Thể thao Việt Nam: Một thập kỷ tình không cũ

31/12/2016 09:16 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Đánh giá về một nền thể thao hay truyền thông thể thao một năm là quá ngắn bởi một thập kỷ mới trọn vẹn một quá trình.

Du di giữa cuối năm 2006 tới giữa năm 2007 như phần bù giờ vốn có một trận đấu bóng đá đỉnh cao nhiều cao trào thì năm 2006 đã khép lại với một kỳ ASIAD mà ở đó, những tấm HCV của môn cầu mây đã thực sự cứu vãn cho nền thể thao Việt Nam ở giải đấu ấy.

Cũng vẫn ở tầm châu lục, nhưng chỉ riêng với môn bóng đá thì giữa năm 2007, BĐVN đã có một màn trình diễn xuất sắc ở ASIAN Cup mà chúng ta là một trong bốn nước đồng chủ nhà.

Đánh bại UAE 2-0 rồi hòa với Qatar, thua Nhật, Việt Nam cũng đã lọt vào tới vòng tứ kết – nơi mà chúng ta chỉ thua Iraq 0-1. Iraq năm đó rất đồng đều và sau đấy lên ngôi vô địch xứng đáng.

Cái danh xưng "một trong tám đội xuất sắc nhất châu Á" nghe có thể hơi phóng đại, nhưng thực tế là BĐVN đã có một thế hệ cầu thủ tài năng, đội tuyển mạnh mẽ mà chính bộ khung đó đã giúp Việt Nam lần đầu tiên vô địch AFF Cup trong lịch sử cuối năm 2008.


Chỉ có sự phát triển của Thể thao Việt Nam mới làm người Việt quan tâm lớn nhất

Đó là trên đấu trường quốc tế. Thế còn đấu trường trong nước thì sao? Năm 2007, rất nhiều năm sau khi đã được gọi là Chelsea Việt Nam, Bình Dương mới lần đầu tiên vô địch V-League. Sự cạnh tranh mà đội bóng này vấp phải từ Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai, Hải Phòng, Đà Nẵng đã buộc họ phải chờ đợi mới được hái quả ngọt. Hay nói cách khác, V-League là một sân chơi dù có nhiều điều bất cập nhưng nó có nhiều tính cạnh tranh.

Ngay cả Hạng Nhất ngày ấy cũng rất đáng chú ý khi Thể Công Viettel chỉ có thể lên hạng vào năm 2007 nhờ một thế hệ cầu thủ trẻ được tập huấn ở Bulgaria, Đức trở về cùng những ngoại binh chất lượng. Giải đấu có tới 14 CLB, ngang bằng với số lượng tham dự giải V-League.

Thế còn Thể thao Việt Nam, Bóng đá Việt Nam sau (gần) mười năm có gì?

ASIAD 2014 là nơi chúng ta chỉ giành 1 HCV ở Incheon (Hàn Quốc). Thành tích ấy nếu so với 3 HCV của năm 2006 rõ ràng là một bước lùi của Thể thao Việt Nam ở đấu trường châu lục.

BĐVN chưa một trở lại ở ASIAN Cup, cũng chưa vô địch Đông Nam Á thêm lần nào kể từ sau danh hiệu năm 2008. Những gì trải qua sau đó là thất bại, trong đó thất bại đậm đà là bị loại sớm ở các kỳ AFF Cup, và thất bại dễ chịu hơn là còn vượt qua được vòng bảng.

V-League như nói ở trên trở nên thiếu tính cạnh tranh trong khi những cải tổ để nó trở nên chuyên nghiệp hóa hơn thì vẫn còn ở phía trước.

Nhưng thảm họa nhất là giải hạng Nhất nay chỉ còn đúng 7 đội, tức là giảm mất luôn một nửa số đội. Con số này cho thấy BĐVN đang đi ngược lại khá nhiều so với chuẩn mực của các nền bóng đá phát triển khi nền tảng thì teo tóp và liệu có xảy ra một sự sụp đổ nào trong tương lai?

Trong mười năm qua, BĐVN chứng kiến sự xuất hiện của một lứa cầu thủ hứa hẹn có khả năng tạo nên sự khác biệt khi những cầu thủ của Học viện HAGL chào sân. Những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đã tạo nên một hấp lực đáng kể. Truyền thông thể thao cũng như được thổi những luồn sinh khí mới bên cạnh những đam mê, quan tâm của dư luận được đánh thức.

10 sự kiện tiêu biểu của Thể thao Việt Nam 2016

10 sự kiện tiêu biểu của Thể thao Việt Nam 2016

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với kỳ tích mang tên Olympic; Lê Văn Công với tấm HCV Paralympic; Giấc mơ World Cup thành hiện thực... và cả thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup chính là những điểm nhấn của Thể thao Việt Nam năm 2016!

Những trận đấu của những cầu thủ ấy nằm trong các chương trình truyền hình được nhiều người xem nhất. Những bài báo viết về họ lan tỏa dễ dàng hơn. Nó cũng như những gì đã xảy ra năm 2007 và 2008 khi truyền thông thể thao tưởng như có thể đi ngược lại xu thế của thời đại chứng kiến sự suy thoái mạnh mẽ của nền tảng truyền thông truyền thống trước sự áp đảo của truyền thông số và xã hội. Nhưng cái gì chưa trở thành bản chất, chưa vươn tới đẳng cấp thì khó có thể kéo dài.

Sự quan tâm của người hâm mộ vì thế lại chuyển hướng về những sự kiện thể thao quốc tế. Nó là những trận đấu ở các giải bóng đá châu Âu, những trận tennis ở hệ thống ATP hay Grand Slam, những màn đua xe F1 tổ chức rải rác khắp thế giới. Nhưng cái gì mà không gần gũi, lại ở trong một thời đại dư thừa các loại hình, nội dung giải trí, và có thể tiếp cận dễ dàng hơn bao giờ hết thì cũng bị cuốn theo đà suy thoái, nhường chỗ cho những cái mới, hoặc những cách tiếp cận mới.

Những dòng chữ trên, những sự kiện được hệ thống lại ở trên nếu không phải là một lời lý giải thấu đáo thì nó cũng một lời gợi mở rằng Thể thao & Văn hóa Cuối tuần sau mười năm song hành với Thể thao Việt Nam, Bóng đá Việt Nam cũng như quốc tế lẫn những câu chuyện, dòng thời sự văn hóa sẽ tạm khép lại ở đây để trở nên mạnh mẽ hơn trên những nền tảng truyền thông khác. Chắc chắn là như thế!

Kỳ Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link