Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 13): Hà Nội mình vốn nhìn thẳng ra sông

01/11/2021 19:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một trong những ý tưởng được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021 vừa qua là Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Hai nét đặc sắc nhất của đồ án chinh phục ban giám khảo là ưu tiên cho không gian cây xanh và hiện thực hóa giấc mơ “Hà Nội quay mặt ra sông”.

Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 12): Nghèo & sang

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 12): Nghèo & sang

Trên tường của căn phòng làm việc ở nhà, tôi có một bức tranh nhỏ vẽ cô gái ôm một bó hoa… Nó được đóng khung tựa như một bức tranh nhỏ thường thấy ở thế hệ các họa sĩ tài hoa nhưng đói nghèo, thiếu giấy, thiếu toile, thiếu cả màu vẽ…

Cái nổi tiếng một thời của Hà Nội nhiều cây xanh đã mai một cùng quá trình đô thị hóa quá nóng của nhiều thập kỷ gần đây và cũng đang dần được khắc phục. Còn mong ước Hà Nội được “quay mặt ra dòng sông” thì chẳng khác nói rằng “bao giờ cho đến... ngày xưa”!

Ngày xưa là cách nay cũng đã ngót ngét trăm năm. Phải là các bậc đại thọ như cụ Vũ Khiêu hay chữ (105 tuổi), Cụ “Hùm xám” Đặng Văn Việt đánh giặc giỏi (103) hay Cụ Lê Vượng, nhiếp ảnh gia từng đoạt Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (104 tuổi) vừa quy tiên thì mới đủ độ tuổi (8-10 tuổi) để có được ký ức về một Hà Nội, nói một cách văn vẻ là soi mình xuống lòng sông Hồng nước đỏ phù sa... còn trần thuật thì có mặt tiền nhìn thẳng ra sông. Chỉ từ sau cơn lũ lịch sử năm 1926 khiến nước dâng tràn đe dọa khu nội thành Hà Nội, người Pháp mới quyết định đắp đê chắn “mặt tiền” của Hà Nội nhìn ra sông Hồng.

Chú thích ảnh
Không ảnh cho thấy bờ sông gần cầu Doumer (Long Biên) trên bến dưới thuyền

Thuở mới đánh chiếm Hà Nội thì khu Đồn Thủy được thực dân Pháp khoanh đòi làm “nhượng địa” đầu tiên… rồi lấn dần, đến năm 1888 thì vua Đồng Khánh ký giao luôn cái lõi của tỉnh Hà Nội, tương đương với Thăng Long xưa cho Pháp để quy hoạch làm làm thành phố theo kiểu thức phương Tây. Thực dân chọn quanh Hồ Gươm làm trung tâm thương mại (nay là Tràng Tiền), hành chính của Bắc Kỳ và thành phố (nay là Đinh Tiên Hoàng và Ngô Quyền); mở đường Tràng Thi thọc xuyên hướng Tây Nam thành cũ (Cửa Nam) để chọn vùng Ngọc Hà trồng cây làm Bách Thảo, xây Dinh toàn quyền và mở mang Khu phố Tây.

Còn có một trục đường quan trọng ít ai chú ý là dọc theo bờ sông (nay là bờ đê) phía Đông khu phố cổ (nay là Đào Duy Từ, Trần Quang Khải…). Đó cũng là con đường được mở rộng, rải đá rồi tráng nhựa và lắp hệ thống chiếu sáng công cộng (bằng đất đèn, dầu hỏa rồi điện) sớm nhất thành phố.

Vì con đường trục dọc theo sông cũng chính là đi dọc hệ thống bến đỗ của các hãng vận tải đường sông của cả Tàu, Tây và Ta cũng như của dân chúng tứ xứ nối kết với Kẻ Chợ. Chỉ bước chân lên thuyền là đã đi vào chợ Đồng Xuân, các phố cổ theo ngả chân cầu Chương Dương bây giờ (xưa có trụ sở của Hãng tàu Bạch Thái Bưởi) hay vào luôn Tràng Tiền đô hội nhất của thành phố. Con đường này kéo đến Yên Phụ thì quặt vào Cổ Ngư đi thẳng vào trung tâm hành chính của toàn Liên bang, khép kín đường vành đai đầu tiên của Hà Nội.

Chú thích ảnh
Đoạn Cột Đồng hồ nay là đấu Cầu Chương Dương cũng vậy

Trục đường này nhìn thẳng ra sông, hay nói cách khác là rời đường là bước xuống bãi sông. Cầu Doumer (Long Biên) hoàn tất tuyến đường sắt (1902), rồi mở rộng 2 bên đường bộ (1923) càng làm cho trục đường này xứng đáng một thời có đoạn được đặt tên là “Kè Thương mại” (Quai de Commerce). Cuộc tổ chức diễu binh lớn nhất năm 1922 đón Thống chế Joffre diễn ra dọc con đường này, khán đài đặt tại vị trí nay là cổng Bảo tàng Cách mạng rồi rẽ vào Tràng Tiền…

Như thế là Hà Nội vốn có mặt tiền nhìn ra sông Hồng chỉ đến trận lũ 1926 cao đến mức chính quyền thực dân phải đưa ra “Chương trình 1926” (Programme 1926) để củng cố hệ thống đê điều Bắc Kỳ và xây mới một đoạn đê nối từ Yên Phụ xuống Vĩnh Tuy.

Kể từ đó, tầm mắt của người dân Hà Nội bị che chắn bởi con đê, không nhìn thấy dòng sông của mình nữa. Nó không chỉ làm cho người Hà Nội mất đi tiềm thức về một dòng sông mà nó cũng làm tắt đi cơ hội phát triển bờ phía Bắc của con sông.

Vì vậy ý nghĩa của Đồ án đoạt giải kể trên không chỉ mở tầm nhìn từ bờ Nam mà không kém phần quan trọng là tạo cơ hội cho bờ Bắc phát triển hoàn chỉnh hình thái của một thành phố bên sông của Thủ đô Hà Nội. Để chứng minh những điều đã nói ở trên, xin hãy xem một vài trong rất nhiều tấm ảnh tư liệu đăng kèm theo.

Cách đây 67 năm, sau chiến trận Điện Biên, viên tướng (Đại tá nhận quân hàm cấp tướng vào đúng lúc thất trận) De Castries đã đưa ra một thắc mắc rất hay về Hà Nội với một sĩ quan của ta, lúc giải lao trong một buổi thẩm vấn tù binh. Ông nói, đại ý, từ Pháp bay sang Đông Dương, dừng lại Hà Nội chỉ 3 ngày rồi lên Điện Biên Phủ nhận nhiệm vụ, nhưng đã kịp nhận ra Hà Nội thật đẹp, cầu Long Biên tựa cái tháp Eiffel ngả mình trên dòng sông. Nhưng tại sao thành phố này lại quay lưng với dòng sông của mình? Tại sao thành phố này không biết biến dải bãi bồi trên dòng sông thành một hòn đảo cây xanh, nghỉ dưỡng và giải trí cho cả thành phố?

Thì những ý tưởng của vị khách không mời mà đến Hà Nội của chúng ta hình như cũng… nằm trong Đồ án vừa nhận giải Bùi Xuân Phái?!

Chú thích ảnh
Mặt tiền nhìn ra sông Hồng là con đường rộng trải nhựa và có đèn thắp sáng
Chú thích ảnh
Nhiều công sở xây trên mặt tiền nhìn ra sông
Chú thích ảnh
Cột Đồng hồ còn là một quảng trường rộng
Chú thích ảnh
Chân cầu Doumer thoáng rộng không che chắn
Chú thích ảnh
Bến tàu nơi chân cầu Doumer thoáng và tấp nập
Chú thích ảnh
Tây lo củng cố kè khu vực Đồn Thủy
Chú thích ảnh
Lụt 1926 đẩy thuyền sát đường
Chú thích ảnh
Lụt tràn đê bờ Bắc cầu Doumer

(Còn tiếp)

QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link