Nato không kích Libya: Giá nào phải trả?

20/03/2011 10:45 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Nếu Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) muốn thiết lập một vùng cấm bay trên bầu trời Libya, họ sẽ đạt được điều này một cách nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên giới phân tích đã chỉ ra rằng một khi NATO tổ chức các cuộc không kích chống lại lực lượng quân sự trên bộ của nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi, họ sẽ phải trả giá đắt .

>> Chuyên đề: Xung đột ở Libya

Ngày 18/3, giới lãnh đạo NATO đã gặp gỡ nhau để bàn thảo chi tiết một kế hoạch thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Libya, sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết cho phép việc này.

Cấm bay, chuyện đơn giản

Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết có khoảng 20 máy bay chiến đấu tham gia các chiến dịch ở Libya để tăng cường cho vùng cấm bay và ngăn không cho quân của nhà lãnh đạo Libya tấn công quân nổi dậy, đồng thời cho biết nước này sẽ điều Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle tới Libya vào ngày 20/3 để thực thi bản nghị quyết của Liên hợp quốc. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố nước này sẽ triển khai “những năng lực đặc biệt” trong chiến dịch quân sự chống ông Gaddafi. Cũng theo bà Hillary, Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức công nhận chính quyền đối lập có trụ sở tại Benghazi. Trong khi đó, kênh truyền hình quốc gia Libya đưa tin hàng trăm người dân nước này đã tụ tập tại Bab al-Aziziyah, trụ sở đầu não của nhà lãnh đạo Gaddafi, và sân bay quốc tế trước khi các cuộc oanh kích của Pháp dự kiến diễn ra.

(Theo TTXVN)

Lập vùng cấm bay không phải hoạt động mới mẻ với NATO vì họ đã từng nhiều lần tham gia các sứ mạng như thế. Máy bay NATO đã tung cánh trên vùng Balkans, trong sứ mạng triển khai các vùng cấm bay ở Bosnia vào đầu những năm 1990 và tại Kosovo hồi năm 1999.

Trong trường hợp Libya, giới phân tích nói rằng các máy bay quân sự NATO sẽ gấp rút được huy động từ căn cứ của tổ chức này ở Sigonella (Italia), Istres (Pháp)... Tàu tấn công đổ bộ USS Kearsarge của Mỹ có mang theo máy bay và đang ở gần Libya cũng sẽ tham gia thiết lập vùng cấm bay. Ngoài ra 2 hàng không mẫu hạm lớn cũng có thể được sử dụng trong chiến dịch. Chúng gồm tàu Charles De Gaulle của Pháp, giờ đang đỗ ở cảng Toulon, trong khi tàu USS Enterprise đã ở Hồng Hải. Cả hai tàu chỉ mất vài ngày để tới chiến trường.

Các nhà hoạch định chính sách của NATO nói rằng khi thiết lập vùng cấm bay, cộng đồng quốc tế có trong tay từ 200-300 máy bay chiến đấu hiện đại. Chúng gồm loại Eurofighter Typhoon, do Anh, Italia và Tây Ban Nha sử dụng, Dassault Rafale của Pháp và những chiếc F-18 Super Hornet, xương sống sức mạnh trên không của Hải quân Mỹ. Bên cạnh đó, các máy bay không người lái của Mỹ như Reaper và Predator được trang bị tên lửa tấn công mặt đất Hellfire, sẽ cung cấp khả năng trợ giúp tốt nhờ khả năng hoạt động liên tục trên một khu vực trong nhiều giờ.

Các máy bay cảnh báo sớm AWAC của NATO đã sẵn sàng tham chiến.

Cuối cùng phải kể tới những chiếc máy bay cảnh báo sớm AWACS đang đóng ở một căn cứ không quân ở Trapani-Birgi, Italia, vốn cách phía Bắc thủ đô Tripoli của Libya 500km. Những phương tiện này mang tới lợi thế vô cùng lớn về mặt kỹ thuật cho NATO so với phe Gadhafi. Với radar được gắn trên thân có khả năng quét sâu tới 320km vào trong lãnh thổ đối phương, chúng sẽ giám sát mọi hoạt động của máy bay Libya và trợ giúp hiệu quả các nhiệm vụ chiến đấu của NATO. “Đây sẽ là một nhiệm vụ đơn giản, dễ hơn nhiều so với các nhiệm vụ tương tự của NATO ở vùng Balkans trong những năm 1990” - Marko Papic, một chuyên gia thuộc nhóm phân tích tình báo Stratfor có trụ sở ở Texas, Mỹ, đánh giá - “Không giống như vùng Balkan nhiều đồi núi và rừng rậm, Libya có địa hình phẳng, không có nhiều cây cối để che giấu thiết bị và không lực Libya thì đúng là một câu chuyện hài”.

Chênh lệch lực lượng quá lớn

Sự kém cỏi của không quân Libya là một thực tế. Kể từ những năm 1980, hoạt động mua bán trang thiết bị một cách láo nháo, vô tổ chức, bảo trì kém và huấn luyện không tốt đã khiến lực lượng không quân gồm hơn 400 máy bay chiến đấu, ném bom, tấn công hạng nhẹ và trực thăng vũ trang của quốc gia châu Phi teo tóp xuống chỉ còn vài chục chiếc bay được.

Những máy bay còn hoạt động chủ yếu là loại ném bom Sukhoi Su-22 và Mig-23, cùng một số chiếc máy bay tấn công hạng nhẹ Jastreb do Nam Tư sản xuất từ cuối những năm 1960. Thậm chí một số máy bay loại này đã bị quân nổi dậy phá hủy hoặc bị các phi công đào ngũ lái ra khỏi đất nước. Ngoài số trên, Libya còn một số những chiếc máy bay đánh chặn do Liên Xô cũ sản xuất như MiG-21 và MiG-25, rất cổ lỗ. Họ cũng có trong tay những chiếc Mirage F1 hiện đại hơn nhưng số lượng rất ít.

Giống như không quân, hệ thống phòng không tầm xa của Libya đang ở trong tình trạng kém cỏi tương tự, chủ yếu dựa vào 200 bệ phóng tên lửa đã rất lạc hậu. Một báo cáo được Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở tại Washington công bố gần đây còn nói rằng không lực Libya gặp nhiều vấn đề lớn về vấn đề đào tạo phi công và đã mất khá nhiều máy bay do tai nạn khi diễn tập. “Libya dường như thiếu hụt nghiêm trọng ngay cả những phi công chiến đấu với trình độ rất thường” - báo cáo đánh giá.

Ngoài việc lập vùng cấm bay, nghị quyết của HĐBA LHQ còn thông qua việc cho phép tiến hành các cuộc không kích nhằm ngăn chặn quân đội của ông Gaddafi trấn áp phe nổi dậy. Song đây không phải chuyện dễ làm.

Sẽ trả giá đắt nếu không kích?

Các nhà ngoại giao và phân tích, dựa trên các bài học thu được từ việc NATO can thiệp vào vùng Balkans, cảnh báo việc không kích vào các lực lượng trên bộ của Gadhafi sẽ nguy hiểm và có thể gây tổn thất lớn. Điều khiến NATO quan ngại nhất hiện nay là những cỗ pháo phòng không của Libya và các hệ thống tên lửa vác vai tầm ngắn, vốn đã chứng minh tính hiệu quả trong cuộc chiến Kosovo. Chúng bao gồm khoảng 500 hoặc hơn những khẩu pháo với cỡ nòng đủ loại, có thể ngăn máy bay quân đồng minh hạ thấp xuống độ cao 4,5km.

Có tin đồn rằng Mỹ sẽ thử nghiệm tính năng của “Chim ăn thịt” F-22 trong chiến dịch quân sự ở Libya.

Một quan chức NATO giấu tên đã cảnh báo rằng vấn đề hậu cần sẽ là một thách thức lớn khi NATO triển khai một lực lượng lớn máy bay tới vậy. Để tránh việc liên tục tiếp dầu trên không, các máy bay cần phải hạ xuống một số căn cứ gần với Libya. Nhưng các căn cứ này hiện vẫn thiếu cơ sở cần thiết để hỗ trợ tối đa các phi đội chiến đấu. Đức và một số nước thành viên NATO cũng đã thể hiện sự dè dặt về chiến dịch, cảnh báo rằng nó sẽ thành một sứ mạng phức tạp và kéo dài với liên minh quân sự.

Các vấn đề khác tới từ việc Gadhafi có trong tay vài chục chiếc trực thăng vũ trang Mi-24 và loại Mi-17. Các trải nghiệm từ Bosnia cho thấy NATO có thể khiến các máy bay phản lực của Gadhafi “đắp chiếu”, nhưng sẽ rất khó đánh chặn các trực thăng vốn thường bay ở độ cao thấp này.

Cuối cùng là vấn đề chi phí để thiết lập vùng cấm bay. Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, một tổ chức cố vấn có trụ sở tại Washington đã vừa công bố một bản báo cáo 8 trang nói rằng việc triển khai một vùng cấm bay trên Libya sẽ gây tốn kém từ 15-300 triệu USD/tuần. Còn việc chế áp hệ thống phòng không Libya sẽ gây tốn kém từ 500 triệu USD - 1 tỉ USD, tùy thuộc vào số lượng các mục tiêu dưới mặt đất cần tiêu diệt. Máy bay Pháp mở màn không kích Libya Theo giới chức quân sự, máy bay của Pháp đã khai hỏa ở Libya vào lúc 16 giờ 45 phút giờ GMT ngày 19/3.

Tường Linh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link