22/09/2015 14:10 GMT+7 | Man United
(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi ra mắt cuốn sách "Leading" (Lãnh đạo) Sir Alex Ferguson đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ The Telegraph. Ông tiết lộ lý do thật sự khiến mình quyết định giải nghệ, những bí mật về cách quản trị đội bóng có các ngôi sao như Cantona, Beckham hay Ronaldo; và cách giúp họ chiến đấu vì mình.
Các CĐV Manchester United đã rất sốc khi kỉ nguyên của Sir Alex Ferguson đột ngột khép lại sau quyết định của ông thầy người Scotland. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ The Telegraph mới nhất, Ferguson tiết lộ lý do ông giải nghệ là vì người chị em gái song sinh với bà vợ Cathy của ông, Bridget Robertson, đã qua đời.
“Một đêm nọ, tôi thấy bà ấy (Cathy Ferguson) đang xem tivi, và rồi nhìn lên trần nhà. Tôi biết bà ấy đang cô độc”, Ferguson nói. “Bạn biết đấy, bà ấy và Bridge là chị em sinh đôi”. Năm 2002 ông Ferguson đã định giải nghệ nhưng sau khi nói chuyện với vợ, ông đã thay đổi quyết định. Lần này thì khác: “Lần này khi tôi nói quyết định sẽ về hưu với bà ấy, tôi không thấy bà ấy phản đối gì cả. Tôi biết bà ấy muốn tôi nghỉ ngơi”.
Ferguson sẽ ra mắt cuốn sách thứ 2 trong vòng 2 năm
Bà Bridget mất vào tháng 10/2012 khiến Alex Ferguson cảm thấy mình có lỗi với vợ, người vợ đã gắn bó với ông từ năm 1996 sau một lần gặp gỡ “bất thình lình” tại Glasgow. Trong cuốn tự truyện của mình, Sir Alex kể: “Bà ấy luôn đợi tôi. Kể cả khi tôi rời khỏi nhà lúc 2 hoặc 3 giờ sáng, Cathy cũng ở đó chờ tôi”. Lời đề tựa cuốn sách ấy, Ferguson viết: “Tặng Bridget – em gái của Cathy, người bạn cứng cỏi của tôi”.
Việc bà Bridget qua đời được đề cập như một chất xúc tác nhưng chỉ bây giờ Ferguson mới đề cập đến nó, rằng vì đặt mong muốn của bà Cathy lên hàng đầu, ông mới về hưu.
Nhiều người sẽ xúc động nếu biết Ferguson đã đặt yêu cầu của vợ lên trên tham vọng của bản thân mình sau 39 năm chung sống và cũng ước mọi chuyện sẽ diễn biến khác đi. “Fergie” đã trở thành biểu tượng của sự trường tồn. Từ khi ông rời bỏ sau chức vô địch Premier League lần thứ 13 vào tháng 5/2013, Manchester United vật lộn với những người kế vị. David Moyes chỉ tại vị được gần 1 năm và HLV người Hà Lan Louis van Gaal vẫn chưa thuyết phục được các CĐV Man United.
Ferguson và vợ, bà Cathy
Chúng tôi đã nói chuyện tại nhà riêng của Ferguson ở Cheshire ngay trước khi ông tới dự đám tang của Nevile Nevile, cha của cặp cầu thủ anh em Gary và Phil. Khi các CĐV thấy Ferguson bước xuống xe hơi, đỗ dọc con phố, họ hét lên: “Cảm ơn, Sir Alex”, với tông giọng đầy biết ơn như thể ông đã tặng họ một món quà bất tử cho cuộc sống này.
Cái kết ở Manchester United
Nhớ lại khoảnh khắc chấm dứt 26 năm trị vì United, Ferguson nói: “Thậm chí khi tôi biết mình sẽ nghỉ ngơi, chúng tôi vẫn phải giải quyết một số vấn đề của đội bóng, với những cầu thủ mới tới. Như mọi thứ ở Manchester United, chiếc xe phải tiếp tục tiến lên. Không ai được phép tụt lại phía sau. Mọi người đều phải lạc quan về triển vọng tương lai”.
“Một khi đã ra quyết định rồi, tôi sẽ không bước vào như một ông già cục cằn chuẩn bị bỏ việc. Bố tôi bỏ công việc ở xưởng đóng tàu năm 65 tuổi, vì ông không thể theo đuổi nó ở tuổi 65. Thử thách trước mắt tôi lúc đó là giảng dạy bán thời gian ở Đại học Kinh doanh Havard. Sau đó tôi đóng vai trò như Giám đốc, đại sứ ở Man United; đảm nhiệm công việc ở UEFA, UNICEF. Tôi đi du lịch đây đó và rất thích xem đội bóng thi đấu”.
CĐV tri ân Ferguson
Chủ tịch của quỹ đầu tư tư nhân Sequoia Capital, Michael Moritz, nơi từng hợp tác với các công ty lớn như Apple, Cisco Systems, Google, Paypal và Youtube, viết về Ferguson: “Không nhiều Giám đốc điều hành ở thung lũng Silicon, có thể vì phần nhiều trong số họ là người trẻ (?), có thể điều chỉnh tông giọng của mình khéo léo như thế. Sir Alex có thể đồng thời đóng vai một người cổ vũ, người thuyết giảng tạo động lực, một bác sĩ tâm thần, một giáo sĩ, người lên dây đàn piano, một người chơi rối, một biên đạo múa, một giáo viên, một đao phủ phán xét và có quyền tối tượng…”
“Cá tính của các bạn, năng lượng của các bạn, khả năng ra quyết định của các bạn, khả năng quan sát của các bạn, khả năng giao tiếp của các bạn” tất cả kết hợp lại. Các bạn cần được sống và mọi người cần được khuyến khích, động viên. Họ cần một người sếp có thể tin tưởng”.
Bí mật của thành công
“Tôi không bao giờ sợ khi phải cố gắng làm việc. Tôi luôn luôn sẵn sàng mạo hiểm để thắng một trận bóng đá. Tôi cũng luôn khuyên những người trẻ tuổi như vậy. Tôi thật sự tin tưởng vào thế hệ trẻ. Tôi luôn tin tưởng và cố gắng đào tạo cầu thủ trẻ như đã làm ở Aberdeen hoặc St Mirren. Khi đến Man United, tôi cũng cố gắng làm như Matt Busby vào những năm 1950, bởi vì, không nghi ngờ gì nữa, nó chứng minh Manchester United có truyền thống phát triển cầu thủ trẻ trong hơn nửa thế kỉ”.
Ngọn lửa bên đường biên sân Old Trafford trong suốt 2 thập kỉ rưỡi đã phải trải qua thời gian tôi luyện ở vùng đóng tàu Govan, học nghề trong gian khổ ở Scotland trước khi chuyển tới miền Nam dẫn dắt Unted. “Nghề buôn bán có giúp ích tôi cho công việc sau này”, ông nói. “Bạn cố gắng giúp đỡ những người kém may mắn. Tôi không bao giờ tham gia vào các cuộc bãi công hoặc khuyến khích những người mới vào nghề tham gia đình công. Chúng tôi được trả lương. Nhưng một số người đã có con và được trả tiền mà không làm việc”.
“Tôi có bằng huấn luyện năm 24 tuổi. Vì thế khi bắt đầu hành nghề năm 32 tuổi, độ tuổi trẻ với một HLV, tôi đã sẵn sàng. Tôi có bằng cấp, tôi đã chơi bóng, tôi nghĩ mình có thể ra quyết định. Bạn phải luôn học hỏi để tồn tại”.
Vừa làm cầu thủ, Ferguson vừa sở hữu một quá rượu ở Glasgow. “Đó là việc kinh doanh khó khăn. Bạn thường xuyên bị cuốn vào những cuộc ẩu đả mỗi đêm thứ Bảy. Vì thế khi có cơ hội làm HLV, tôi nói: Tôi sẽ tới đó để chiến thắng, tôi sẽ thành công. Nỗi sợ hãi thất bại sau đó đến. Nhưng tôi có thể đi đâu được nữa? Trở lại quán rượu ư? Không bao giờ”.
Được giao vào tay một đội bóng nhỏ với các cầu thủ trung bình được trả tiền lương rất nhỏ giọt, Ferguson cho mọi người thấy ông là một kẻ bướng bỉnh bẩm sinh: “Ở Aberdeen, tôi nhận ra rằng một cá tính mạnh là xương sống giúp giải quyết các xung đột trong phòng thay đồ”. Manchester United trong thời kì Ferguson chứng kiến sự ra đời của rất nhiều chiến binh: Bryan Robson, Brian McClair, Mark Hughes, Steve Bruce, Paul Ince, Roy Keane. Vai trò thủ lĩnh của ông quá rõ ràng: “Một cá tính mạnh có thể giải quyết những vấn đề rắc rối. Họ hành động mạnh mẽ, quyết đoán, kiên định. Họ là những kẻ chiến thắng, đơn giản vậy thôi”.
Xuất thân từ tầng lớp lao động không phải bảo chứng cho thành công nhưng đôi khi cũng giúp Ferguson ít nhiều: “Khi bạn thấy những gã trai về nhà lúc 5, 6 giờ mỗi sáng sau khi nhậu xỉn, bạn phải làm gì đó. Hoàn cảnh ấy giúp bạn phát triển cá tính và biết cách đồng cảm. Cánh cửa luôn mở. Trong ngành đóng tàu, chúng tôi luôn bên nhau, trở về nhà cùng nhau”.
Những năm đỉnh cao sự nghiệp
Trong những năm đỉnh cao sự nghiệp, Ferguson phải làm việc với những triệu phú đá bóng và người của công chúng. David Beckham là biểu tượng chiến thắng của Man United cho đến khi danh tiếng của anh khiến mâu thuẫn giữa anh với HLV nổ ra. Ferguson bán Beckham đến Real Madrid vào năm 2003 nhưng hai người sau này vẫn là bạn bè.
“Bạn phải làm quen với những việc như vậy. Tôi không phiền khi phải thích nghi với những cá tính lớn. Bạn thường xuyên thấy Cristiano Ronaldo đứng trước gương trầm trồ về bản thân mình. Nhưng đó là một hư ảo tốt đẹp. Các cầu thủ Man United thường ném quần, giày, tất cả mọi thứ vào cậu ấy. Chưa bao giờ cậu ấy cáu về việc đó”.
“Họ cần chiến thắng, những cầu thủ của tôi: những chiến thắng giúp họ xây dựng cái tôi cá nhân. Bạn có thể thấy một cầu thủ đi xe Ferrari và nghĩ họ phải đi trên một chiếc xe đắt tiền thế làm gì? Nhưng họ phải sống như vậy. Họ sẽ không lái xe vào thị trấn khi đang đứng bét bảng xếp hạng hoặc họ bị loại khỏi đội hình thi đấu. Đôi khi chúng ta không thể phán xét như vậy được…”
Ferguson và thế hệ 1992
Eric Cantona là ngôi sao cũng từng mâu thuẫn với Ferguson và mối quan hệ của họ có cả lúc lãng mạn cũng như khi phải dùng đến roi sắt. “Tôi nói chuyện với Cantona thường xuyên. Cậu ấy thường xuyên bị coi thường và là một gã thú vị. Cậu ấy cần sự động viên và cần phát triển ở một CLB phù hợp. Và cậu ấy đã tới một CLB phù hợp. Trên sân tập, bạn không gặp một gram khó khăn nào với Cantona. Thỉnh thoảng bạn thấy cậu ấy đến sân tập với bộ dạng cau có và bạn tự hỏi “Nó làm sao thế?”. Nhưng sau khi khởi động xong, tất cả lại ổn hết”.
“Ronaldo lại là một trường hợp khác: rất tuyệt vời, một chú nhóc hay ho. Cậu ấy thật sự là một nhà thể thao nghiêm túc”.
Nguyên tắc quản lý đầu tiên của Ferguson là lòng tin. Từ cả hai phía. “Việc bạn cần làm trong quản lý là phải tin tưởng mọi người, tin vô điều kiện. Bạn phải khiến họ thoải mái chiến đấu vì bạn và dù thế nào, ở đâu, họ cũng sẽ ở bên bạn”.
“Bạn phải hy sinh vì họ: “Nhìn này, tôi ở đây vì một nguyên do. Tôi muốn giúp đỡ cậu phát triển tốt nhất có thể. Trở thành một con người tử tế. Giúp cậu kiếm hàng đống tiền”. Tôi nghĩ mình đã làm khá tốt ở Manchester United. Họ là những cầu thủ của tôi. Họ giúp tôi thành công. Tôi cảm kích lòng trung thành của họ”.
Máy sấy tóc
Ferguson luôn duy trì thói quen bùng nổ giận dữ khi cần, nhưng cố gắng tiết chế nó. Người ta gọi ông là “Máy sấy tóc”. “Tôi phải mang cái biệt danh ngu ngốc đó trong thời gian dài. Nhưng các cầu thủ không sợ tôi. Chẳng có cậu học trò nào của tôi vào sân đá bóng với nỗi sợ hãi. Họ tận hưởng bóng đá. Họ luôn phiêu lưu, có cái tôi của mình. Đó là câu trả lời. Không có gì sai nếu vứt bỏ sự yếu đuối vì một nguyên do đúng đắn. Để cho các bạn hiểu rằng Chúng tôi là Manchester United. Chúng tôi không nỗ lực vì những thứ vô nghĩa”.
“Chúng tôi thường nói với nhau: Không ai đến trước cửa cho bạn tiền. Bạn phải bước ra khỏi cánh cửa và đi kiếm tiền. Bạn phải tiếp tục chạy trên sân bóng và chiến thắng với mục tiêu kiếm tiền cho bản thân mình”.
Ferguson đánh hơi được sự trì trệ. Ông nói với tôi: “Bạn phải nhạy bén. Đừng chỉ nghĩ đến quá khứ. Ngày mai là một ngày khác. Tôi đã nói với học trò mình rất nhiều lần: Các anh có bao nhiêu tấm huy chương rồi? Có bao nhiêu người trong số các anh có 9 cái? Khi có 9 cái rồi, hãy cố gắng có cái thứ 10, các anh sẽ đi vào lịch sử đội bóng này”.
Ferguson và chức vô địch Champions League 1999
Giải nghệ khiến ông cảm thấy mình phải học cách “giao tiếp với cấp trên”, các ông chủ, những chủ tịch và những giám đốc điều hành: “Đó là những thứ tôi cần phải học sớm hơn để tống khứ những suy nghĩ dạng như “tôi sẽ thống trị thế giới với cách hành xử này”, “tôi có thể tự mình làm được”, “tôi không cần các anh”. Tôi đã sai. Giá trị của giao tiếp là bất tận. Những người làm cỏ, nhân viên phòng giặt là, phòng pha trà cũng có giá trị của họ. Họ là hậu phương vững chắc cho bạn”.
Các bài nói chuyện với đội bóng không cần rườm rà, nhưng phải có “chất”, có tác dụng cộng hưởng. Nó là đặc sản của những nhà cầm quân vĩ đại quốc tịch Scotland: Busby, Jock Stein và Bill Shankly. “Ngắn gọn thôi”, Ferguson nói. “Hãy đi vào vấn đề chính. Hãy khiến họ sục sôi”.
Gia Hưng
Theo The Telegraph
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất