50 năm Thống nhất đất nước: Những nghệ sĩ tiêu biểu vừa được Thành ủy TP.HCM vinh danh

22/04/2025 12:34 GMT+7 | Văn hoá

Thành ủy TP.HCM vừa thống nhất danh sách tôn vinh 60 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố giai đoạn 1975-2025. 

Trong số đó, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có sự góp mặt của những tên tuổi lừng danh như Giáo sư, Tiến sĩ Âm nhạc Trần Văn Khê, NSND Kim Cương, NSND Phùng Há, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu... 

Mỗi người trong số họ đã để lại dấu ấn sâu sắc, góp phần làm giàu đẹp đời sống văn hóa nghệ thuật của TP. HCM và cả nước.

50 năm Thống nhất đất nước: Những nghệ sĩ tiêu biểu vừa được Thành ủy TP.HCM vinh danh  - Ảnh 1.

Từ trái qua: Giáo sư, Tiến sĩ Âm nhạc Trần Văn Khê, NSND Kim Cương, NSND Phùng Há, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu

GS-TS âm nhạc Trần Văn Khê: “Cây đại thụ” của âm nhạc dân tộc Việt Nam

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới. Ông sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). 

6 tuổi ông đã biết chơi đàn Kìm, 8 tuổi biết chơi đàn Cò, 12 tuổi biết đàn Tranh, đánh trống. Ông đã tham gia kháng chiến, sau khi sang Pháp du học năm 1949. Ông là người Việt Nam đầu tiên đậu Tiến sĩ Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án "Âm nhạc truyền thống Việt Nam". Ông cũng là Giáo sư Trường đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc. 

Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công lớn quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.  Sau 50 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Pháp, năm 2006 ông trở về sinh sống và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc dân tộc tại Việt Nam. 

Ông cũng là người đã hiến tặng cho Thành phố Hồ Chí Minh 420 kiện hiện vật quý, trong đó có nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc. 

Trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình, Giáo sư Trần Văn Khê đã giành được nhiều giải thưởng lớn gồm: Giải thưởng lớn Hàn lâm Viện Đĩa hát Pháp, Giải thưởng Đại học Pháp, Giải thưởng Dân tộc nhạc học năm 1960 và 1970, tiến sĩ danh dự về Âm nhạc Đại học Ottawa (Canada, 1975), Giải thưởng lớn về Âm Nhạc UNESCO và Hội Đồng quốc tế Âm nhạc (1981), Huân chương Nghệ thuật và Văn chương Cấp Officier, Bộ Văn hóa Chính phủ Pháp tặng (1991), Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật Bản, năm 1995), Tiến sĩ danh dự về Dân tộc Nhạc học Đại học Moncton (Canada, 1999), Huy chương Vì Văn hóa Dân tộc của Bộ Văn hóa Việt Nam trao tặng năm 1998, Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch Trần Đức Lương trao tặng năm 1999, Giải thưởng Đào Tấn do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trao tặng năm 2005, Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu năm 2011.

50 năm Thống nhất đất nước: Những nghệ sĩ tiêu biểu vừa được Thành ủy TP.HCM vinh danh  - Ảnh 2.

GS-TS Trần Văn Khê tại Festival đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ Nhất – Bạc Liêu 2014. Ảnh: TTXVN

NSND Kim Cương: Biểu tượng sân khấu cải lương Nam Bộ

NSND Kim Cương sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đến 4 đời hoạt động sân khấu, hơn thế còn thuộc những thế hệ đầu tiên khai phá con đường phát triển sân khấu cải lương miền Nam với 4 tên tuổi nổi danh là Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Năm Châu.

Đầu những năm 1960, kịch nói miền Nam chính thức ra đời khi Kim Cương lập Ban thoại kịch Kim Cương. Từ đây, khán giả còn được thưởng thức một nghệ sĩ Kim Cương có lối diễn kịch rất hay với tài dẫn dắt tình cảm của khán giả một cách tự nhiên. Không những thế, chị còn có khả năng làm bầu sân khấu, làm đạo diễn (từng tu nghiệp ở Bulgaria) đều giỏi và là một tác giả viết nhiều kịch bản sân khấu đặc sắc. 

Dưới bút danh Hoàng Dũng, NSND Kim Cương đã viết trên 50 vở kịch cho đoàn kịch Kim Cương do chính chị lập năm 1960. Trong đó, có những vở kịch luôn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ khán giả như: Tôi là mẹ, Lá sầu riêng, Trà hoa nữ, Dưới hai màu áo, Huyền thoại mẹ, Vực thẳm chiều cao, Bông hồng cài áo… 

Tại Đại hội Điện ảnh châu Á 1974, ngoài giải diễn viên xuất sắc nhất, Kim Cương còn được trao giải người viết đối thoại hay nhất. Và dù là nghệ sĩ, trưởng đoàn hay viết kịch bản, và cả đạo diễn… nhưng ở vị trí nào Kim Cương cũng xuất sắc nên chị đã xứng đáng được các thế hệ khán giả mộ điệu gọi là “Kỳ nữ Kim Cương”.

NSND Kim Cương được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam”. Tháng 5/2012, “Kỳ nữ” Kim Cương vinh dự được Chủ tịch Nước trao tặng danh hiệu cao quý Nghệ sỹ Nhân dân.

50 năm Thống nhất đất nước: Những nghệ sĩ tiêu biểu vừa được Thành ủy TP.HCM vinh danh  - Ảnh 3.

NSND Kim Cương. Ảnh: TTXVN

NSND Phùng Há: Cả đời cống hiến cho nghệ thuật cải lương

Nghệ sĩ Phùng Há, tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh ngày 30/4/1911, tại huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). 

Gần một thế kỷ gắn liền với nghệ thuật cải lương, bà đã để lại những vai diễn gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ như: Lữ Bố - còn gọi là Lã Bố trong vở "Phụng Nghi Đình", Dương Quý Phi trong vở "Tình sử Dương Quý Phi", An Lộc Sơn trong vở "Đường Minh Hoàng du nguyệt điện", Nguyệt trong vở "Tô Ánh Nguyệt", Lựu trong vở "Đời cô Lựu"... Đó là giá trị vĩnh hằng của người nghệ sĩ tài hoa, mà các lớp diễn viên sau này chưa ai đạt được.

Không chỉ nổi tiếng với giọng hát xuất sắc, lối diễn xuất tinh tế, NSND Phùng Há còn góp phần to lớn trong sự nghiệp đào tạo những thế hệ nghệ sĩ cải lương của Việt Nam. Từ năm 1963, bà tham gia giảng dạy tại khoa diễn viên cải lương, trường quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn. Trong số những học trò của bà có nhiều nghệ sĩ tài danh như nghệ sĩ ưu tú: Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Sang, Thanh Thanh Hoa,...

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, NSND Phùng Há cùng NSND Nguyễn Thành Châu, NSND Ba Vân làm cố vấn cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và tham gia giảng dạy, đào tạo nên nhiều nghệ sĩ ưu tú sau này, như: Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tấn Giao, Tô Châu, Thanh Lựu, Mỹ Hằng...

Hầu hết tất cả các thế hệ nghệ sĩ được bà đào tạo đều rất yêu quý và xem bà như người mẹ thứ hai của mình. Sự xuất hiện của bà ở bất cứ nơi đâu luôn là nguồn động viên cho lớp trẻ mạnh dạn hơn trên con đường nghệ thuật của họ. Và bản thân họ cũng học hỏi được ở người nghệ sĩ gạo cội này nhiều bài học. Đó là sự linh hoạt, sáng tạo khi gặp các tình huống khó, bất ngờ, hay sự chu đáo, tận tâm, trách nhiệm với nghề.

NSND Phùng Há còn là một hình mẫu tuyệt vời về việc chăm lo đến đời sống vật chất của các đồng nghiệp có hoàn cảnh éo le. Bà là người sáng lập nên Viện Dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TP.HCM. Đây là nơi chăm lo, nuôi dưỡng các nghệ sĩ già yếu, không nơi nương tựa. Đồng thời, bà còn đóng góp, sáng lập nên chùa nghệ sĩ và nghĩa trang nghệ sĩ tại Gò Vấp, TP.HCM

Ngày 5/7/2009, người nghệ sĩ tài hoa, giàu lòng nhân ái đã ra đi, để lại một khoảng trống khó thể lấp đầy trên sân khấu Việt Nam nói chung và cải lương Nam bộ nói riêng. NSND Phùng Há là người có công lớn trong việc làm nên lịch sử sân khấu cải lương Việt Nam. Dù con tim của người nghệ sĩ tài hoa và giàu lòng nhân ái đã ngừng đập nhưng giọng ca của bà vẫn còn mãi ngân nga trong lòng người hâm mộ.

50 năm Thống nhất đất nước: Những nghệ sĩ tiêu biểu vừa được Thành ủy TP.HCM vinh danh  - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Xuân Hồng: Nhạc sĩ của mùa Xuân

Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, sinh ngày 12/12/1928, trong một gia đình yêu thích nhạc tài tử ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Từ nhỏ, Xuân Hồng đã được học âm nhạc. Xuân Hồng tham gia cách mạng và hoạt động âm nhạc từ kháng chiến chống Pháp. Nhưng đặc biệt, ông đã nổi lên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước với rất nhiều tác phẩm tiêu biểu. 

Sau Hiệp định Genève, ông trụ lại trong hàng ngũ những chiến sĩ miền Nam. Xuân Hồng vừa làm công tác giao liên vừa sáng tác ca khúc... Nhiều sáng tác của ông đã nổi lên như những hiện tượng đặc biệt: Bài ca may áoXuân chiến khuChiếc khăn tay... đầy tinh thần lạc quan cách mạng. Trong những năm khó khăn của Cách mạng miền Nam, những bài hát của ông đã thắp lên ngọn lửa hy vọng cho hàng triệu con tim.

Ông là người có công lớn dựng nền Văn nghệ Giải phóng, một thời kỳ làm Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân giải phóng và sau đấy làm Trưởng ban Văn nghệ Cục Chính trị quân Giải phóng. Thời kỳ này, ông viết Hành quân đêm (viết cùng Trí Thanh), Tiếng chày trên sóc Bom Bo... Sau thống nhất đất nước, bài Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh của Xuân Hồng đã ra đời đầy ấn tượng.

Ông là nhạc sĩ tiêu biểu của cuộc chiến tranh cách mạng, luôn luôn gần gũi với hình tượng người lính, kể cả sau này cũng vẫn vậy:Mùa xuân trên cửa sổCây đàn ghita của Đại đội 3Người mẹ Việt Nam...

Tác phẩm cuối cùng của ông viết trước khi vĩnh biệt là Nắng Sài Gòn hướng tới kỷ niệm 300 năm Sài Gòn. Ông đã nhận nhiều giải thưởng: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 2001; Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu; Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

50 năm Thống nhất đất nước: Những nghệ sĩ tiêu biểu vừa được Thành ủy TP.HCM vinh danh  - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Người nhạc sĩ của tình yêu và hòa bình

Sinh ngày 28-2-1939 tại Đắk Lắk, nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại lớn lên ở Huế và theo học Cao đẳng sư phạm tại Quy Nhơn. Có lẽ chính vì vậy mà tâm hồn nhạy cảm của người nhạc sĩ chuyên về tình ca này đều mang dấu ấn về những mảnh đất ông từng sống, và từng đi qua như định mệnh. Không có ham muốn trở thành nghệ sĩ nhưng cái duyên với âm nhạc đã đưa ông trở thành một nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam. 

Khởi đầu sự nghiệp sáng tác âm nhạc vào năm 18 tuổi với ca khúc đầu tay Ướt mi, rồi từ đó tận hiến cuộc đời mình cho nghệ thuật, Trịnh Công Sơn và các ca khúc của ông đã tạo nên một bộ phận giá trị không thể tách rời trong dòng chảy ca khúc trữ tình Việt Nam thế kỷ XX. 

Ngoài ra, Trịnh Công Sơn đã tạo được một dòng nhạc phản chiến qua các ca khúc trong tập “Ca khúc Da vàng”, “Ta phải thấy mặt trời”... góp phần trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của sinh viên, học sinh các đô thị miền Nam thời tạm chiếm. Đặc biệt, ca khúc “Nối vòng tay lớn” đã được chọn hát trên đài phát thanh Sài Gòn ngay trưa 30/4/1975, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. 

Sau ngày đất nước thống nhất, Trịnh Công Sơn tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng gắn liền với những giai đoạn chuyển mình của dân tộc như: “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Em ở nông trường em ra biên giới”, “Huyền thoại Mẹ”, “Thành phố Mùa xuân”, “Nhớ mùa thu Hà Nội”, “Sóng về đâu”, “Một cõi đi về”... 

Trịnh Công Sơn còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ dù không chuyên. Tại Huế - nơi nhiều yêu thương đối với ông - có con đường mang tên ông - Trịnh Công Sơn. Các giải thưởng âm nhạc: - Năm 1972, ông đoạt giải thưởng Đĩa Vàng ở Nhật Bản với bài “Ngủ đi con” (trong tập “Ca khúc Da vàng”). Năm 1979, hãng đĩa Nippon Columbia thu băng các nhạc phẩm của ông và ca khúc “Ngủ đi con” trở thành một nhạc phẩm được yêu thích ở Nhật Bản. - Giải thưởng cho Bài hát hay nhất trong phim “Tội lỗi cuối cùng”. - Giải Nhất của cuộc thi “Những bài hát hay nhất sau 10 năm chiến tranh” với bài “Em ở nông trường, em ra biên giới”. - Giải Nhất cuộc thi “Hai mươi năm sau” với bài “Hai mươi mùa nắng lạ”. - Năm 1997 ông đoạt Giải thưởng lớn của Hội nhạc sĩ cho một chuỗi bài hát: “Xin trả nợ người”, “Sóng về đâu”, “Em đi bỏ lại con đường”, “Ta đã thấy gì hôm nay”. - Trịnh Công Sơn có tên trong tự điển bách khoa Pháp Encyclopédie de tous les pays du monde (Coll. Les Millions).

50 năm Thống nhất đất nước: Những nghệ sĩ tiêu biểu vừa được Thành ủy TP.HCM vinh danh  - Ảnh 6.

Họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu: Người kiến tạo mỹ thuật TP Hồ Chí Minh

Diệp Minh Châu là một trong những gương mặt lớn của nền hội họa Việt Nam hiện đại. Không chỉ là một họa sĩ thành công với đề tài Bác Hồ, đề tài miền Nam, Diệp Minh Châu còn là nhà điêu khắc tên tuổi trong giới nghệ thuật tạo hình. Nhiều tác phẩm của ông đã đi vào lịch sử, trở thành tài sản quý của nhiều bảo tàng mỹ thuật lớn trong nước.

Ông sinh ngày 10-2-1919, quê ở làng Nhơn Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Năm 1940, ông đỗ thủ khoa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, một trong hai trường mỹ thuật có quy mô nhất châu Á thời ấy. Những bức tranh: “Trăng thu”, “Nhớ mong”, “Hương sắc”… bắt đầu gây được sự chú ý của giới làm tranh và người thưởng ngoạn mỹ thuật. Các giải thưởng quý giá mang ý nghĩa động viên tinh thần chàng họa sĩ trẻ xứ Dừa liên tiếp đến với ông trong các lần Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, qua những tác phẩm: “Văn Miếu” (Huy chương Đồng-1942), “Cầu nguyện” (Huy chương Bạc-1943).

Cách mạng Tháng Tám như một làn gió mới làm thay đổi mọi cuộc đời của Diệp Minh Châu. Cùng với bao nhiêu sinh viên học sinh, thanh niên tiến bộ 3 miền, Diệp Minh Châu tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Ông vừa hăng hái tham gia Phong trào Truyền bá Quốc ngữ, vừa chăm lo vẽ bìa cho các bản hùng ca của Lưu Hữu Phước và thiết kế mỹ thuật cho các đêm trình diễn của ban kịch Tổng hội Sinh viên Hà Nội.

Dù là nghệ sĩ cầm cọ, trong hoàn cảnh chiến tranh, Diệp Minh Châu vẫn hăng hái hoạt động trong phong trào yêu nước và sát cánh theo từng bước đi của nhân dân trong cuộc đấu tranh trừ giặc giữ nước. Được đi theo những đơn vị Vệ quốc đoàn, đến nhiều nơi như: Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre, Sa Đéc và vùng Đồng Tháp Mười. Cây cọ vẽ của ông lại có dịp ghi lại những cảnh lao động, sản xuất, bố phòng, hành quân như: "Phong cảnh Đồng Tháp Mười", "Lớp học bình dân trong lán ven rừng", "Qua rừng Lá", "Du kích qua làng", "Chiến sĩ rẽ lau" v.v..

Diệp Minh Châu luôn hướng tâm hồn về quê hương miền Nam ruột thịt. Ông đã vẽ nhiều tranh, tượng phản ánh cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất của quê hương như : “Võ Thị Sáu trước quân thù”, “Lòng người miền Nam”, “Căm thù Phú Lợi”, “Miền Nam bất khuất”, “Miền Nam thành đồng”, “Người mẹ miền Nam”... Ngoài ra, hàng chục bức tượng Bác Hồ khắp nơi mang dấu ấn Diệp Minh Châu như: tượng tròn thạch cao "Bác Hồ bên suối Lênin", tượng đồng "Bác Hồ với thiếu nhi"...

Hơn 60 năm lao động, họa sĩ-nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đã sáng tác hàng ngàn bức tranh, tượng. Riêng về đề tài Bác Hồ, ông để lại hơn 200 tác phẩm. Sau ngày thống nhất nước nhà, nghệ sĩ vẫn miệt mài sáng tạo và dành những thì giờ quý hiếm của tuổi cao để tiếp tục dìu dắt đào tạo những nghệ sĩ hậu duệ với tinh thần không hề biết mệt mỏi.

Ông mất ngày 12/7/2002, hưởng thọ 83 tuổi. Cuộc đời, tác phẩm, nhân cách của của hoạ sỹ Diệp Minh Châu lớn lên theo dòng lịch sử. Ông là chứng nhân của thời đại, là người chép lại những trang sử vẻ vang của dân tộc ta bằng những tác phẩm mãi trường tồn. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc Lập, Huy chương Kháng chiến, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I. Tên của ông cũng đã được giới thiệu trong Bách khoa toàn thư Châu Âu.

50 năm Thống nhất đất nước: Những nghệ sĩ tiêu biểu vừa được Thành ủy TP.HCM vinh danh  - Ảnh 7.

Những nghệ sĩ tiêu biểu được tôn vinh lần này không chỉ là những cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn là những người có tấm lòng vì sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của TP. HCM và cả nước. 

Sự tôn vinh họ là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp bền bỉ, sâu sắc trong suốt 50 năm qua, góp phần làm nên diện mạo văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc của thành phố mang tên Bác.

Trong số 60 cá nhân tiêu biểu có 31 người đã mất, được Thành ủy TP Hồ Chí Minh thống nhất tôn vinh vì thành tích đặc biệt xuất sắc, nhiều cống hiến cho cộng đồng và xã hội trong suốt 50 năm qua.

Các cá nhân tiêu biểu được xét chọn trên 7 lĩnh vực gồm: 13 cá nhân lĩnh vực chính trị, quản lý nhà nước; 12 cá nhân lĩnh vực hoạt động xã hội; 11 cá nhân lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ; 10 cá nhân lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; báo chí truyền thông; 5 cá nhân lĩnh vực kinh tế; 4 cá nhân lĩnh vực quốc phòng - an ninh; 5 cá nhân lĩnh vực dân tộc, tôn giáo.

Phạm Huy (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link