16/08/2019 23:02 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định ở thời điểm hiện tại New Delhi vẫn tuân thủ cam kết không châm ngòi cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ chính sách quốc phòng trong tương lai của Ấn Độ sẽ phù thuộc vào tình hình cụ thể.
Phát biểu ngày 16/8 trong chuyến thị sát bãi thử hạt nhân Pokhran ở miền Tây Ấn Độ, Bộ trưởng Singh nêu rõ đến nay New Delhi vẫn cam kết chắc chắn với học thuyết "không sử dụng (vũ khí hạt nhân) trước tiên". Theo ông, Ấn Độ đã nghiêm túc tuân thủ học thuyết này, nhưng những gì xảy ra trong tương lai tùy thuộc vào hoàn cảnh.
Bộ trưởng Singh cũng đồng thời bày tỏ sự tôn kính đối với cố Thủ tướng Atal Behari Vajpayee - người có công đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc hạt nhân. Ông nêu rõ: "Pokhran là nơi đã chứng kiến quyết tâm kiên định của (ngài) Atal Ji trong việc đưa Ấn Độ thành một cường quốc hạt nhân."
Sau nhiều vụ thử nghiệm dưới lòng đất năm 1998, Ấn Độ đã tự xưng là cường quốc hạt nhân và ít lâu sau đó, nước láng giềng Pakistan cũng đã có các vụ thử nghiệm tương tự. Các chuyên gia hạt nhân cho biết kể từ thời điểm đó, hai nước láng giềng của nhau này đã và đang phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa để tăng cường năng lực quốc phòng của mình.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan liên tục căng thẳng liên quan đến các cuộc xung đột tại vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir. Hiện khu vực này chia thành hai phần thuộc kiểm soát của Ấn Độ và Pakistan, song cả hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một số nghị quyết về tranh chấp chủ quyền giữa Ấn Độ và Pakistan đối với Kashmir, trong đó có nghị quyết nêu rõ phải tổ chức trưng cầu ý dân trước khi quyết định tương lai của vùng lãnh thổ này. Một nghị quyết khác kêu gọi hai bên tránh đưa ra các tuyên bố hay hành động có thể khiến gia tăng căng thẳng ở khu vực này.
Trong thời gian gần đây, căng thẳng giữa hai nước láng giềng đã gia tăng sau khi Ấn Độ ban hành Đạo luật chia tách bang Jammu và Kashmir. Theo đó, hai vùng lãnh thổ liên bang là Ladakh - không có cơ quan lập pháp - cùng Jammu và Kashmir - có cơ quan lập pháp - sẽ chính thức được thành lập từ ngày 31/10 tới. Pakistan đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ quyết định này, tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc.
Lan Phương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất