05/09/2023 06:14 GMT+7 | Giải trí
Trong thoáng lơ đãng để bước ra khỏi công việc vất vả là chấm "một đống bài kiểm tra", J.R.R. Tolkien lật tới trang trống trong bài luận của một sinh viên và viết nguệch ngoạc: "Trong một cái hố trên mặt đất có một người hobbit sống ở đó".
Nó đã trở thành câu đầu tiên cho cuốn The Hobbit (Anh chàng Hobbit, 1937). Từ những dòng mơ màng này, Tolkien đã phát triển thành 1 trong những bộ truyện phiêu lưu giả tưởng nổi tiếng nhất thế giới, The Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn, 1954).
Cho nước Anh
Nhưng chúng ta hãy khoan nói về một nhà văn của những câu chuyện nổi tiếng trên toàn cầu. Nhân tưởng niệm 50 năm ngày mất Tolkien, hãy nhìn về Tolkien ở một góc độ khác, như một nhà trung cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ, cũng như những đóng góp lớn của ông cho việc nghiên cứu văn học thời trung cổ.
Công việc giảng dạy đầu tiên của Tolkien là ở Đại học Leeds, nơi ông thực hiện dịchquyển thơ tiếng Anh thời trung cổ ở thế kỷ 14, Sir Gawain And The Green Knight. Với nhiều người, bản dịch của ông vẫn là bản hay nhất của quyển thơ này. Năm 1925, Tolkien được nhận làm giáo sư tại Đại học Oxford. Một năm sau, ông dịch quyển thơ cổ Anh, Beowulf. Ông sẽ tiếp tục là giáo sư ngôn ngữ và văn học Anh trong 20 năm tiếp theo.
Thế giới thời Tolkien sống đang trong giai đoạn biến đổi. Sự hỗn loạn vô phương hướng của 2 cuộc chiến tranh thế giới chắc chắn đã ảnh hưởng tới việc viết của ông. Và đây có thể là lý do tại sao bối cảnh ưa thích của ông luôn là nước Anh thời tiền công nghiệp. Điều này có thể thấy rõ trong tình yêu của ông với những câu chuyện cổ tích và trong các bức vẽ của ông - mà hầu hết là phong cảnh thiên nhiên, ít có kiến trúc.
Tình yêu của ông với cây cối cũng lớn tới mức ông từng viết một lá thư cho nhà xuất bản, nói rằng: "Tôi (rõ ràng) rất yêu thực vật, trên hết là cây cối, và sẽ luôn như vậy. Tôi thấy con người ngược đãi chúng tồi tệ tới không thể chịu nổi như họ làm với động vật". Một lần khác, ông nói về sự yêu thích với thần thoại, cổ tích "và trên hết là những truyền thuyết về các anh hùng".
Người viết tiểu sử Tolkien, Humphrey Carpenter, lập luận rằng ông đang cố tạo ra "một thần thoại cho nước Anh" thông qua các tiểu thuyết giả tưởng của mình, bằng cách tạo ra thế giới tưởng tượng bằng chính ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa và con người Anh.
Tolkien đã làm được điều này không chỉ dựa trên hiểu biết về ngôn ngữ và văn học Anh cổ và trung cổ, mà còn dựa trên những ngôn ngữ có ảnh hưởng tới sự phát triển văn hóa và lịch sử Anh, chẳng hạn như tiếng Phần Lan, xứ Wales, Bắc Âu cổ, tiếng Đức trung và thượng cổ.
Ông yêu thích các ngôn ngữ - cả cổ xưa và hiện đại - cũng như thông thạo nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Phần Lan, Wales, Latin, Hy Lạp, Do Thái, Đan Mạch, Bắc Âu cổ, Anh cổ và Iceland cổ cùng các ngôn ngữ Tiên mà ông sáng tạo nên là Quenya và Sindarin với từ nguyên đầy đủ.
Tolkien đã viết một bức thư vào năm 1951 về khao khát "tạo ra một tác phẩm ít nhiều có liên quan tới huyền thoại, ở phạm vi rộng lớn từ nguồn gốc vũ trụ tới những câu chuyện cổ tích lãng mạn". Ông muốn "cống hiến nó một cách đơn giản cho nước Anh, tổ quốc của tôi".
"Một thần thoại cho nước Anh"
Người viết tiểu sử Tolkien, Humphrey Carpenter, lập luận rằng ông đang cố tạo ra "một thần thoại cho nước Anh" thông qua các tiểu thuyết giả tưởng của mình, bằng cách tạo ra thế giới tưởng tượng bằng chính ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa và con người Anh.
"Ngươi sẽ không qua được"
Nguồn cảm hứng cho "thần thoại nước Anh" này là thế giới trung cổ mà Tolkien biết rất rõ thông qua các nghiên cứu học thuật của mình. Cụ thể, một chủ đề mà ông chọn từ các tác phẩm văn học trung cổ - và sẽ xuyên suốt thế giới hư cấu của ông - là sự gan dạ liều lĩnh và lòng dũng cảm anh hùng mà nhiều nhân vật chính thời trung cổ thể hiện.
Trong tiểu luận Beowulf: The Monsters And The Critics (1936) của mình, Tolkien gọi kiểu phản ứng này là "lòng dũng cảm phương Bắc". Là "phương Bắc" bởi lòng dũng cảm này rất phổ biến trong các truyện cổ Bắc Âu mà Tolkien quen thuộc. Nó phát triển ở các quốc gia Bắc Scandinavi giữa thế kỷ 9 và 13. Khái niệm này thể hiện rõ ràng nhất trong một câu từ quyển thơ cổ Anh, The Battle Of Maldon (năm 991 sau Công nguyên): "Ý chí sẽ nghiêm ngặt hơn, trái tim sẽ dũng cảm hơn, tinh thần sẽ vĩ đại hơn khi sức mạnh của chúng ta suy yếu đi".
Nói một cách đơn giản, lòng dũng cảm phương Bắc là khi một người dũng cảm và kiên trì, dù biết rằng sớm muộn gì cũng không tránh khỏi thất bại. Khi xây dựng "thần thoại nước Anh" của mình, Tolkien dựa trên những bài thơ thời trung cổ như Beowulf và The Battle Of Maldon bởi ông lập luận rằng người Anh thời cổ đại "cơ bản là có tính anh hùng tương tự".
Lòng dũng cảm phương Bắc này thấy rõ trong The Lord Of The Rings, khi nhân vật Gandalf đối đầu với quái vật huyền thoại Balrog trên cầu Khazad-Dum. Khi chắn Balrog - và hét lên câu nói nổi tiếng "Ngươi sẽ không qua được" - Gandalf từ chối cho phép kẻ thù băng qua cây cầu và "câu giờ" cho những người còn lại trong nhóm trốn thoát. Ông đã thể hiện lòng dũng cảm cao cả và sự kiên trì khi đối mặt với thất bại không thể tránh khỏi.
Lần khác, nhân vật chính Bilbo và Frodo Baggins đã thể hiện lòng dũng cảm khi sẵn sàng rời bỏ vùng Shire ấm cúng để thực hiện nghĩa vụ anh hùng lớn lao. Chuyện này có thể tóm tắt đúng nhất trong cuộc trò chuyện giữa Frodo với Gandalf. "Cháu ước gì chuyện này không xảy ra vào thời của mình" - Frodo nói. "Ông cũng vậy" - Gandalf nói - "Và ai sống trong những thời đại đó cũng mong vậy. Nhưng đó không phải chuyện họ có thể quyết định. Tất cả những gì chúng ta có thể quyết định là phải làm gì trong thời của mình".
Lời của vị phù thủy thấm đẫm lòng can đảm phương Bắc. Nó nhấn mạnh rằng chúng ta phải vượt qua những thử thách xảy đến trong thời đại của mình.
50 năm sau cái chết của Tolkien, tinh thần dũng cảm phương Bắc đó vẫn tồn tại như một khái niệm đầy lôi cuốn. Điều khiến thế giới kỳ ảo của Tolkien trở nên hấp dẫn là gợi ý lặp đi lặp lại rằng lòng dũng cảm trong The Hobbit và The Lord Of The Rings giúp các nhân vật đánh bại quái vật to lớn cũng chính là lòng dũng cảm có thể tìm thấy trong những tình huống vô vọng ở thời đại ít khốc liệt hơn.
Cha đẻ của văn học giả tưởng hiện đại
John Ronald Reuel Tolkien (3/1/1892 - 2/9/1973) là nhà văn, nhà ngữ văn học người Anh. Ông là tác giả của loạt tác phẩm giả tưởng đỉnh cao là The Hobbit và The Lord Of The Rings.
Sau khi ông qua đời, con trai Christopher đã xuất bản loạt tác phẩm dựa trên những ghi chép sâu rộng cùng những bản thảo chưa xuất bản của ông, bao gồm The Simarillion. Những tác phẩm này, cùng với The Hobbit và The Lord Of The Rings, tạo nên tập hợp gắn kết các câu chuyện, thơ, lịch sử hư cấu, ngôn ngữ được phát minh, và tiểu luận văn học về một thế giới giả tưởng tên là Arda… Từ năm 1951 tới 1955, Tolkien áp dụng thuật ngữ huyền thoại cho phần lớn các tác phẩm của mình.
Trong khi có nhiều tác giả khác đã phát hành truyện giả tưởng trước Tolkien, thành công rực rỡ của The Hobbit và The Lord Of The Rings trực tiếp đưa tới sự hồi sinh rộng khắp cho thể loại này. Do đó, ông được coi là "cha đẻ" của văn học giả tưởng hiện đại - hay chính xác hơn, của thể loại giả tưởng cao cấp.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất