Andy Murray vô địch Wimbledon 2016: Vị vua thứ tư

14/07/2016 20:33 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Andy Murray đã nằm trong Big Four từ khá lâu, nhưng có lẽ phải sau chiến tích tại Wimbledon vừa rồi, anh mới thực sự được xem như vị vua thứ tư của một kỷ nguyên đầy rẫy những tên tuổi lớn, như Roger Federer, Rafael Nadal, và Novak Djokovic.

Chức vô địch Wimbledon 2016 giúp Murray bứt hẳn khỏi... Stan Warinka, tay vợt đã giành 2 Grand Slam và được coi là kẻ tiệm cận Big Four. Đó là Grand Slam thứ 3 của Murray, sau 11 trận chung kết mà anh góp mặt.

Xuất sắc nhất so với phần còn lại

Một so sánh để thấy được tầm vóc của Murray: số trận chung kết Grand Slam mà anh đã chơi sánh ngang John McEnroe, Stefan Edberg, Mats Wilander, và xếp trên cả Boris Becker, người đang là thầy của Novak Djokovic. McEnroe và Wilander đã giành 7 Grand Slam trong khi con số này của Becker và Edberg là 6. Nhưng hãy nhớ, các huyền thoại trên không phải đối mặt với những tay vợt vĩ đại cỡ Roger Federer hay Novak Djokovic, như Murray từng trải qua ở 10 trận chung kết tính đến trước Wimbledon 2016.

Trong những lần chạm trán Federer, Djokovic, hoặc Rafael Nadal ở bán kết hoặc chung kết Grand Slam, thành tích của Murray là rất tệ: 4 trận thắng và 17 trận thua. Nhưng so với phần còn lại thì anh là vô đối: toàn thắng cả 10 trận. Thống kê ấy chứng tỏ Murray là tay vợt xuất sắc nhất, vượt trội nhất so với phần còn lại của thế giới, ngoài bộ ba nói trên.


Một so sánh để thấy được tầm vóc của Murray: số trận chung kết Grand Slam mà anh đã chơi sánh ngang John McEnroe, Stefan Edberg, Mats Wilander, và xếp trên cả Boris Becker

Dan Weston, một chuyên gia phân tích quần vợt, và cũng là một người chơi cá độ quần vợt chuyên nghiệp, tiết lộ rằng thành tích giữ break và giành break trong mỗi năm sẽ cho thấy tay vợt đó đẳng cấp như thế nào. Chẳng hạn như năm 1991, khi Boris Becker vô địch Australian Open – danh hiệu áp chót trong sự nghiệp của ông – và xếp ở ngôi số một được 12 tuần, tỷ lệ giữ break của ông là 84%, và tỷ lệ giành break là 27% (tổng cộng 111%). Còn Murray? Từ năm 2009 đến giờ, anh luôn đạt tỷ lệ thắng khi cầm giao bóng là 81 đến 86%, còn tỷ lệ giành break là 31 đến 36%. Theo cách tính của Weston, Murray đạt tổng cộng 118%, sánh ngang với Pete Sampras và Stefan Edberg ở thời kỳ đỉnh cao.

Dấu ấn Ivan Lendl

Trong quá khứ, Murray hay đánh mất mình bởi sự cáu giận, khiến anh mất bình tĩnh và tự hủy hoại các cơ hội. Nhưng càng có tuổi, sự chín chắn càng khiến anh khôn ngoan hơn. Tác động của Ivan Lendl dĩ nhiên, cũng rất lớn. Không phải ngẫu nhiên mà cả 3 Grand Slam của Murray, cũng như tấm HCV Olympic London 2012 đều có dấu ấn của huyền thoại này.

Ivan Lendl khiến Murray mạnh mẽ hơn. Một thống kê của tờ báo Hà Lan NRC Handelsblad đã chứng minh điều đó. Trước khi Lendl dẫn dắt Murray lần đầu tiên, tốc độ trung bình trong những cú forehand của tay vợt người Scot là 119 km/h. Sau khi được Lendl dẫn dắt, chỉ số này là 127 km/h. Còn khi Lendl ra đi, đó là 121 km/h.


Andy Murray ngày càng khôn ngoan

Nhưng lần này, tác động của Lendl với Murray không chỉ nằm ở tốc độ của những cú forehand. Trong lần tái hợp này, Lendl còn giúp Murray cải thiện rõ rệt độ chính xác của những cú đánh và hạn chế tối đa đánh hỏng. Trong trận thắng Nick Kyrgios ở vòng 4, Murray tung ra 36 cú winners trong khi chỉ mắc vỏn vẹn có 6 lỗi đánh hỏng. Ở trận bán kết trước Tomas Berdych, anh cũng chỉ mắc 9 lỗi đánh hỏng. Gặp Raonic khó chịu hơn, nhưng Murray cũng tung ra 39 winners và chỉ đánh hỏng 12 lần.

Sự trở lại của Lendl quả thực là một cú hích to lớn đối với Murray. Trong suốt hành trình đăng quang tại Wimbledon 2016, Murray chỉ thua vỏn vẹn 2 set (đều ở trận thắng Tsonga). 6 trận còn lại là sự kết hợp hoàn hảo giữa sự quyết liệt và hiệu quả. Nỗ lực của Murray khiến đối phương luôn phải đánh thêm một lượt nữa vào thời điểm mà anh ta nghĩ rằng đã có thể "chốt" được pha bóng ấy. Và hầu hết, những pha đánh thêm ấy thất bại.

Andy Murray hy vọng ‘giữ chân’ được HLV Ivan Lendl

Andy Murray hy vọng ‘giữ chân’ được HLV Ivan Lendl

Đương kim vô địch Wimbledon Andy Murray đang tìm một thỏa thuận chung để “giữ chân” ông Ivan Lendl, vị HLV đã giúp anh có được 3 giải Grand Slam trong sự nghiệp.


Raonic cũng không phải ngoại lệ. Suốt cả trận, Murray giành break đúng một lần, nhưng chừng đó là đủ để anh thắng set đầu. Trong hai set sau đó, Murray đã chứng tỏ cho tất cả thấy rằng không phải cứ giao bóng mạnh là chiếm lợi thế ở loạt tie-break. Chính khả năng di chuyển và trả giao bóng tuyệt vời mới là chìa khóa quyết định chiến thắng. Raonic, tay vợt đã thắng 20/26 loạt tie-break kể từ đầu năm, đã chỉ giành được vỏn vẹn 5 điểm ở hai loạt tie-break ấy.

Murray là tay vợt xuất sắc thứ 4 trong thế hệ của mình, nhưng có thể đó chưa phải điều cuối cùng để định nghĩa về anh. Sự quyết tâm trong mọi hoàn cảnh, cùng với niềm tin sắt đá vào thành công, còn giúp anh thành công hơn nữa. Tất nhiên, trong thành công ấy, vẫn sẽ có dấu ấn của Ivan Lendl.

Tổng kết Wimbledon 2016

Đơn nam: Andy Murray

Đơn nữ: Serena Williams

Đôi nam: Herbert/Mahut

Đôi nữ: Serena/Venus Williams

Đôi nam nữ: Kontinen/Watson

Đơn nam trẻ: Dennis Shapovalov

Đơn nữ trẻ: Anastasia Potapova

Đôi nam trẻ: Raisma/Tsitsipas

Đôi nữ trẻ: Arconada/Claire Liu

Murray đã "giải quyết" Raonic như thế nào?

1.Hóa giải những cú giao bóng

Tối Chủ nhật, Raonic đã tung ra những cú giao bóng với vận tốc lên đến 235 km/h, nhanh nhất tại Wimbledon 2016, song những cú nã đạn ấy không thể dọa nạt được Murray. Thật ra, Raonic chỉ giành điểm 67% trong những cú giao bóng một, thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của anh ở 6 trận trước đó (83%). Tỷ lệ trả giao bóng thành công của Murray cũng lên đến 74%.

2.Ổn định trong giao bóng

Trong suốt trận chung kết, tỷ lệ giao bóng một thành công của Murray luôn là xấp xỉ 70%. Tuy nhiên, anh đã ăn điểm ở 60 trong 69 lần giao bóng một, đạt tỷ lệ 87%, cao hơn rất nhiều so với con số 67% của Raonic (49/73). Khả năng giao bóng hai của Murray khá kém, chỉ 54%, nhưng vấn đề là chính Raonic cũng không tạo được áp lực đủ mạnh để khoét vào điểm yếu ấy của Murray.

3.Áp đảo từ cuối sân

Trước trận chung kết, rất nhiều người nghĩ rằng Raonic sẽ kiếm được điểm số từ những pha bóng ngắn dưới 4 lượt qua lại, nhưng thực tế, chính Murray laiij là người chiến thắng nhiều hơn ở những tình huống như thế. Trong cả trận, Murray chạy 2.367m trong khi Raonic chạy nhiều hơn một chút: 2430m. Murray cũng chỉ mắc 12 lỗi đánh hỏng, so với 29 của Raonic.

4.Nhỉnh hơn khi lên lưới

Raonic vẫn còn phải cải thiện nhiều về khả năng lên lưới. Trong số 74 lần lên lưới ở chung kết, anh thắng điểm 46 lần. Tỷ lệ 62% là không tệ, nhưng chưa là gì so với Murray (77%). Đặc biệt, những cú volley trên lưới của Raonic không đủ độ hiểm hóc cần thiết. Breakpoint duy nhất mà anh phải chịu xuất phát từ một cú volley forehand rúc lưới ở game thứ 7 của set đầu tiên.

Phương Chi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link