Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 11): Cách nay 86 năm, có người Việt chế tạo được máy bay

18/10/2021 20:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/12/1935, chiếc máy bay mang tên “Con Rận Trời 132” (Le Pou du Ciel 132) do thợ máy Hồ Đắc Cung chế tạo đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm thành công tại một địa điểm cách Sài Gòn 80km với sự chứng kiến của Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện Câu lạc bộ Hàng không Nam Kỳ (l’Aréo-Club de Cochinchine) và phi công nổi tiếng Van den Born, Chủ tịch Câu lạc bộ Bay Nam Kỳ (Touring Chub d’Aérien de Cochinchine).

Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 10): Cổng chào ngày tiếp quản Hà Nội 10/10/1954

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 10): Cổng chào ngày tiếp quản Hà Nội 10/10/1954

“Cổng chào” như tên gọi là một kiến trúc để chào mừng một sự kiện nào đó, được đặt (xây, dựng) tại môt vị trí có liên quan đến sự kiện, thường trên đường đi lối lại.

Trên chiếc máy bay 2 thân cánh được trang bị động cơ Poinsard 25CV tự chế tạo, Hồ Đắc Cung đã thực hiện 3 lần cất hạ cánh, mỗi lần bay chừng 70m và trong lần hạ cánh cuối cùng gặp sự cố khiến người lái bị thương và thiết bị hư hỏng nhẹ. Những chuyến bay thử từng diễn ra từ tháng 10, nay mới thành công. Sự kiện được dư luận xã hội ghi nhận như một thành công của người Việt tìm tòi sáng tạo.

“Con Rận Trời”, là cách gọi một loại máy bay trở thành một trào lưu thịnh hành trong những năm 1930. Thành công vang dội của Henri Ford (Mỹ) trong việc sản xuất loại ô tô nhỏ, tốt, lại rẻ tiền cho số đông được đặt biệt hiệu là “Con Rận Xa Lộ” (Le Pou de la Route) đã khích lệ nhà sáng chế người Pháp Henri Mignet khởi xướng một trào lưu sản xuất và sử dụng loại máy bay cá nhân, nhỏ, nhẹ, tiện nghitối giản,rẻ tiền nên được gọi là “Con Rận Trời”. Trào lưu này phát triển mạnh đặc biệt ở các nước Tây Âurồi lan sang các thuộc địa, ban đầu chỉ đáp ứng nhu cầu thể thao và giải trí mạo hiểm hơn là vận tải…

Chú thích ảnh
Henri Mignet và 1 trong những “con rận” của ông

Sài Gòn là thuộc địa của Pháp, nên trào lưu này cũng lan đến giới người Âu. Và có một nhân vật người Việt duy nhất tham dự với sản phẩm là “Con Rận Trời” mang số hiệu 132. Người Việt đó tên là Hồ Đắc Cung sinh năm 1907 tại Huế, vốn là học sinh Trường Bảo hộ (Trường Bưởi Hà Nội, nhưng cũng có tài liệu nói là ông học Trường Nguyễn Phan Long ở miền Nam). Được nhận học bổng sang Montellier (Pháp), ông được học nghề tại Trường Kỹ nghệ và Điện Lực (École d’Industriel et d’Électricité) ở Marseille rồi ra làm việc tại một cơ sở đường sắt.

Về nước, vốn say mê với thú bay, sau một lần mua vé để bay lượn trên bầu trời Sài Gòn bằng máy bay “Émeraude”, Hồ Đắc Cung quyết định sẽ thực hiện ước mơ bằng việc tự chế tạo một “Con Rận Trời”. Ông mua sách của Mignet để học hỏi và dự kiến chế tạo một máy bay thân gỗ, đạt vận tốc 120km/giờ, đạt độ cao 3.000m. Ông đã bán hết gia sản, nhưng vẫn còn thiếu tiền. Sắm được một động cơ 6 sức ngựa thì không cất cánh nổi. Qua tờ Hà Thành Ngọ báo vận động tài trợ mãi mới được…17 đồng; gặp cả người thân đại gia “Công tử Bạc Liêu” vận động cũng không có kết quả…Cuối cùng, Hồ Đắc Cung quyết định viết thư xin Hoàng đế Bảo Đại mới về nước chấp chính. Trong thư, ông nói ước mơ “một người An Nam làm được một cái máy bay để bay trên bầu trời An Nam”…

Bất ngờ, ông nhận được một món tiền từ Bảo Đại gửi tới đủ để sắm một động cơ của Hãng Poinssard nổi tiếng có công suất 25 CV nhập từ chính quốc.

“Con Rận Trời 132” đã sẵn sàng cất cánh. Những cuộc bay thử đầu tiên được tổ chức từ tháng 10, nhưng phải đến ngày 3/12/1935 nó mới thành công.

Việc chế tạo của Hồ Đắc Cung còn được khích lệ bởi cuộc vận động thành lập “Ailes Tonkinois”, chi nhánh của Câu lạc bộ Hàng không Đông Dương đã góp phần tổ chức các cuộc bay thử và công nhận kết quả. Cùng thử nghiệm với Hồ Đắc Cung trong ngày 3/12/1935 còn có một phi công Pháp là Testelin cũng cất cánh với “con rận” của mình… Tin tức trên báo chí chỉ có vậy, hình ảnh của Hồ Đắc Cung rất hiếm và chất lượng thấp. Hơn thế cũng không rõ số phận của nhà sáng chế và “Con Rận Trời 132” sau này ra sao…nhưng cũng là một sự kiện đáng nhớ.

Chú thích ảnh
Một con rận nữa
Chú thích ảnh
Con rận cùng thời 1935
Chú thích ảnh
Một con rận trời năm 2014
Chú thích ảnh
Triển lãm “Con rận Trời” năm 2018
Chú thích ảnh
Chân dung Hồ Đắc Cung trên “Hà thành Ngọ báo”
Chú thích ảnh
Ông Hồ Đắc Cung cùng chiếc máy bay đang chế tạo
Chú thích ảnh
Tin không vui về sự quyên góp đăng trên “Hà thành Ngọ báo” ngày 17/5/1935
Chú thích ảnh
Phi công Henri Mignet -Người sáng chế ra "Con rận Trời"

(Còn tiếp)

QXN

* Tài liệu tham khảo:

-Bulletin Administratif de l’Annam, 15/9/1926.

- Hà thành Ngọ Báo,29/4, 17/5, 21/5, 2/6/1935.

- Khoa học, 1/12/1935.

- Tràng An, 22/10/1935.

- Les Annales Coloniales, 8/9/1936.

- Sông Hương, 31/8/2017.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link