06/06/2022 19:54 GMT+7 | Văn hoá
Kỳ thi Hương năm Đinh Dậu (1897) được tổ chức tại trường thi Nam Định, vào thời điểm đấy được gọi là Trương thi Nam Hà vì Hà Nội lúc này đã trở thành “thành phố nhượng địa của Pháp” (từ 1888). Kỳ thi này khai mạc vào sáng sớm ngày thứ Ba, 10/11/1897, thu hút sĩ tử gần như toàn Bắc Kỳ đến dự.
Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY
Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã yêu cầu được có mặt, cùng đi có các quan chức thuộc địa và cựu đại thần Nguyễn Trọng Hợp.
Con số chính thức được công bố là kỳ thi này có 11.400 thí sinh và nếu cộng cả người nhà đi theo để phục dịch sĩ tử, thì lên đến 6 vạn người.
Sau lời khai mạc của Công sứ Nam Định, Toàn quyền Đông Dương đã lên tiếng khích lệ sĩ tử giữa tiếng súng chào mừng sự có mặt của người đứng đầu thuộc địa vang lên từ 2 chiến hạm Jacquin và L’ Avalanche đậu ngoài sông và sự có mặt của đông đảo binh lính và lực lượng an ninh được điều đến để đón tiếp và bảo vệ các vị khách quan trọng.
Tại kỳ thi này, Toàn quyền Đông Dương quyết định lấy tăng thêm 18 cử nhân và 34 tú tài nâng tổng số lên thành 78 cử nhân và 234 tú tài.
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, khi viết hồi ký (1903), Paul Doumer có giải thích lý cho việc mới đến nhậm chức vào tháng 2/1897, thì tháng 11 năm đó ông đã đến dự lễ khai mạc kỳ thi này mặc dù chủ trương của Pháp là từng bước hạn chế và thay thế việc học và thi cử bằng chữ Hán bởi một nền giáo dục phổ cập dựa trên tiếng Pháp và quốc ngữ, dần bãi bỏ chữ Hán trên cả phương diện thi cử và hành chính. Chủ trương này phải đến hai thập kỷ sau (1919), dưới triều Khải Định và dưới quyền Toàn quyền Albert Sarraut mới thực hiên được.
Lý do được Toàn quyền Paul Doumer đưa ra là vào thời điểm đó hiện tượng Kỳ Đồng đã và đang tác động mạnh mẽ vào nông dân đồng bằng Bắc Bộ như một phong trào bề ngoài mang tính dị đoan nhưng lại chứa đựng một tinh thần chống Pháp. Vào thời điểm này, chính quyền thuộc địa sau khi thất bại trong những cuộc tấn công vào căn cứ Yên Thế, đã buộc phải hòa hoãn với Đề Thám đang trấn giữ một vùng đất rộng lớn ở thượng du Bắc Kỳ.
Nói thêm về Kỳ Đồng: Tên thật là Nguyễn Văn Cẩm sinh năm 1875, lên 8 tuổi đã nổi tiếng là thông minh như “thần đồng” được Tự Đức ban khen, kèm theo nhiều câu chuyện dân gian thêu dệt như một nhân vật mai sau sẽ có vai trò trọng đại với thời cuộc...
Sau khi chiếm được Bắc Kỳ, để trừ hậu họa, chính quyền thực dân chiếm đóng đưa Kỳ Đồng qua Pháp học cho đến năm 1896 thì đưa về nước. Nhưng tiếng tăm và ảnh hưởng của nhân vật này vẫn âm ỉ trong dân chúng đang nung nấu mong muốn đánh đuổi quân xâm lược và Pháp còn phát hiện nhiều biểu hiện Kỳ Đồng âm mưu kết nối với Đề Thám…
Chính vì thế, một trong những việc làm đầu tiên của Paul Doumer khi mới nhậm chức (13/2/1897) là tìm cớ bắt giữ Kỳ Đồng (22/9) và một lần nữa đầy nhân vật “gây nhiều rắc rối” cho người Pháp này ra khỏi đất nước của mình đến các quần đảo Nouvelle Calédonie, Tahiti và Marquises lưu đầy cho đến khi chết (1929).
Do vậy, vào thời điểm “nhạy cảm” này, việc tập trung tới 6 vạn người từ khắp nới đến Trường thi Nam Định, một trung tâm kinh tế, văn hóa chỉ đứng sau 2 thành phố nhượng địa là Hà Nội và Sài Gòn dễ gây ra các vụ lộn xộn cho an ninh Bắc Kỳ là điều đáng quan ngại. Sự có mặt của Toàn quyền Đông Dương ở sự kiện này sẽ là cớ để chính quyền điều động tàu bè và quân lính đến thị uy và trấn áp khi cần thiết.
Hồi ký của Doumer có đoạn thuật lại: “loạt súng mà các pháo hạm chào đón tôi với nòng pháo 90mm, sự hưởng ứng của loạt tàu vũ trang và những người mang súng tháp tùng tôi là lời khuyên những kẻ quá khích phá rối phải thận trọng...” .
Năm 1900, P.Doumer cũng dự lễ bế mạc của một kỳ thi khác, ngoài các tặng phẩm trao cho các người đỗ đạt, viên Toàn quyền còn tuyển chọn một người đưa về làm trợ lý ở Phủ Toàn quyền.
Cũng vì sự có mặt của người đứng đầu Đông Dương mà các phóng viên nhiếp ảnh đã có cơ hội tiếp cận và ghi lại những hình ảnh về một sinh hoạt quan trọng của triều đình và dân chúng bản xứ khi tổ chức các cuộc thi thường niên để tuyển chọn nguồn nhân lực quốc gia. Tác giả những bức ảnh này được ghi nhận là Salles một nhiếp ảnh gia để lại nhiều hình ảnh có giá trị lịch sử thuở ban đầu của thuộc địa Đông Dương.
QXN
* Tài liệu tham khảo: “L’Extrême Orient” số 11 ngày 14-11-1897; Paul Doumer (2016) - Xứ Đông Dương L’Indochine Francaise (hồi ký). Alphabooks & NXB Thế giới, H.,, tr.253-259. Société de Géographie - Quand les francais découvraient l’Indochine của Geoges Buis và Charlé Daney< Herscher, 1981, tr.84-96.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất