'Aline' của Christophe - Gọi tên người yêu nồng cháy

12/09/2020 06:34 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Tuổi trẻ và bãi cát vàng nằm trong số những biểu tượng bất tử của nước Pháp bởi đây chính là nơi sinh ra rất nhiều những thần đồng rực nắng như vậy. Đó là Francoise Sagan với Buồn ơi chào mi, Jean - René Huguenin với Bãi hoang, Raymond Radiguet với Tình cuồng.

Không gian nhạc Pháp của Stéphane Trần Ngọc và Thái Linh

Không gian nhạc Pháp của Stéphane Trần Ngọc và Thái Linh

Đánh dấu sự hợp tác văn hóa Pháp - Việt, đêm nhạc cổ điển của nghệ sĩ violin Stéphane Trần Ngọc và pianist Trần Thái Linh sẽ diễn ra vào 20h ngày 1/9 tại Trung tâm văn hóa Pháp(24 Tràng Tiền, Hà Nội).

Tiếp tục loạt bài về những ca khúc lời Việt nhạc Pháp đi cùng với năm tháng, xin được giới thiệu một thần đồng như thế - Christophe - với Aline. Christophe vừa qua đời hồi đầu năm nay do Covid-19.

Người hỡi có ai… tìm em giúp tôi?

Từ một chàng trai trẻ vô danh, Christophe đã một bước lên hàng huyền thoại Pháp chỉ sau 1 đêm với tình khúc nồng cháy, ngây ngô Aline. Ca khúc này được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt là Gọi tên người yêu.

Suốt mùa Hè năm 1965, bờ môi yêu nhạc của vô vàn người Pháp đua nhau gọi tên nàng Aline: “Vẽ trên nền cát/ Gương mặt em ngọt ngào cười với tôi/ Rồi cơn mưa đổ trên bãi biển/ Nàng tan biến trong bão lốc/ Và tôi hét lên, hét lên, Aline, hãy trở lại”. Nỗi khao khát trong bài hát thậm chí bừng lên nhu cầu cần phải phải tìm ra Aline, cô gái khiến chàng Christophe tóc vàng, một tay chơi phải khóc lóc, lăn lộn trên cát cầu xin.

Những tưởng đó chỉ là một nàng thơ đôi khi ghé qua giễu cợt (và ban ân) cho các thi sĩ, thế mà người ta tìm thấy Aline thật! Tạp chí Paris Match đã tìm ra nàng, và thậm chí tổ chức cho chàng ca sĩ trẻ và nàng một buổi chụp ảnh tái hiện lại nguyên vẹn ca khúc Aline. Trong ảnh, trên khung cảnh biển xanh cát vàng, 2 con người trẻ trung, xinh đẹp vui đùa hạnh phúc bên nhau. Thú vị, còn có ảnh Christophe nằm dài quằn quại trên bãi biển, viết chữ “Aline” khi nàng bỏ đi.

Thế nhưng, ngoài đời, họ thật sự chỉ là những người thoáng bước qua nhau.

Chú thích ảnh
Christophe và nàng Aline

Christophe (lấy theo tên thánh Christophe), tên thật là Daniel Bevilacqua, khi đó là một chàng trai trẻ đang vật lộn tìm kiếm chỗ đứng trong làng âm nhạc. Bố là thợ xây còn mẹ là thợ may nhưng với niềm đam mê âm nhạc, năm 16 tuổi, Christophe đã bỏ học để lập nhóm nhạc. 2 năm sau, anh ra đĩa đơn đầu tiên, cũng là một lời níu kéo nhưng là với cô Sophie trong ca khúc Reviens, Sophie. Rõ ràng, anh đã thất bại với nàng Sophie này bởi đĩa đơn chỉ bán được có… 27 bản!

1 năm sau, năm 1964, như thể thương chàng trai trẻ ôm mộng lớn, nàng thơ đã ghé thăm anh trong bữa ăn trưa, mang tới khoảnh khắc sẽ làm thay đổi đời anh vĩnh viễn. Từ 12h tới 12h30, Christophe đã sáng tác một ca khúc, mà như anh miêu tả là “một khoảnh khắc nghỉ ngơi và tĩnh lặng, kèm theo một vài hợp âm guitar”. Nhưng bên cạnh nàng thơ còn có một cô gái thật, nàng Aline bằng xương bằng thịt.

Mở đường cho một huyền thoại

Ca khúc Aline, ngay từ khi phát hành đã trở thành hit lớn khắp nước Pháp, đứng trên đỉnh các BXH. Với một chàng trai trẻ 20 tuổi, vừa nếm cú tát phũ phàng đầu đời từ nàng Sophie thì đây thật sự là cơn bão lốc. Hàng trăm ngàn quầy bày bán Aline. Hit lan sang cả Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Bỉ và thậm chí Brazil… Bán được tới 260.000 bản chỉ trong 1 tháng rưỡi và sớm vọt lên 1 triệu bản, từ một chàng trai vô danh, Christophe bỗng nổi như cồn, sánh ngang với Jacques Brel, Gilbert Becaud, như một huyền thoại nước Pháp.

Lấy cảm hứng từ nhạc blues, ca khúc trở nên đa sắc hơn nhờ phần chuyển soạn của Jacques Denjean. Tiền bạc chảy vào như nước, Christophe trả hết nợ, bắt đầu mua những chiếc xe đua đầu tiên - vốn là niềm đam mê lớn của ông - trở thành nghệ sĩ mở màn cho Claude Francois ở Olympia, bắt đầu đi lưu diễn và đắm chìm trong náo nhiệt showbiz, đặc biệt bị săn đuổi bởi Jacky Moulière, người cho rằng ca khúc giống kỳ quặc với một sản phẩm của mình. 2 người đưa nhau ra tòa, xét xử, kháng cáo, cuối cùng Christophe vẫn giữ được bản quyền nhưng cũng bắt đầu hiểu rằng môi trường này không bao giờ là của ông.

Chú thích ảnh
Christophe và nàng Aline trên bãi biển

Sau Aline, ông tiếp tục ra những tựa đề đình đám khác như The Puppets hay Excuse me, Mr. Professor. Phong cách twink quyến rũ của ông gắn liền với thời kỳ nhạc yé-yé dù ông từ chối mọi nhãn mác. Ông không ngừng khám phá con đường âm nhạc mới, đặc biệt trên synth, thứ sẽ dẫn tới nhiều album khác nhau như The Blue Words, vào giữa thập niên 1970, và sau đó là nhiều ca khúc pop rock hơn.

Năm 1979, khi đã chinh phục được khán giả với nhiều hit mới, Christophe bất ngờ tái bản Aline bản gốc mà không cần thu âm hay phối lại. Đáng ngạc nhiên hơn là một lần nữa, Aline lại trở thành hit khi bán được thêm hơn 1 triệu bản - mang lại tổng cộng hơn 3,5 triệu bản bán ra hiện nay. Để khiêu khích? Hay cần tiền? Để chứng tỏ rằng ông vẫn giữ được sự tự do trong sự nghiệp, đi theo bản năng và thú vui riêng, như ông nói: “Tôi không bao giờ muốn đi vào khuôn khổ, bởi vì tôi chưa bao giờ biết tới khuôn khổ…”.

Và cũng phải mãi tới nửa thế kỷ sau khi Aline ra mắt, Christophe mới tiết lộ danh tính thật của cô. Trong một thời gian dài, người ta đã gán cho cô nhiều nhân dạng. Sự thật: Thời điểm đó, Christophe bắt đầu chơi blues ở khu Saint-Germain-des-Pres còn cô gái Ba Lan Aline Natanovitch phụ trách phòng để đồ ở Orpheon Club. Nhưng ngày mà họ gặp nhau, Aline đang làm trợ lý nha khoa ở Boulevard du Montparnasse. Christophe, sau bữa trưa ở nhà bà, đã sáng tác được hòm hòm ca khúc nhưng vẫn chưa nghĩ ra được cái tên phù hợp. Trong buổi tới phòng nha khoa, nhìn thấy cô trợ lý xinh đẹp, anh đã hỏi tên nàng và được nàng đáp lời. Thích âm thanh của cái tên Aline, Christophe đã mang nó vào ca khúc huyền thoại của mình. Và nàng quả thực từng mất hút trong 1 đêm mưa gió!

Chú thích ảnh
Christophe trên bìa đĩa đơn “Aline” năm 1965

Qua đời vì Covid-19

Trước đại dịch Covid-19, ở tuổi thất thập cổ lai hy, Christophe vẫn đứng trên sân khấu để hát các hit của ông, và không thể thiếu Aline (hit mà ông thường nói là hay nhất của mình và sau 50 năm, vẫn hát bằng một tình yêu không đổi).

Khi Christophe qua đời vào đầu năm nay vì Covid-19, truyền thông cảm thấy “bất lực” trong việc định hình ông - một người vượt qua mọi phong cách, chạy trốn khỏi hệ thống ngôi sao, sự nghiệp và phong cách thăng trầm dàn trải trong nhiều thập kỷ. Thế nhưng, sức mạnh vượt thời gian của Aline lại là điều không ai có thể hoài nghi.

“Ca từ của ông, giai điệu của ông và giọng ca của ông đã khiến chúng ta say đắm ngất ngây. Christophe ra đi, thế giới nhạc Pháp mất đi một phần linh hồn, nhưng chất blues ngọt đắng trong các bài hát của ông sẽ không bao giờ bị xóa nhòa” - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp Franck Riester tưởng nhớ Christophe.

(Còn tiếp)

“Aline” và kỷ niệm với Việt Nam

Aline sớm du nhập vào Việt Nam, được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt với tựa đề Gọi tên người yêu, và cũng là ca khúc được đông đảo khán giả Việt Nam yêu thích. Elvis Phương là người đầu tiên phát hành và thu âm song ngữ Gọi tên người yêu. Sau Elvis Phương, nhiều tên tuổi khác của làng nhạc Việt Nam cũng thể hiện lại nó như Ngọc Lan, Thanh Lan, Bằng Kiều, Don Hồ, Thế Sơn, Đồng Lan, Thùy Dung…

Aline là ca khúc được chọn để chào đón Tổng thống Pháp Francois Mitterrand trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam năm 1993.

Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Pháp - Việt, năm 2013, Christophe đã tới Việt Nam, đất nước mà ông đã từ lâu mong được thăm và đã có nhiều kỷ niệm đẹp. Trong chuyến đi này, ông đã cầm guitar hát cho trẻ em Việt Nam ở nhiều vùng miền, cùng Mỹ Linh hát Ta cầm tay nhau.

Thư Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link