03/10/2022 18:48 GMT+7 | Văn hoá
Cuộc đấu xảo khai mạc ngày 15/3/1887 ở Hà Nội đã được tờ Avenir du Tonkin (Tương lai xứ Bắc kỳ) đưa tin "mỗi ngày có tới bốn ngàn người tới xem".
Xem chuyên đề "Ảnh = Ký ức = Lịch sử" TẠI ĐÂY
Rồi một cuộc dạ hội hoành tráng được tổ chức theo cung cách Tây phương ngay tại đấu xảo ngày 31/3/1887 cũng đã được dư luận người Âu ở thuộc địa đánh giá rằng Hà Nội sẽ sớm trở thành một thành phố mang văn hóa Tây phương. Thành phố này sẽ là nơi lý tưởng cho dân Pháp đến định cư, làm ăn.
Cuối thế kỷ XIX, nước Pháp đã đánh chiếm, rồi biến Việt Nam cùng với Lào và Campuchia thành thuộc địa, gọi chung là xứ Đông Dương thuộc Pháp (Indochine Francaise). Chiếm đến đâu, người Pháp lập tức tổ chức khai thác thuộc địa và để thực hiện mục tiêu đó, chính quyền thực dân tổ chức các hoạt động kinh tế theo phương thức của tư bản phương Tây.
Việc quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường được tổ chức dưới hình thức các cuộc triển lãm (exposition), thường gọi là “đấu xảo” (so bì sự tinh xảo), để nhấn mạnh tính cạnh tranh của sản phẩm. Đấu xảo cũng nhằm giới thiệu sản phẩm hàng hóa và tạo cơ hội giao dịch thương mại, mà thuở đó, các sản phẩm vượt trội thường được vinh danh…
Cuộc "đấu xảo" đầu tiên được tổ chức tại Sài Gòn (1866) chỉ vài ba năm sau khi 6 tỉnh Nam kỳ trở thành thuộc địa. Tuy nhiên, cuộc đấu xảo này chỉ diễn ra với quy mô nhỏ tại địa điểm nay là Thảo Cầm Viên, giới thiệu sản phẩm của Nam kỳ, chủ yếu là các nông sản trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt cùng các đặc sản xứ nhiệt đới… Đấu xảo Sài Gòn khai mạc ngày 25/2/1866, ngoài các quan cai trị thực dân có cả Khâm sai triều đình là Phan Thanh Giản, một số hoàng thân quốc thích từ Campuchia, Nhật Bản… tham dự.
Còn ở Bắc kỳ, chỉ sau khi Pháp buộc triều đình Huế ký "hòa ước" chấp nhận sự bảo hộ (1883) và trước khi Hoàng đế Đồng Khánh trao Hà Nội (cùng Hải Phòng và Đà Nẵng) làm "nhượng địa" để Pháp lập thành phố trực tiếp quản lý (1888) thì một cuộc "đấu xảo" với quy mô lớn hơn Sài Gòn đã được mở.
Khu "trường thi" vốn bị quân Pháp chiếm đóng và tại đó mới xây "Dinh Kinh lược" cho đại diện triều đình từ Huế ra ngự để tỏ rõ chủ quyền cai trị của nước Pháp đối với Bắc kỳ đã trở thành địa điểm tổ chức đấu xảo. Trên diện tích tới 75.000m2, lấy Dinh Kinh lược làm trung tâm của sự kiện, nhiều sản vật về nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên khoáng sản, nghề thủ công của Bắc và Trung kỳ cùng những gian hàng của Nam kỳ và một số sản phẩm từ Pháp gửi sang đã được trưng bày.
Để phô bày nền văn minh của chính quốc, phiên bản (nhỏ nhất) bức tượng Nữ thần tự do của nhà điêu khắc Frédéric Auguste Bartholdi được Công ty G. Gauthier - cùng với chiếc đầu tàu hơi nước chạy trên đường ray nhãn hiệu Décauville - từ Paris được gửi sang thuộc địa để trưng bày tại Đấu xảo Hà Nội 1887.
Sau đấu xảo, chiếc đầu tàu Décauville được huy động vào việc san nền, lấp đầm hồ trong quá trình quy hoạch Hà Nội. Còn bức tượng, ở Việt Nam, “bị” đổi tên thành Bà công lý (Madame de Justice), dù là tự do và công lý là hai nữ thần rất khác nhau. Ban đầu, tượng đặt tạm ở trụ sở Hội Tam Điểm tại phố Mã Mây, rồi chuyển ra bờ hồ Hoàn Kiếm. Vì phải lấy chỗ đặt tượng Tổng trú sứ Paul Bert, nên tượng Bà đầm xòe (theo cách gọi dân gian) lại được gắn trên chóp Tháp Rùa. Sau một thời gian bị dư luận phản đối mạnh mẽ, năm 1896, tượng lại chuyển ra đặt tại Vườn hoa Cửa Nam (Place de Neyret) cho đến 1/8/1945 thì bị Thị trưởng Trần Văn Lai hạ đổ, rồi ít năm sau trở thành vật liệu đúc tượng Phật ở Ngũ Xã (1952)…
Còn về lời dự báo về “thành phố mang văn hóa Tây phương” năm 1887, chỉ một năm sau đã trở thành hiện thực khi Hoàng đế Đại Nam Đồng Khánh ban sắc dụ giao cái lõi không gian của Thăng Long xưa cho Pháp làm nhượng địa để quy hoạch và xây dựng một thành phố thuộc địa theo mô hình của chính quốc. Từ đó, Hà Nội cũng là một trung tâm quảng bá hình ảnh thuộc địa với các cuộc đấu xảo, hội chợ được tổ chức sau này.
QXN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất