm trang trí đầu tiên tại sân bay Đà Nẵng, nữ họa sĩ nói: “Chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đây thực sự là một bước đột phá mới trong việc tìm ra một chất liệu mới phù hợp với việc trang trí các không gian công cộng đô thị"

Phải nói thêm rằng, Nguyễn Thu Thủy có lẽ là một nghệ sĩ chịu nhiều nắng gió ngoài trời nhất khi đưa ra những ý tưởng và triển khai thực hiện các công trình nghệ thuật công cộng như: Con đường gốm sứ ven sông Hồng, Lá cờ Tổ quốc gắn gốm lớn nhất ở đảo Trường Sa, 6 bức tranh cổ động bằng gốm sứ ở đảo Trường Sa Lớn, Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca, Đài phun nước Bông sen vàng ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Trái tim Tình yêu Hà Nội bên hồ Trúc Bạch (Hà Nội)... Nhưng sau một loạt các công trình sử dụng chất liệu gốm sứ, đây là lần đầu tiên chị sử dụng sơn để vẽ tranh bích hoạ trang trí ngoài trời. Hiện nữ họa sĩ đang lên phác thảo tổng thể để góp phần trang trí biến sân bay Đà Nẵng thành một khu vườn nhiệt đới mang đặc trưng riêng của Việt Nam.

Hoài Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link