29/11/2021 11:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 10 năm, năm 2011, Tạp chí Xưa&Nay có làm một bộ lịch (phát hành năm Nhâm Thìn 2012), và cùng nhạc sĩ Thụy Kha cho ra mắt cuốn biên khảo Vẻ đẹp tròn thế kỷ để kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội. Thấm thoắt đến tháng 12 này, Nhà hát Lớn Hà Nội lại có thêm một thập kỷ tuổi nữa.
Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY
Người viết về lịch sử phương Tây thường hay nhắc đến lời nhận xét: “Khi chinh phục được một miền đất mới, người Tây Ban Nha trước tiên sẽ xây nhà tù; người Italy sẽ xây nhà thờ; còn người Pháp sẽ xây…nhà hát”.
Thực tế chưa hẳn đã như vậy, nửa cuối thế kỷ 19, đế quốc Pháp xâm chiếm nước ta vẫn xây nhà tù và nhà thờ trước…nhưng chắc chắn rằng đã xây một đô thị lớn thì người Pháp đều quan tâm đến một nơi để diễn kịch, xem hát để thỏa mãn những nhu cầu nghệ thuật trình diễn.
Nơi xây nhà hát sớm nhất cũng là nơi người Pháp chiếm đóng sớm nhất - Sài Gòn (1900). Ngoài Bắc thì nơi sớm lại là…Hải Phòng vì cho đến trước khi có chiếc cầu thép bắc qua sông Hồng (mang tên Toàn quyền Doumer) thì Hải Phòng vẫn là đô thị phát triển sớm hơn về nhiều phương diện so với Hà Nội. Về Nhà hát Thành phố Hải Phòng, đến nay, Wikipedia và nhiều tác giả vẫn lấy thời điểm khởi công là 1904 và hoàn thành là tháng 12/1912, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy Nhà hát thành phổ Cảng đã “sáng đèn” ngay từ năm đầu đầu thế kỷ 20…
Còn Hà Nội thì ý tưởng xây nhà hát cũng có từ lúc công trường xây cầu đang bước vào công đoạn lắp các kết cấu thép (1899), lúc đóToàn quyền Paul Doumer đã đưa ra dự kiến xây nhà hát vì ông ta biết rằng có cầu rồi Hà Nội sẽ trở thành thủ đô hành chính của Đông Dương, dân số và nhất là cộng đồng người Âu sẽ tăng đột biến.Ngày 25/1/1901, người Pháp đã chọn được nhà thầuvà thiết kế của 2 kiến trúc sư Harley và Lagisquet. Ngày 7/6/1901 đã làm lễ khởi công…nhưng phải đến đêm 9/12/1911, tức là hơn 1 thập kỷ sau mới “đỏ đèn” trình diễn vở nhạc kịch (opéra) Chuyến đi của ông Perrichon do đoàn kịch Philarmonique diễn và được coi như sự kiện khánh thành, mặc dù những ghi chép đương thời cho biết nhiều hạng mục kiến trúc cũng như nội thất chưa hoàn tất.
Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn được coi là một kiến trúc đặc sắc trong hệ thống các nhà hát trên thế giới đương thời. Lúc mới xây, có người lo nhà hát quá lớn so với một Hà Nội còn rất nhỏ nhưng người chủ trương có tầm nhìn của cuộc khai thác thuộc địa lần thứnhất đã cảnh báo rằng rồi sẽ thấy nó nhỏ bé khi Hà Nội sẽ rộng lớn, và hơn thế, nhà hát này sẽ không bao giờ mất đi giá trịkiến trúc mỹ thuật của nó. Còntrong 3 “nhà hát Tây” của nước ta thì Sài Gòn và Hải Phòng không thể sánh nổi về mọi mặt với Nhà hát Thành phố Hà Nội.
Trước khi có Nhà hát Lớn, Hà Nội chỉ có một rạp hát của người Tàu mang tên Takou ở phố Hàng Cót (cũng có thời gọi là Phố Takou). Với người Việt vẫn quen thưởng thức nghệ thuật trình diễn ở những chiếu chèo hay tuồng ở làng quê hoặc các sinh hoạt có phần riêng tư và kín đáo trong các xóm hát hay tại tư gia với loại hình dân gian được nâng lên thành tài tử như ả đào, ca trù…và cũng đôi khi bị biến tướng.
Sinh hoạt nghệ thuật cộng đồng theo lối phương Tây ban đầu diễn ra ở một ngôi rạp xây tạm bên Hồ Gươm trước Đền Ngọc Sơn (sau chuyển thành rạp chiếu bóng ban đầu có tên Pathé, sau đó là Variété). Rồi để phục vụ đám lính Tây đóng trong thành Cửa Đông, người Pháp mua luôn Rạp Takou, khai trương vào dịp Giáng sinh (24/12/1888). Nhưng để dồn tiền đầu tư xây Nhà hát Lớn, Hội đồng thành phố cũng quyết bán luôn rạp hát này cho dự án xây một trường nữ sinh lấy tên một nữ soạn kịch người Pháp (Brieux), nay chính là địa điểm của Trường Thanh Quan (Trường Hàng Cót).
Nhà hát Lớn được xây trên mặt bằng gần 3.000 mét vuông, đầu một con đường được đặt tên là Paul Bert, Tổng trú sứ Trung và Bắc Kỳ, người có công khởi động xây dựng Hà Nội và chết vì bệnh dịch tại chính chốn này. Ở Bảo tàng mang tên Paul Bert ở quê hương Auxerre bên Pháp vẫn còn lưu giữ được tấm biển tên phốbằng gỗ và được khảm trai-ốc, dấu ấn của một làng nghề nổi tiếng đã bị giải tỏa đất để xây những công trình hạ tầng đầu tiên của Hà Nội. Dấu ấn ấy chỉ còn lưu lại trên đoạn phố nối đường Paul Bert về phía Bờ Hồ, đó là Phố Hàng Khay…
Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ có hơn 30 năm hoạt động dưới chế độ thuộc địa như một địa điểm sang trọng của sinh hoạt nghệ thuật của người Pháp và một bộ phận người Việt của tầng lớp thượng lưu. Nhưng ngay trong hoàn cảnh lịch sử ấy, nó cũng đã ghi nhận được một số hoạt động tích cực của giới hoạt động nghệ thuật người Việt Nam, với mong muốn tiếp nhận những giá trị văn hóa mới, tiên tiến của phương Tây nên cũng trở thành cái nôi của kịch nói Việt Nam bằng việc dựng những vở kịch của Molière do người Việt thực hiện hay chính những vở kịch của Việt Nam mà chúng ta vừa kỷ niệm 100 năm ra đời bộ môn này… Đặc biệt là những cuộc trình diễn nghệ thuật thời tiền khởi nghĩa của học sinh, sinh viên, hướng đạo sinh với những chương trình nghệ thuật kêu gọi lòng yêu nước và khát vọng độc lập từ những cảm hứng lịch sử…
Cho nên, không phải tự nhiên, tất cả những sự kiện quan trọng nhất của Hà Nội cũng như quốc gia mở ra từ thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945… cho đến ngày nay, Nhà hát Lớn và Quảng trường của nó luôn là nơi tổ chức và chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng, xuất hiện những nhân vật của lịch sửkhông chỉ trong các sinh hoạt nghệ thuật cách mạng mà cả lịch sử của chính cuộc cách mạng diễn ra trên Thủ đô và đất nước Việt Nam. Quốc hội sử dụng tòa nhà này từ khi mới lập (1946) cho tới ngày Mỹ đưa chiến tranh phá hoại ra gần Hà Nội (1964)…
Nhà hát Lớn Hà Nội xứng đáng có một không gian bảo tàng phản ánh sự sang trọng đồng hành cùng nền văn hóa dân tộc thời cận-hiện đại.
(Còn tiếp)
QXN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất