01/04/2016 20:13 GMT+7 | Bóng đá Anh
(Thethaovanhoa.vn) - “Brexit” không phải là từ tiếng Anh thuần nghĩa. Nó là một từ ghép giữa từ “Britain” và “Exit”- nói về việc đi hay ở của Vương quốc Anh khỏi Liên minh châu Âu. Đây là vấn đề chính trị được quan tâm bậc nhất ở xứ sương mù thời gian qua. Tưởng như nó xa xôi với bóng đá nhưng không hề. Tại Anh, đã xuất hiện nỗi lo nền bóng đá sẽ thay đổi hoàn toàn vì Brexit.
Ai sẽ chịu ảnh hưởng?
“Rời EU sẽ có tác động lớn tới bóng đá hơn là mọi người nghĩ. Chúng ta đang nói đến giấy phép lao động của cầu thủ ở Premier League. Trong ngắn hạn, chắc chắn Brexit sẽ gây ra những hậu quả”, người đại diện bóng đá Rachel Anderson cho biết.
Theo quy định hiện hành, cầu thủ có hộ chiếu EU sẽ được tự do chơi bóng tại Anh. Nếu ở nước ngoài EU, cầu thủ phải đáp ứng những tiêu chuẩn của Bộ nội vụ, trong đó quan trọng nhất là họ phải chơi cho những ĐTQG hàng đầu. Nghĩa là, đội tuyển đó phải có thứ hạng trung bình không quá 70 trên BXH FIFA trong 2 năm gần nhất và trong 2 năm ấy, cầu thủ phải đá khoảng 75% số trận chính thức cho đội.
Xét đội hình của hai giải hàng đầu ở Anh và Scotland, có tới 332 cầu thủ không đáp ứng điều kiện. Riêng tại Premier League, có tới hơn 100 cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, Aston Villa, Newcastle và Watford đối mặt nguy cơ mất đi 11 cầu thủ trong đội hình. Danh sách các cầu thủ sẽ bị tác động bởi Brexit ở Premier League có những ngôi sao như N'Golo Kante của Leicester City hay Dimitri Payet của West Ham mặc dù gần đây họ có ghi bàn cho tuyển Pháp.
Hiểu rõ được tình cảnh này, Phó Chủ tịch Karren Brady của West Ham, đã viết thư gửi tới ông chủ của các CLB Anh, cảnh báo họ về những “hậu quả nghiêm trọng” nếu Brexit được thông qua. Giám đốc Premier League, Richard Scudamore nhằm tránh những tác động tới làng bóng đá, đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ việc Anh vẫn thuộc EU.
Điều gì sẽ xảy ra?
Thực tế, ban tổ chức Premier League cho tới bây giờ cũng chưa thể hình dung được tình cảnh của cầu thủ quốc tế đang chơi bóng ở đây một khi Anh rời khỏi EU.
Các chuyên gia thì đưa ra những ý kiến trái chiều. Một số tin rằng tác động là rất xấu khi chất lượng của Premier League có thể bị giảm đi. Trong khi, số khác khẳng định Brexit sẽ tốt cho sự phát triển của bóng đá Anh bởi khi đó các CLB sẽ ưu tiên sử dụng “cây nhà lá vườn”. Các chuyên gia lạc quan hơn tin đây là cơ hội để kiện toàn quy định về giấy phép lao động ở Anh. “Tôi sẽ ngạc nhiên nếu quy định về giấy phép lao động không được tái kiểm định”, Giáo sư Raymond Boyle từ Đại học Glasgow cho biết.
Gợi ý của ông Boyle là tạo ra một hệ thống quota mới, giống như Sepp Blatter từng đề xuất ở FIFA. Hoặc nếu cần thiết sẽ tạo những thỏa thuận song phương giữa Anh với những nền bóng đá phát triển như Argentina hay Brazil để cầu thủ có thể dễ dàng tới xứ sương mù thi đấu.
Nhưng bàn luận vẫn là bàn luận. Những đề xuất đó có nên đi vào thực thi hay không, tất cả đều phụ thuộc vào việc Anh sẽ nói có hay không với Brexit. Đây là vấn đề rất khó đoán ngay cả khi thời hạn đã tới gần. Ngày 23/6 tới, Anh sẽ phải ra quyết định liệu có muốn tiếp tục gắn bó với EU hay không.
Bảo Thư
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất