28/04/2025 19:58 GMT+7 | Tin tức 24h
Cách đây tròn 50 năm, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân khu 2 nằm trong đội hình binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 (nay là Quân khu 2), là lực lượng đi đầu cùng với xe tăng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập.
191603-ttn0428001
Trung tướng Phạm Xuân Thệ (khi đó là Trung đoàn phó Trung đoàn 66) và đồng đội đã đưa Tổng thống Dương Văn Minh ra đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Trong không khí hào hùng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 28/4, những người đồng đội ngày nào đã gặp lại nhau ở Hội trường Thống Nhất (khu Di tích lịch sử Dinh Độc Lập) để ôn lại kỷ niệm không thể nào quên.
Bức ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập của Nhà báo Trần Mai Hưởng TTXVN
Nằm trong ban liên lạc của Trung đoàn 66 nên ngay từ sáng sớm, ông Nguyễn Khắc Nhu (tên thật là Nguyễn Văn Nhu, nguyên là trợ lý tác chiến tại Trung đoàn bộ binh 66) đã có mặt tại Hội trường Thống Nhất để làm công tác đón tiếp đoàn cựu chiến binh, các cán bộ, chiến sĩ và người nhà cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 66. Dù tất bật nhiều công việc, ông Nhu vẫn tranh thủ trò chuyện, ôn lại kỷ niệm với các đồng đội cùng chiến tuyến một thời. Ông Nhu vẫn nhớ như in ngày 30/4 lịch sử, khi ấy đơn vị của ông là Trung đoàn Bộ binh 66, do Trung đoàn phó, Đại úy Phạm Xuân Thệ (nay là Trung tướng Phạm Xuân Thệ) trực tiếp chỉ huy đã vượt qua nhiều cánh cửa sắt, tiêu diệt các ổ đề kháng dọc đường để tiến thẳng vào Dinh Độc Lập.
Khi đoàn quân đến Dinh Độc Lập, xe tăng thứ nhất húc cổng phụ thì chết máy, xe tăng thứ hai xông lên húc đổ cổng chính, giúp xe chở ông Nhu cùng Trung tướng Phạm Xuân Thệ chạy vòng thẳng vào Dinh.
“Lúc ấy, chúng tôi không được chuẩn bị tinh thần sẽ đối mặt với Tổng thống Dương Văn Minh, nhưng ngay lập tức đã ứng phó với tình hình và quyết định đưa ông Minh đến Đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Không có thời gian để vui, chúng tôi phải tập trung cao độ, đảm bảo an toàn cho ông Minh đọc xong tuyên bố đầu hàng, chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt, để tránh thương vong, đổ máu tiếp tục”, ông Nhu nhớ lại.
Sau 50 năm, đến nay những người cựu chiến binh của Trung đoàn 66 vẫn không thể nào quên được thời khắc lịch sử khi nhìn thấy lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu thắng lợi vĩ đại của dân tộc, kết thúc 20 năm chiến tranh ròng rã. Ông Nguyễn Hòa Bình lúc ấy cũng là lính thông tin, tiến vào Dinh ngay sau thời khắc lịch sử, vỡ òa niềm vui chiến thắng. Nhưng cũng chính giây phút ấy, ông Bình đã không thể cầm được nước mắt khi nghĩ tới những đồng đội của mình vừa ngã xuống ngay trước giờ độc lập.
“Chúng tôi may mắn nhờ sự hy sinh của các đồng đội đi trước thì mới có thể thẳng tiến vào Sài Gòn, vào Dinh Độc Lập. May mắn hơn nữa là chúng tôi được đánh trận cuối cùng của một chặng đường dài quật cường của nhân dân cả nước, với biết bao hy sinh, tổn thất. Chúng tôi là lớp người đi sau bao nhiêu thế hệ đã nằm xuống và đi trước thế hệ hiện nay, mong các bạn hiểu được lịch sử của đất nước, sự hy sinh của cha ông, để nỗ lực, góp sức xây dựng Tổ quốc”, ông Bình xúc động chia sẻ.
Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhấn mạnh, thành quả, chiến công của ngày hôm nay, thuộc về những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh để cho đất nước được thanh bình và phát triển. Tri ân và luôn khắc ghi những người đồng đội đã ngã xuống, Trung tướng Phạm Xuân Thệ cũng nêu cao tinh thần người lính "bộ đội Cụ Hồ", bản lĩnh trong thời chiến, phấn đấu trong thời bình, nhưng không bao giờ quên đồng đội sát cánh một thời.
“Ngày này cách đây 50 năm chúng ta còn đang truy kích địch ở khu căn cứ Nước Trong. Ngày 30/4 chúng ta còn chiến đấu trận cuối cùng ở cầu Sài Gòn, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 66 có khoảng gần 20 đồng chí hy sinh trên chiến trường từ Long Thành về đây. Ngày hôm nay tôi rất xúc động được gặp rất nhiều đồng đội từ ngày xưa cùng tham gia chiến dịch. Và chúng tôi luôn tri ân, tưởng nhớ những người đồng đội của mình đã ngã xuống!”, Trung tướng Phạm Xuân Thệ chia sẻ.
Cũng là cán bộ trưởng thành từ Trung đoàn 66, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam bày tỏ niềm xúc động được có mặt ở đây, cùng với các cựu chiến binh ngày nào, được lắng nghe những câu chuyện kể về lối đánh thần tốc, táo bạo của Trung đoàn bấy giờ. Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa nhấn mạnh: “Các bác, các chú ngồi đây là thế hệ anh hùng của một Việt Nam anh hùng. Cách đánh của Quân đoàn 2 là cách đánh độc đáo, xứng đáng là bài học kinh nghiệm quý giá để thế hệ ngày nay học tập. Ngày hôm nay chúng ta tôn vinh những anh hùng, liệt sỹ, những mẹ Việt Nam anh hùng đã dâng hiến tuổi trẻ, hy sinh thầm lặng để Việt Nam có được độc lập hòa bình hôm nay, đó là điều rất xúc động”.
Những tấm gương hi sinh thầm lặng, máu xương của cha ông, của những anh hùng, liệt sĩ sẽ được thế hệ trẻ viết tiếp bằng lòng biết ơn, bằng sức trẻ dựng xây đất nước.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất