AFF Cup nhìn từ V-League

21/11/2022 05:41 GMT+7 | Bóng đá Việt

Bây giờ mà nói chuyện AFF Cup 2022 có vẻ hơi lạc đề khi World Cup đã khai hội, nhưng nếu chúng ta nhìn vào lịch trình, thì ngay sau World Cup kết thúc chỉ 2 ngày, đội tuyển Việt Nam sẽ ra sân đá trận đầu tiên với Lào. Nếu không có World Cup, thì bây giờ AFF Cup đã nóng bừng bừng rồi.

1. Night Wolf V-League 2022 vừa khép lại với chức vô địch thuộc về Hà Nội FC, lần thứ 6 trong lịch sử chỉ vỏn vẹn 16 năm khởi đầu từ giải hạng Ba cho đến chuyên nghiệp của họ.

Đội bóng rớt hạng là Sài Gòn FC, đội mà 6 năm trước vốn là Hà Nội B thăng hạng V-League và chuyển "hộ khẩu" vào Sài Gòn. Năm 2022 cũng tròn 20 năm mà giải vô địch quốc gia Việt Nam chuyển tên thành V-League, đánh dấu kỳ giải cuối cùng mà V-League sẽ thi đấu theo thể thức và thời gian quen thuộc.

Năm 2023, V-League đá 2 giai đoạn và sau đó, sẽ đá vắt thành 2 năm theo tiêu chuẩn chung của phần lớn bóng đá chuyên nghiệp thế giới.

V-League 2022 có gì hay và liên quan đến AFF Cup? Thứ nhất, vẫn là câu chuyện của Hà Nội FC. Đội bóng này thường xuyên đóng góp 7-10 cầu thủ cho đội tuyển quốc gia và U23 suốt từ năm 2018 đến nay.

Việc họ vô địch lần thứ 6, là một yếu tố đáng mừng cho đội tuyển. Một đội tuyển mạnh, thường có đa số cầu thủ đến từ đội bóng mạnh nhất của giải VĐQG, nên việc các cầu thủ Hà Nội FC chiếm đa số ở đội tuyển cho thấy khả năng duy trì phong độ của thầy trò HLV Park Hang Seo là không có gì phải lo.

Kế đến, Hà Nội FC vô địch theo một cách thong dong. Họ ghi nhiều bàn nhất, đó là một chi tiết quan trọng đối với đội tuyển. Cũng như Hà Nội FC, vai vế của đội tuyển Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á giờ là "cửa trên", tức là luôn phải chơi thế trận áp đặt hoặc buộc phải tấn công toàn lực trước các đối thủ chủ yếu chuyển sang chơi phòng ngự.

Tại AFF Cup 2020, thầy trò HLV Park Hang Seo đã gặp rắc rối vì điều này do quen chơi phòng ngự phản công khi đá với các đối thủ quá tầm ở vòng loại World Cup 2022. Thế nên, với đội hình nòng cốt là các cầu thủ Hà Nội FC, đội tuyển sẽ chơi đúng nhịp hơn tại AFF Cup 2022.

Trong Top 10 cầu thủ ghi bàn hàng đầu của V-League có đến 4 tuyển thủ quốc gia là Tiến Linh, Tuấn Hải, Văn Toàn và Phan Văn Đức. Nếu cộng thêm Nguyễn Văn Quyết xếp ở vị trí thứ 11 thì có thể nói là khâu tấn công của đội tuyển đáng an tâm. Rất hiếm khi số cầu thủ Việt Nam lại chiếm gần 50%  danh sách ghi bàn, tức là cạnh tranh sòng phẳng với các ngoại binh. Điều này sẽ giúp cho thế trận tấn công (gần như bắt buộc) của đội tuyển tại AFF Cup thêm nhiều giải pháp.

2. V-League kết thúc chỉ trước AFF Cup hơn 1 tháng, cũng là một thông tin tốt. Mùa giải vừa qua, các cuộc đua ở cả đỉnh và đáy đều gây cấn đến tận vòng đấu áp chót. 

Như vậy, nhịp chơi bóng của các cầu thủ sẽ không bị ngắt quãng quá lâu. Phong độ của họ, nếu không gặp chấn thương bất ngờ nào, sẽ vẫn còn nguyên vẹn. Một tháng chuẩn bị cho AFF Cup khá vừa vặn, có một chút thời gian nghỉ ngơi hồi phục nhưng vẫn không mất đi cảm giác chơi bóng đỉnh cao.

AFF Cup nhìn từ V-League - Ảnh 1.

Với những chân sút chủ lực của Hà Nội FC như Văn Quyết (phải) hay Tuấn Hải (trái), về lý thuyết, đội tuyển Việt Nam có thể yên tâm về bài toán hàng tấn công ở AFF Cup 2022. Ảnh: Hoàng Linh

Có một điều rất đáng mừng tại V-League 2022 đó là dù rất khắc nghiệt, thi đấu với mật độ dồn dập ở giai đoạn cuối, nhưng không có những chấn thương nào nghiêm trọng xảy ra với các tuyển thủ quốc gia.

Năm 2020, chỉ thiếu mỗi Đỗ Hùng Dũng thôi mà Việt Nam đã mất đi sự cân bằng, điều dễ dàng nhận thấy ở trận bán kết lượt đi thua Thái Lan. Công hay, thủ tốt nhưng tuyến giữa không điều phối được nhịp chơi thì khó mà đi xa.

Tại V-League 2022, các tiền vệ quan trọng về chiến thuật như Nguyễn Hoàng Đức, Đỗ Hùng Dũng hay Phan Văn Đức đều giữ được phong độ. Một chút lăn tăn có lẽ nằm ở vị trí của Nguyễn Quang Hải, người không có nhiều thời gian chơi bóng tại Pau FC.

Có thể HLV Park Hang Seo sẽ sử dụng tiền vệ này cho các khoảnh khắc mang tính đột biến cá nhân hơn là ghép anh vào một sơ đồ chiến thuật nào đó. Nguyễn Quang Hải chính là điểm đáng tiếc nhất của một V-League vừa khép lại. Không có anh, Hà Nội FC vẫn vô địch, tự nhiên tầm quan trọng của Hải cũng bị suy giảm đi ít nhiều.

3. Kể từ thời Calisto và GĐT.LA, lần đầu tiên có một HLV ngoại vô địch V-League, đó là HLV Chun Jae Ho của Hà Nội FC. Và ông là người Hàn Quốc đầu tiên vô địch Việt Nam, cũng như HLV Park Hang Seo đoạt chức vô địch AFF Cup 2018 với đội tuyển. Đó là một cái duyên, cũng như chỉ dấu cho thấy VFF nên chọn HLV đến từ quốc gia nào để phù hợp với di sản mà Park Hang Seo để lại.

Đội hình Hà Nội FC rất mạnh, nhưng không thể không nói đến vai trò của HLV trưởng. Là người nước ngoài, ông Chun Jae Ho phải có những hòa nhập tích cực lắm mới duy trì được cách chơi bóng của một Hà Nội FC vốn chịu ảnh hưởng nặng từ Phan Thanh Hùng và Chu Đình Nghiêm.

Nghĩa là công lao của ông Chun không hề nhỏ. Từ Nam De Sik ở Bình Dương, đến Chung Hae Song tại CLB TP.HCM và Park Hang Seo, Chun Jae Ho, Gong Ok Kyun (U23 Việt Nam) …, các HLV người Hàn Quốc đóng góp rất lớn vào sự phát triển của bóng đá Việt Nam trong 10 năm qua, và chưa có quốc gia nào làm được điều tương tự. Sự giao thoa về văn hóa, cách mà người Hàn tạo ảnh hưởng trong đại chúng ở Việt Nam, cho thấy giữa 2 quốc gia, 2 nền bóng đá có nét tương đồng để cùng phát triển.

Tuy nhiên, V-League cũng ghi nhận một loạt nhà cầm quân trẻ trung đang trỗi dậy cùng với những triển vọng sáng sủa, mang theo hơi thở về tư duy chiến thuật hiện đại. Họ là Chu Đình Nghiêm, Nguyễn Đức Thắng hay Vũ Hồng Việt. Lối chơi ở các đội bóng Hải Phòng, Bình Định hay Nam Định cũng giàu sức sống, tạo được cảm hứng cho khán giả, không còn mô-tuýp chạy dọc biên hay phất dài cho tiền đạo ngoại xử lý tầm cao. Những cầu thủ trẻ dưới tay họ cũng phát triển rất nhanh, như trường hợp của dàn cầu thủ HAGL cho Hải Phòng mượn chơi tốt hơn hẳn các đàn anh vẫn đang khoác áo đội bóng Pleiku.

V-League đã khép lại, AFF Cup mở ra và sau đó là mùa giải 2023 đã rất gần. Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại ở trong một mật độ thi đấu gần như không nghỉ như vậy. Đó là một phần của sự phát triển, ai không theo kịp thì sẽ bị đào thải, như câu chuyện về Sài Gòn FC, đội bóng đang bơ vơ không biết "sống chết" ra sao cả. 

HLV Park Hang Seo đã công bố danh sách 31 tuyển thủ đội tuyển Việt Nam tập trung chuẩn bị cho AFF 2022. Theo kế hoạch, các cầu thủ có trong danh sách triệu tập lên đội tuyển Việt Nam sẽ có mặt tại Hà Nội vào ngày 23/11, trừ những trường hợp còn thi đấu vòng bán kết và chung kết Cúp quốc gia ở các CLB HAGL, Hà Nội, Topenland Bình Định. Riêng tiền vệ Quang Hải đang khoác áo CLB Pau tại giải hạng hai Pháp dự kiến sẽ trở về nước vào ngày 15/12.

Đội tuyển Việt Nam sẽ tập luyện tại sân Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Việt Nam bắt đầu từ ngày 23/11, tới ngày 30/11, thầy trò ông Park sẽ có trận đấu giao hữu quốc tế với CLB Borussia Dortmund trên SVĐ Mỹ Đình.

Đây là trận đấu được BHL đội tuyển đánh giá rất cao, bởi ngoài ý nghĩa về mặt trình diễn bóng đá với sự góp mặt của các cầu thủ đẳng cấp của hai đội, thì việc thi đấu với đại diện hùng mạnh đến từ Bundesliga cũng là cơ hội để đội tuyển Việt Nam có sự khởi động hiệu quả cho hành trình hướng tới AFF Cup 2022.

Kết thúc trận đấu với Borussia Dortmund, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ di chuyển vào Bà Rịa - Vũng Tàu để tập huấn trong khoảng thời gian từ ngày 2/12 đến 10/12. Sau đó, đội tuyển di chuyển trở lại Hà Nội để chuẩn bị cho trận đấu giao hữu quốc tế gặp đội tuyển Philippines, dự kiến diễn ra trên SVĐ Hàng Đẫy vào ngày 14/12.

Trận đấu này được xem là màn "tổng duyệt" đối với đội tuyển Việt Nam trước khi HLV Park Hang Seo chốt danh sách chính thức cho chiến dịch AFF Cup 2022. Ngày 17 hoặc 18/12, đội sẽ lên đường sang Vientiane (Lào) để chuẩn bị cho trận ra quân tại bảng B gặp chủ nhà Lào, diễn ra vào ngày 21/12/2022.


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link