27/07/2011 14:25 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Giới chức Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tuần trước thông báo tàu thăm dò sao Hỏa tiếp theo của họ sẽ hạ cánh xuống một miệng núi lửa, với nhiệm vụ vô cùng quan trọng: tìm kiếm dấu vết của sự sống và bằng chứng cho thấy khu vực này từng có các điều kiện cần thiết để hỗ trợ sinh vật.
NASA quyết định rằng miệng núi lửa Gale đã được chọn làm điểm đỗ lý tưởng của chương trình tàu thăm dò Curiosity (Sự tò mò) trị giá 2,5 tỷ USD, sau các cuộc xem xét đánh giá kỹ lưỡng hàng chục điểm đỗ khác nhau.
Điểm đỗ tiềm năng
Các nhà khoa học đã từng liệt kê 60 địa điểm hạ cánh tiềm năng, trước khi một danh sách ngắn chốt lại còn 4 địa điểm. Hồi tháng 5 năm nay, các nhà khoa học đã giảm số địa điểm hạ cánh xuống còn 2 là Gale và miệng núi lửa Eberswalde. Tiếp đó họ đưa các đề cử của mình lên cho lãnh đạo NASA phê duyệt, theo đó Gale đã được chọn.
Gale có đường kính khoảng 150km và khoảng 3,5 - 3,8 tỷ năm tuổi. Nó được đặt tên theo nhà thiên văn học người Australia Walter Frederick Gale. Gale cũng từng được đưa vào danh sách lựa chọn làm điểm hạ cánh của các tàu thăm dò Spirit và Oppotunities của Mỹ hồi năm 2003. Tới năm 2007, nó tiếp tục được đưa vào danh sách thăm dò trong chương trình ExoMars của Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu (ESA).
Địa điểm mà Curiosity sẽ hoạt động là chân một ngọn núi cao chừng 4,8km nằm trong miệng núi lửa Gale. Giới khoa học tin rằng cấu trúc địa chất của ngọn núi có nhiều lớp trầm tích đã 2 tỷ năm tuổi, có thể mang lại câu trả lời cụ thể về quá khứ của hành tinh Đỏ. Ngoài ra khu vực này cũng có những vết cắt lớn giống ở Hẻm núi lớn tại trái đất, dường như đã được tạo nên nhờ các dòng nước chảy khổng lồ.
Ngoài ra, các nghiên cứu trước đây từ những tàu vũ trụ bay vòng quanh quỹ đạo sao Hỏa cho thấy khu vực này có các khoáng chất giống đất sét và muối sulfate, vốn được hình thành dưới sự hiện diện của nước. Chúng tập trung nhiều trong các lớp trầm tích cũ nằm dưới chân ngọn núi. “2 chất trên là những khoáng chất quan trọng có thể cho chúng ta biết về môi trường sống trên sao Hỏa và sự tương tác của nước với môi trường đó” - Dawn Sumner, một nhà địa chất tại Đại học California nhận xét.
Tàu thăm dò Curiosity hiện đang tích cực hoàn thiện
để có thể được phóng lên sao Hỏa vào cuối năm nay
Phòng thí nghiệm di động
Trung tâm của kế hoạch khám phá hành tinh Đỏ mới nhất là tàu thăm dò Curiosity. Hồi tháng 4/2008 dự án nghiên cứu tàu thăm dò sao Hỏa thế hệ mới này của Mỹ đã được cấp khoản vốn trị giá 235 triệu USD. Tính tới tháng 11/2008, hoạt động phát triển các thiết bị quan trọng gần như hoàn tất, phần lớn phần cứng của xe thăm dò này chỉ còn trải qua giải đoạn thử nghiệm. Tháng 5/2009, xe thăm dò chính thức được đặt tên là Curiosity. Cái tên này do bé Clara Ma, 12 tuổi, người Kansas nghĩ ra, khi em tham gia một chương trình đặt tên của NASA.
Curiosity vẫn được thiết kết với 6 bánh độc lập như các xe thăm dò Mars Rovers trước đây. Với thiết kế này, nó có thể di chuyển linh hoạt ở nhiều địa hình khác nhau. Tuy nhiên, đường kính bánh xe của Curiosity là khoảng 50cm, lớn gấp đôi đường kính bánh của các tàu thăm dò sao Hỏa trước đây.
Curiosity sẽ có chiều dài 2,7m và nặng 900kg, bao gồm 80kg các thiết bị khoa học, tức lớn hơn 5 lần trọng lượng các tàu thăm dò Spirit và Oppotunity. Khi đã hạ cánh an toàn, Curiosity có thể lăn qua các chướng ngại vật cao tới 0,7m. Tốc độ di chuyển đạt khoảng 30 m/giờ tùy thuộc vào địa hình.
Điểm đặc biệt là Curiosity sẽ được tiếp năng lượng bởi một máy phát điện hạt nhân RTG nhỏ giống loại đã sử dụng trên các tàu đổ bộ sao Hỏa Viking 1 và Viking 2 hồi năm 1976. Lò phản ứng sẽ cung cấp năng lượng liên tục cho Curiosity cả ngày lẫn đêm, ngoài ra nhiệt lượng thừa có thể được dùng để sưởi ấm cỗ máy khi nhiệt độ bên ngoài hạ xuống thấp tới - 127 độ C.
Ngoài ra Curiosity còn được trang bị một cánh tay robot dài 1,8m, được gắn kèm một máy khoan lớn và một kính hiển vi. Nó có khả năng khoan 5cm vào trong đất đá sao Hỏa và phân tích thành phần của mẫu bột đất đá thu được.
Curiosity sẽ là tàu thăm dò đầu tiên hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa với hệ thống hỗ trợ đáp chính xác mới. Hệ thống này có thể khiến nó đáp xuống một khu vực chỉ rộng 20km, nằm trong đường eclipse hạ cánh, so với con số 150km của các tàu Mars Rover.
Truy tìm sự sống
Trong những năm 1970, khi các tàu thăm dò Viking đang trên đường tới sao Hỏa, các nhà khoa học đã phải vất vả tìm kiếm địa điểm hạ cánh mới, sau khi địa điểm ban đầu được cho là quá nguy hiểm. Cả 2 con tàu sau này đều đã hạ cánh an toàn.
Khi các tàu thăm dò Spirit và Opportunity hạ cánh xuống hai phần khác nhau của sao Hỏa hồi năm 2004, Opportunity đã may mắn đáp xuống một khu vực có nhiều đặc điểm địa chất mà nhiệm vụ của nó yêu cầu, như những tảng đá cho thấy bằng chứng về quá khứ ẩm ướt của hành tinh Đỏ. Tuy nhiên Spirit phải chạy qua một quãng đường dài mới có thể thực hiện các nghiên cứu khoa học.
Curiosity, dự kiến sẽ được phóng vào tháng 11 hoặc 12 năm nay bằng tên lửa Atlas V và sẽ tới đích vào tháng 8/2012. Các nhà khoa học hy vọng Curiosity có thể giúp trả lời các câu hỏi về môi trường sống trên sao Hỏa trong quá khứ; vì sao bề mặt nó đi từ chỗ ẩm ướt tới chỗ trở thành các hoang mạc lạnh lẽo và liệu ngày nay hành tinh Đỏ có còn một môi trường đủ khả năng hỗ trợ sự sống cho những sinh vật cấp vi bào hay không.
Gia Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất