Đến triển lãm nghe 'con nghiện trình bày'

13/09/2013 15:19 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều người nghiện đã thực lòng muốn cai, nhiều người khác đã cai nghiện ma túy thành công. Song đường hoàn lương của những nghiện ma túy đa phần đều bị chắn lối bởi định kiến. Nhưng bằng việc có thể “trình bày” khát vọng đời mình qua nhiếp ảnh, có những người nghiện đã tìm được đường về.

Đó là một trong những thông điệp của triển lãm ảnh “Một tôi khác” do Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế, Môi trường- iSEE cùng 14 tổ chức khác đồng tổ chức khai mạc hôm 12/9 (và kéo dài tới 22/9).

1. Đã hơn 10 năm kể từ ngày Phạm Ngọc Thạch đoạn tuyệt hoàn toàn với “cái chết trắng”, anh đã đi học cao đẳng, rồi đi làm, cưới vợ, sinh con. Song không ít người quê anh (xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội) vẫn nhìn Thạch với ánh mắt ái ngại. Bởi quá khứ 7 năm nghiện ngập thời niên thiếu như bóng đen đổ dài suốt cuộc đời Thạch.

Với những người biết quá khứ của Thạch, họ coi đời Thạch như đã hết. “Bao bọc quanh tôi là bầu không khí u uất, căng thẳng. Sự ngờ vực, “thủ thế” của những người xung quanh làm tôi cảm thấy bất an. Đã có những lúc xao động, tôi muốn tung hê tất cả.”- Thạch chia sẻ cảm giác 10 năm qua anh phải chịu.

Nhưng vợ con đã giữ chân anh. Và hơn thế, đã có những “người dưng” tìm đến Thạch. Người trao cho anh công việc hỗ trợ cai nghiện với thu nhập đủ nuôi gia đình, người khác trao cho anh chiếc máy ảnh để “kể chuyện” đời mình.

Và Thạch miệt mài chụp ảnh. Anh chụp cuộc sống quanh mình, những người nghiện và có tiền sử nghiện như mình. Anh muốn mọi người hiểu khát vọng quanh lại cuộc sống lương thiện của các anh cũng như những khó khăn chồng chất bởi kỳ thị...

Đến hôm nay, khi phần nào những bức ảnh ấy được trưng bày, Thạch vui ra mặt. Đứng bên ảnh, trước hàng chục người, anh không thuyết minh về bố cục, màu mè, ý đồ nghệ thuật...như những triển lãm ảnh chuyên nghiệp khác.

Thạch kể đơn giản: Bức ảnh chụp anh Trần Văn Lâm, sinh năm 1975, tại Gia Lâm, Hà Nội. Anh là người có tiền sử nghiện ma túy. Hiện anh đang sửa xe máy tại nhà. Anh đã có vợ và hai con nhỏ. Họ sống yên bình trong hạnh phúc giản dị. Anh cùng tôi và hàng ngàn người đã từng nghiện ma túy khác trong xã hội này đang nỗ lực từng ngày để mong xã hội thay đổi định kiến.

Anh Phạm Ngọc Thạch kể chuyện tại triển lãm

2. Những ước mơ, hi vọng, tủi hổ của Thạch là một trong số hàng trăm câu chuyện của những mảnh đời yếu thế “kể” trong triển lãm.
Cụ thể, triển lãm xuất hiện rất nhiều bức ảnh đặc biệt của những người không bao giờ chụp ảnh như những người khiếm thị; của những người lần đầu tiên cầm máy như những người dân tộc thiểu số, người bán hàng rong; của những người tưởng chừng như sẽ không bao giờ dám kể ra câu chuyện của mình như người có H, người đồng tính, song tính và chuyển giới...

Chia sẻ về lý do tổ chức triển lãm, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế, môi trường- iSEE nói:  “Định kiến xã hội không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng bằng nghệ thuật, chính bản thân những người yếu thế trong xã hội sẽ tự tin hơn. Và chúng tôi tin, những hoạt động nghệ thuật như này sẽ dần thay đổi những thiên kiến từ cộng đồng.”

“Anh Đỗ Thái Thịnh sinh năm 1974 (bên phải), sống tại Long Biên - Hà Nội, là người có tiền sử nghiện ma túy. Hiện anh là trưởng nhóm Cát Trắng hỗ trợ cho những người sử dụng ma túy tại Quận Long Biên.

Sự quyết tâm của anh và những thành viên khác trong nhóm đã vượt qua định kiến của xã hội, vươn lên để làm lại cuộc đời. Bằng công việc, anh chứng minh cho mọi người rằng người sử dụng ma túy cũng làm được những việc như bao người khác.

Theo dõi hoạt động của nhóm và anh là người lãnh đạo, tôi thấy mình thay đổi rất nhiều, tôi không phải là gánh nặng của gia đình và xã hội.”- Anh Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) cho biết.

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link