Dấu chấm hết cho ông Gaddafi

21/10/2011 11:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Sau một thời gian dài ẩn náu, nhà lãnh đạo bị lật đổ của Libya, Muammar Gaddafi, cuối cùng đã được tìm thấy tại quê nhà ông ở Sirte. Cuộc chiến nhằm vào thành trì cuối cùng này đã kết thúc, với phần lắng lợi thuộc về chính phủ lâm thời của Libya, nhưng thông tin về số phận cựu lãnh đạo đất nước lại không thống nhất, khi người nói ông đã bị bắt, kẻ khẳng định ông đã chết.

>> Chuyên đề: Xung đột ở Libya

“Muammar Gaddafi đã chết” - đó là lời khẳng định như đinh đóng cột của Abdel Hakim Bilhajj, lãnh đạo lực lượng vũ trang của Hội đồng Chuyển quyền Quốc gia (NTC) trên kênh truyền hình Al-Jazeera hôm 21/10.

Bị thương hay đã chết?

Còn Abdel Majid Mlegta, một quan chức của NTC, đã nói với hãng tin Reuters rằng Gadhafi bị bắn trúng đầu trong cuộc phục kích nhằm vào đoàn xe chở ông chạy trốn khỏi Sirte. “Các chiến binh của chúng tôi đã nổ súng như vãi đạn vào đoàn xe và ông ta đã chết ngay” - Mlegta nói.

Cái chết của ông Gadhafi còn được thông báo trên kênh truyền hình Al-Ahrar của NTC. Tuy nhiên tất cả đều không cho biết họ lấy thông tin về cái chết của ông Gaddafi từ đâu.

Dù còn sống hay đã chết, việc mất đi thành trì cuối cùng cũng đánh dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông Gaddafi. Trong ảnh là hình ảnh được cho là về ông Gaddafi (Nguồn: Al Jazeera)

Trước đó, một nguồn tin khác từ NTC lại nói rằng Gaddafi bị thương nặng ở cả hai chân và bị bắt lúc định chuồn khỏi Sirte.

Một bức ảnh chụp bằng điện thoại di động sau đó đã được gửi tới cho hãng tin Pháp AFP, ghi lại cảnh “Gaddafi bị bắt”, với gương mặt của nhân vật chính trong ảnh đẫm máu và rất khó để xác nhận đấy là cựu lãnh đạo Libya.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã không xác nhận bất kỳ thông tin nào về việc ông Gaddafi bị bắt giữ hay bị giết. “Chúng tôi đang kiểm tra và đánh giá tình hình” - một quan chức giấu tên của NATO cho biết - “Rõ ràng đã có những diễn biến rất lớn xảy ra ở Libya và chúng tôi phải mất thời gian để kiểm chứng. Nếu là sự thực, đây sẽ là một ngày lịch sử của người dân Libya”.

Thực tế thời gian gần đây, thông tin do chính quyền lãnh đạo lâm thời ở Libya thường không đúng sự thực cho lắm. Tuy nhiên tin này vẫn khiến nhiều người Libya đổ ra đường bấm còi xe và nổ súng lên không trung để ăn mừng.

Bức tranh Libya dưới thời ông Gaddafi

Việc bị bắt giữ hay giết hại là một bước ngoặt 180 độ đối với sự nghiệp của “người đàn ông thép” của Libya. Muammar al-Gaddafi sinh ra và lớn lên trong một căn lều của người du cư ở gần Sirte. Nhiều nguồn tin nói rằng gia đình ông thuộc một bộ tộc Qadhadhfa, một tộc người thiểu số trong thế giới Arab. Phần lớn họ là dân chăn nuôi gia súc, sống ở ốc đảo Hun.

Gaddafi theo học tại Học viện quân sự Libya ở Benghazi vào năm 1961 và tốt nghiệp vào năm 1966. Khi chuẩn bị tốt nghiệp, ông đã giành được cơ hội học tập nâng cao trình độ ở châu Âu, gồm 4 tháng tập huấn quân sự ở Anh. Về nước ông gia nhập Quân đoàn thông tin và dù được gọi là “đại tá Gaddafi”, ông thực sự chỉ là trung úy khi thực hiện vụ đảo chính không đổ máu, giành lấy quyền lực từ Quốc vương Libya Idris hồi năm 1969.

Dưới sự lãnh đạo của Gaddafi, nền kinh tế trong nước phát triển theo hướng tập trung kế hoạch hóa và tăng trưởng mạnh nhờ doanh thu tới từ việc bán dầu. Xuất khẩu dầu lửa đã chiếm tới 30% GDP của Libya. Doanh thu lớn từ dầu, cộng với việc có quy mô dân số nhỏ và có chỉ số giáo dục cao nhất châu Phi đã khiến Libya có mức GDP/đầu người cao nhất châu Phi.

Quân đội của lực lượng lãnh đạo lâm thời ở Libya đã giành chiến thắng trước
binh lính trung thành với ông Gaddafi trong cuộc chiến giành Sirte

Từ năm 2000, Libya đã tăng trưởng kinh tế trung bình 10,6% mỗi năm, mức cao nhất tại châu Phi. Trong 15 năm đầu ông lãnh đạo, số bác sĩ/1.000 dân đã tăng 7 lần, số gường bệnh tăng 3 lần. Tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh giảm từ mức 125/1.000 ca sinh xuống còn 15,04/1.000, tức là mức tốt nhất ở châu Phi khi đó.

Tuy nhiên Gaddafi bị cáo buộc có dính líu vào những hoạt động khủng bố tại cả các quốc gia Arập và ngoài Arập. Tới giữa thập niên 1980, ông bị các nước phương Tây coi là người cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế như giúp đỡ Phong trào “Tháng Chín Đen” gây ra vụ thảm sát Munich tại Olympics mùa Hè 1972. Ông cũng bị Mỹ buộc tội chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm soát vụ đánh bom vũ trường Berlin năm 1986 khiến hơn 200 người thương vong.

Trong hầu hết thập niên 1990, Libya phải chịu cấm vận kinh tế và cô lập ngoại giao, kết quả của việc từ chối cho phép dẫn độ sang Mỹ hay Anh 2 người Libya bị tình nghi đặt bom trên chuyến bay 103 của Pan Am, đã nổ tung trên bầu trời Lockerbie (Scotland).

Từ năm 1996, Gaddafi dần cải thiện quan hệ với thế giới phương Tây, bắt đầu bằng việc viết thư lên HĐBA LHQ nhận trách nhiệm liên quan tới vụ đánh bom Lockerbie. Gaddafi cũng đồng ý bồi thường 2,7 tỉ USD cho gia đình các nạn nhân và thanh toán hầu hết số tiền trong năm 2003. Hồi năm 2004, Ngoại trưởng Libya khi đó, ông Shukri Ghanem, nói với một phóng viên phương Tây rằng Gaddafi đã phải “bỏ tiền mua hòa bình” bởi không có bằng chứng nào cho thấy nước này có lỗi trong vụ đánh bom Lockerbie.

Dấu chấm hết cho một nhân vật lịch sử

Gaddafi cũng bắt đầu cung cấp thông tin chống khủng bố cho Anh, Mỹ và lần đầu ban lệnh truy nã trùm khủng bố Osama Bin Laden hồi năm 1998, sau khi nhân vật này giết hại một số sĩ quan an ninh của Đức ở Libya.

Năm 1999, Gaddafi đề nghị tiêu hủy kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình và lên án Al Qaeda sau vụ khủng bố ngày 11/9/2011.

Quan hệ giữa Libya và phương Tây trở nên vô cùng nồng ấm, tới mức Thủ tướng Anh Tony Blair đích thân gặp Gaddafi hồi năm 2004 và gọi ông là đồng minh mới trong cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao với Libya dưới thời Tổng thống G.W. Bush và quốc gia châu Phi được đưa ra khỏi danh sách các nước hỗ trợ khủng bố.

Trong bối cảnh mọi chuyện dường như đang yên ổn với Gaddafi thì đầu năm nay, hàng loạt hoạt động biểu tình chính trị đã diễn ra ở trong nước chống lại chính quyền của ông. Tới cuối tháng 2, tình hình dần trở nên mất kiểm soát và với sự can thiệp từ phương Tây theo hướng ủng hộ phe chống đối, Gaddafi đã dần bị đẩy về phía thua thiệt trong cuộc chơi. Liên quan tới những diễn biến mới, dù Gaddafi còn sống hay đã chết thì việc Sirte, thành trì cuối cùng của những lực lượng trung thành với ông, sụp đổ cũng đã đánh dấu chấm hết cho thể chế và vai trò lịch sử của ông.

Diễn biến ngày giao tranh quyết định

Trong ngày 20/10, lực lượng Chính phủ lâm thời Libya đã mở cuộc tấn công tổng lực tại Sirte và tuyên bố đã chiếm được những vị trí cuối cùng do các tay súng trung thành với ông Gaddafi nắm giữ.

Đại tá Yunus Al Abdali, người phụ trách các chiến dịch tại nửa phía Đông Sirte, nêu rõ: “Sirte đã được giải phóng. Hiện không có lực lượng nào của Gaddafi ở đây. Chúng tôi sẽ truy quét các tay súng trung thành với Gaddafi đang bỏ chạy. Một chỉ huy chiến trường khác cũng đã xác nhận thông tin chiếm được thành phố nằm ven bờ Địa Trung Hải này - thành trì lớn cuối cùng của quân Gaddafi.

Các phóng viên có mặt tại hiện trường cho biết quân chính phủ lâm thời Libya đã phát động nỗ lực cuối cùng nhằm kiểm soát Sirte vào lúc 8 giờ sáng ngày 20/10 và chiến dịch hoàn thành khoảng 90 phút sau đó. Trước khi cuộc tấn công diễn ra, lực lượng NTC đã tiêu diệt nhiều tay súng trung thành với ông Gaddafi khi họ rút chạy khỏi thành phố biển nói trên.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, ông Mahmoud Jibril, chỉ huy lâm thời của NTC đã tuyên bố ông có thể từ chức vào ngày hôm nay. Trong một bài phỏng vấn trên tờ Time của Mỹ, ông Jibril nói rằng ông mệt mỏi với những cuộc đấu đá chính trị trong nội bộ chính quyền mới của Libya.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link