24/05/2022 11:00 GMT+7 | Giải trí
Trong khi đó, ngay khi SEA Games 31 đi qua, người hâm mộ lại hướng về hành trình đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu giải đấu cấp châu lục diễn ra trong tháng 6. Cho nên, nói Đen Vâu chọn chủ đề bóng đá, chứ không rộng hơn, là quá thông minh, và điều đó đủ để bài rap “giữ nóng” cho chủ nhân ít nhất là đủ để “đi trong mùa hè” 2022 này.
Trước mắt, tính đến tối qua, 23/5, Đi trong mùa hè đạt mốc hơn 12 triệu views trên trang cá nhân và đứng số 2 top nhạc thịnh hành của YouTube Việt Nam. Trong khi, tại Top 10 BXH Billboard Vietnam Top Vietnamese Songs tuần vừa qua, bài rap này đứng ở vị trí thứ 2.
Ca từ “chất”
Một trong những điều để khán giả chú ý đến rap là ca từ, trong khi Đen Vâu lại là một trong những rapper có ngôn ngữ riêng, có chủ đề, hình tượng và mang đậm nét Việt. Đi trong mùa hè tiếp tục được Đen Vâu phát huy sở trường của mình.
Nếu so với việc lặp đi lặp lại Mang tiền về cho mẹ tới vài lần trước khi chuyển sang ca từ nối tiếp: “Đừng mang ưu phiền về cho mẹ”, một bài rap đình đám gần đây của nam rapper này thì phần mở đầu của Đi trong mùa hè không mấy ấn tượng, nó khiến dễ liên tưởng tới văn hóa cổ động nhiều hơn, nhưng điều này lại phù hợp với một bài hát được ra đời có chủ ý hướng vào cổ vũ bóng đá.
Những ca từ “Hãy hét lên hò thật to cho vang nóng sân” cho cảm nhận không khí “nóng” của một trận bóng; trong khi lời ca “Đứng sát vai kề vào nhau như đang đóng quân” để cảm nhận được tinh thần đoàn kết cần có trong thể thao. Những ca từ tiếp theo “Dưới nắng nôi mùa hè ta không che bóng râm/ Những trái tim đập thật căng phát ra sóng âm” thêm khẳng định triệu trái tim đang chung một nhịp đập cùng hâm nóng tinh thần đoàn kết.
Dẫu thế, ca từ “chất” không hiếm mà ngược lại có thể tìm thấy nhiều trong toàn bộ bài rap này. Người viết khá ấn tượng với một cặp câu xuất hiện ở đầu Verse 1: “Một trận đấu cũng như là cuộc đời, có người đè người che và người kéo/ Hành trình đi thực hiện giấc mơ, phải thật bền, phải tin và thật khéo”. Không nói đến cách gieo vần hai từ “người kéo” và “thật khéo”, vì đây là những kỹ thuật cơ bản nhất mọi rapper đều phải thành thạo mới rap được. Ở hai câu trên có thể thấy tác giả sử dụng thủ pháp (tạm gọi là) đối sánh từ, bổ trợ nghĩa cho nhau. Ví dụ “một trận đấu như là cuộc đời” đối sánh với “hành trình đi tìm giấc mơ”, tiếp theo “có người đè” tức là có khó khăn thì “phải thật bền” tức là cần kiên trì, rồi thì “người che” tức là có những thuận lợi, hậu thuẫn thì “phải tin”, tức là có niềm tin, thêm tinh thần, khi có “người kéo” thì phải “thật khéo”.
Phần chorus, ca từ cũng rất ấn tượng, mang ý nghĩa tích cực: “Ai cũng có khát khao trong đời, vượt ngọn thác, hay đi tìm núi xa/ Từng ngày nuôi nấng ước mơ tuyệt vời, giờ là lúc vén màn bước ra” và những ca từ tiếp theo rất đẹp, giàu hình ảnh: “Mồ hôi lấp lánh như sao trời, rồi nhỏ xuống biến thành đoá hoa”.
MV "Đi trong mùa hè":
Chấp nhận “mạo hiểm”?
So sánh, mượn hình tượng này ví von với hình tượng kia với ngụ ý cho thêm phần dí dỏm và sinh động là thủ pháp chính được Đen Vâu vận dụng để xây dựng nên phần nội dung của “Đi trong mùa hè”. Cụ thể ở đây là ví von giữa hình tượng người yêu/ người vợ với người chồng yêu bóng đá và rộng hơn nữa là giữa tình yêu và cuộc sống của một cặp vợ chồng với một trận đấu bóng đá.
Đoạn ca từ khiến nhiều khán giả thấy yêu thích nhất có lẽ là: “Đường vào tim em khó khăn trắc trở/ Sau 90 phút phải thở bằng mồm/ Tính anh chả mấy khi phải sồn sồn/ Anh ứ nói nhiều: Việt Nam vô địch”. Nó gợi cho người viết có cái chất vừa thật thà, vừa say đắm lại vừa cố tỏ ra dửng dưng, có chút gì đó hơi bất cần, cục mịch nhưng lại rất đáng yêu, rõ ràng.
Tới đây có lẽ còn thấy không đơn thuần là cuộc chơi “bóng đá”, mà rõ ràng Đen Vâu đang vào một cuộc chơi đầy màu sắc, nhưng cũng vô cùng mạo hiểm đó là cuộc chơi của văn hóa.
Này nhé, khi đọc đến ca từ “Anh ứ nói nhiều”, người viết bị chững lại đôi chút ở từ “ứ”. Người viết cứ mường tượng rằng, khi sáng tác nó sẽ là từ khác chứ không phải từ này. Và từ khác ấy nó tục hơn, nó kiểu như một câu nói tục cửa miệng rất phổ biến trong văn hóa nói của thanh niên một vài địa phương miền Bắc. Dẫu có thể tục, nhưng ý tứ thì không có gì, nó chỉ đơn thuần là một thói quen trong cách dùng ngôn ngữ đời thường của một bộ phận người dân nơi đây, lại toát lên vẻ thẳng thắn, dứt khoát của người phát ra từ ấy.
Sắc màu văn hóa dân gian thể hiện trong ngữ điệu còn được thể hiện rất rõ nét trong một thời lượng không nhỏ, Đen Vâu thể hiện lời ca với cách phát âm theo kiểu đặc trưng ở một số vùng nông thôn Bắc bộ. Nói cách khác anh mô phỏng giọng nói (tạm gọi là) nhà quê. Kiểu từ “to” nói hơi pha chút âm a để có được hiệu quả không hẳn chữ to sắc nét mà hơi lơ lớ sang chữ “toa”, đoạn: “Mong cho lần này thắng to...” Rồi cả cái “đặc sản” nói ngọng “nó nạ nắm” vốn có ở không ít địa phương đồng bằng Bắc Bộ.
Đen Vâu đang vào một cuộc chơi đầy màu sắc, nhưng cũng vô cùng mạo hiểm. Đó là cuộc chơi của văn hóa. |
Vẫn “dính”, nhưng vui!
Rõ ràng khi cuộc chơi của Đen Vâu không đơn thuần là rap nữa, mà đã sang cả những thứ mang chất văn hóa. Trong khi khía cạnh mà Đen Vâu “đụng” vào thuộc hàng nhạy cảm nhất trong văn hóa dân gian đó là đặc trưng vùng miền, đưa khéo léo, phù hợp sẽ tạo hiệu quả thật đáng yêu; đưa không khéo thì rất dễ gây hiểu lầm là xúc phạm và thậm chí tạo nên những tranh luận kịch liệt hoặc thậm chí nặng hơn nữa có thể là sự tẩy chay. Rất may, những dẫn chứng mà chúng tôi nhắc tới ở trên không tạo nên sự phản ứng. Cá nhân người viết thì thấy nó khá đáng yêu và tạo nên một “vị” khá lạ trong “bữa tiệc” màu sắc âm nhạc đại chúng.
Dẫu vậy, Đen Vâu vẫn “dính chưởng” trong Đi trong mùa hè, nhưng ở một chi tiết khác. Cụ thể, nhiều khán giả cho rằng ca từ có nhiều vấn đề. Có ý kiến cho rằng họ cảm nhận được nhiều câu chữ tiêu cực, như trong đoạn đầu: "Đối thủ cũng như là người tình, bám theo mình theo cách đầy vấn vương/ Nhưng người tình thì mong cho mình khỏe, còn đối thủ thì muốn mình chấn thương". Cũng vì những từ “chấn thương” hay “giáo mác cung tên” hay “đóng quân”... mà có ý kiến cho rằng nó mang hơi hướng bạo lực. Có ý kiến lại quan ngại về nhân vật nam chính trong bài rap là một người đàn ông gia trưởng: "Ở trên mạng anh là phe ôn hòa, đôi khi về nhà anh là phe bảo thủ/ Lúc bình thường thì em là chủ nhà, nhưng khi nổi còi phải sang tên đổi chủ..."
Tôi cho rằng góp ý nào cũng rất quý, điều đó thể hiện sự quan tâm của khán giả đối với tác phẩm mà không phải nghệ sĩ nào cũng có may mắn đón nhận được những ý kiến trái chiều. Những góp ý này là dịp để tác giả nhìn lại, cân nhắc cho những tác phẩm tiếp theo được ý tứ và chặt chẽ hơn nữa. Song, khi nhìn Đi trong mùa hè ở yếu tố khai thác nhiều chất liệu của văn hóa dân gian, kết hợp với phần hình ảnh khắc họa rõ nét hình tượng trung tâm là tầng lớp bình dân, là những người dân lao động sẽ thấy bài rap này thật thú vị.
Một bài có cách ẩn dụ ví von khá hay, dí dỏm, tạo một không gian rất chill (thư giãn), trong khi giai điệu cho rap lại là một lợi thế của Đen Vâu được phát huy góp phần tạo được rõ nét hơn không gian âm nhạc đó. Bản nhạc nền (hòa âm) cũng độc đáo, khai thác nhạc cụ hợp lý, hiệu quả ngay từ tiếng piano radio mở đầu cho tới việc sử dụng trống, bass... rất hài hòa tạo nên vẻ chill nhẹ nhàng khiến cho người nghe một cảm giác thoải mái.
Cho nên, về cơ bản, đối với người viết, Đi trong mùa hè là một bài rap hay. Nếu có chút tiếc nuối thì ở chi tiết sự xuất hiện của nhạc sĩ Trần Tiến không được khai thác triệt để. Trong phần âm nhạc mà nhạc sĩ đảm nhiệm, giai điệu chưa có đủ “đô” cho nhạc sĩ. Khi xem có cảm giác nó chưa có sức hấp dẫn, chưa nổi bật được cá tính của nhạc sĩ là sự đan xen giữa chất lãng tử, phiêu và lửa. Tuy nhiên, sự xuất hiện này trong MV cũng rất đáng yêu và rõ ràng, nó góp phần làm “sang” hơn cho tác phẩm cả về mặt âm nhạc và hình ảnh.
Ê-kíp “ĐI TRONG MÙA HÈ” Thể hiện: Đen - Nhạc sĩ Trần Tiến Produce, Mix & Master: Michael Choi Phòng thu: InQ Studios MV PRODUCTION Đơn vị sản xuất & hậu kỳ: Flex Films Đạo diễn: Hoàng Thành Đồng |
Điểm: 7,9 |
Nguyễn Quang Long
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất