Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội

13/03/2023 18:51 GMT+7 | Văn hoá

Như bài 1 ở kỳ 61 của chuyên mục đã đề cập, những tượng đài được dựng vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, quanh Hồ Hoàn Kiếm, đã khởi đầu cho việc quy hoạch và xây dựng Hà Nội thành một thành phố thuộc địa.

Khu phố cổ nằm ở phía Bắc Hồ Hoàn Kiếm về căn bản được bảo tồn và chỉnh trang hạ tầng. Không gian phía Nam hồ được quy hoạch để xây khu phố mới và mở rộng về phía Tây, kéo dài tới Bách Thảo, đến sát Hồ Tây, để làm khu công sở và nơi ở tầng lớp trên. Cây xanh và công viên to nhỏ tập trung tại đây cùng các loại hình nghệ thuật và kiến trúc đô thị phương Tây. Việc chuyển tượng Bà Đầm Xòe ra Cửa Nam là dấu ấn đầu tiên.

Bước vào thế kỷ XX, Hà Nội được khởi động bằng hai sự kiện là dựng xong cầu thép bắc qua sông Hồng và tổ chức Đấu xảo Hà Nội 1902. Một số tài liệu đã nhầm khi mô tả tại quảng trường trước khu đấu xảo (nay là Quảng trường 1/5) có dựng một tượng đài của nhà điêu khắc nổi tiếng của nước Pháp là Théodore Rivière (1857-1912) lấy tên là La France (Nước Pháp). Nhưng thực tế, tượng đài này đã được dựng trước Phủ Toàn quyền, nó lớn đến mức khó có thể đúc đồng và đưa từ Pháp sang như tượng Paul Bert, hoặc Đầm Xòe, nên phải thể hiện bằng… bê-tông.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 1.

Tượng Nước Pháp trước cửa Phủ toàn quyền

Tượng đài mang hình ảnh một người phụ nữ tượng trưng cho nước Pháp ngự trên ngai, còn phía dưới là những điêu khắc biểu tượng nhân cách hóa sông Hồng và sông Mê Kông, cùng mấy nhân vật bản xứ…

Khối lượng quá đồ sộ và chất liệu quá tầm thường, nên tượng đài La France bị dư luận chê là làm xấu tiền cảnh của Phủ Toàn quyền… Do vậy, nó sớm bị phá bỏ, sau khi trường trung học danh giá nhất đương thời là Lycée Albert Sarraut được xây, đang cần xây khu sinh hoạt thể chất (cercle sportif), gồm bể bơi và sân quần vợt.

Cũng mang tính biểu tượng, Hà Nội từng có một bức tượng mang chất lượng nghệ thuật đẹp. Tượng không lớn, tạc một người phụ nữ với dáng vẻ mềm mại, đang gieo hạt giống xuống cánh đồng. Đó là sáng tác của nhà điêu khắc Pháp Oscar Roty (1846-1911), từng sang Đông Dương làm tượng vua Cao Miên và Toàn quyền Doumer, người khi làm Bộ trưởng Tài chính đã chọn mẫu của ông để dập vào đồng tiền kim loại của nước Pháp. Ở Hà Nội, tượng được đặt trên một bệ đá và những người am hiểu đều liên tưởng đến chủ đề rất phổ biến ở chính quốc là "Monument de la France Sameuse" ("Nước Pháp gieo hạt", với hàm ý đang gieo hạt văn minh).

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 2.

Tượng Nước Pháp và Trường Lycée Albert Sarraut

Nhưng oái oăm thay, tên gọi chính thức được khắc trên bệ đá lại là "Monument aux Morts de la Garde indigène" (Tưởng niệm những lính khố xanh chết trận). Lính khố xanh là sắc binh người bản xứ làm nhiệm vụ bảo vệ trị an nội địa, phân biệt với lĩnh khố đỏ (tirailleur) là sắc lính chính quy hỗ trợ cho quân đội thuộc địa ở Đông Dương và hải ngoại. Tượng đặt tại vườn hoa nhỏ giáp với 3 phố, nay là Tràng Thi, Quang Trung và Nhà Chung, được khánh thành vào ngày 19/12/1924.

Ở Hà Nội không có tượng những chính khách lớn của nước Pháp như Thủ tướng Jules Ferry (1832-1893) ở Hải Phòng, hoặc Léon Gambetta (1838-1882) ở Sài Gòn, nhưng có nhiều nhân vật của xứ Đông Dương được dựng với quy mô nhỏ. Ví dụ như Chavassieux (1848-1895), mang hình thức đài bia, dựng ở trước dinh Thống sứ và Van Vollenhoven (1877-1918) trong vườn Bách Thảo, cả hai đều từng là quyền Toàn quyền Đông Dương.

Với cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, nước Pháp là người thắng trận, nên ngày 11/11, ngày đình chiến hàng năm, được tổ chức như lễ chiến thắng. Năm 1920, nhân ngày chiến thắng và kỷ niệm 50 năm nền Đệ tam cộng hòa (1870-1920), một tượng đài khá lớn được dựng ngay giữa quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, với biểu tượng con gà Gaulois đậu trên đỉnh và gần đó (tại vườn hoa Tôn Đản) dựng tượng đài kỷ niệm Thống chế Foch (1851-1929), nhà chỉ huy quân sự của cuộc đại chiến. Nhưng đây chỉ là  tượng đài xây tạm (monument provisoire). Những tượng đài chính thức kỷ niệm những người chết trận trong Đại chiến I được dựng muộn hơn (sẽ trình bày trong bài tiếp theo). Do vậy những công trình này sau kỷ niệm không lâu bị dỡ bỏ.

Hà Nội thời thuộc địa còn 2 tượng đài nhỏ khác gắn với tên tuổi của 2 nhân vật đối nghịch nhau trong lòng dân bản xứ. Một mẫu hình thực dân là tượng của Jean Dupuis (1828-1912) trong vai nhà buôn, nhưng hành xử như kẻ khiêu khích để khởi động cuộc xâm lược của Pháp ra Bắc kỳ (1873). Nhưng khi dựng tượng và bức phù điêu đặt tại gần cửa Ô Quan Chưởng vào năm 1931 thì người Pháp gắn cho nhân vật này danh xưng "Người phát kiến Sông Hồng" (Explorateur du Fleuve Rouge) (!?). Tất thảy những tượng đài được mô tả ở trên đều bị dỡ bỏ vào ngày 1/8/1945 theo lệnh của Thị trưởng Trần Văn Lai, khi coi đó là "tàn tích thực dân".

Duy chỉ có một bức tượng được giữ cho đến ngày nay chính là tượng bán thân của Louis Pasteur (1822-1895), nhà y học đã góp phần cứu sống nhân loại khỏi dịch bệnh, là người đã lập hệ thống các viện Pasteur trên toàn thế giới và ở Đông Dương. Tượng của Pasteur ban đầu được đặt bên Hồ Hoàn Kiếm, sau đó được đưa về khu vực công viên trước trụ sở viện mang tên ông ở Hà Nội, được khánh thành ngày 7/11/1931.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến việc tưởng niệm một nhân vật mà sự đánh giá đến nay còn chưa thực rõ ràng. Đó là nhà bia Alexandre de Rhodes (1591-1660), người góp phần (đương thời được coi là "ông tổ") "làm ra" chữ quốc ngữ, ở ngay bên vách đền Bà Kiệu, khánh thành ngày 29/5/1941. Chủ trương dựng bia là của Hội Truyền bá quốc ngữ, nhưng được giới thực dân Pháp ủng hộ trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với phát xít Nhật đang lấn quyền… Tấm bia, tiếp đó là nhà bia, bị phá bỏ sau ngày ta Tiếp quản Thủ đô, rồi lấy đất để dựng tượng Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, đến nay vẫn còn…

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 4.

Tượng tưởng niệm lính khố xanh

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 5.

Tượng đài kỷ niệm 50 năm nền cộng hòa, dựng tạm trước Nhà hát Lớn Hà Nội

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 6.

Tượng Thống chế Foch tại vườn hoa Tôn Đản

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 7.

Tượng quyền Toàn quyền Vollenhoven trong vườn Bách Thảo

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 8.

Đài bia tưởng niệm Chavassieux trước dinh thống sứ

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 9.

Tượng bán thân Jean Dupuis

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 10.

Phù điêu sự kiện Jean Dupuis tại Hà Nội

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 11.

Tượng bán thân Pasteur khi còn ở bờ hồ Hoàn Kiếm

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 12.

Tượng Pasteur ở Sài Gòn, trong viện mang tên ông

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 13.

Học giả Nguyễn Văn Tố và Toàn quyền Decoux khánh thành nhà bia Alexandre de Rhodes

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 14.

Toàn quyền Decoux mở bia Alexandre de Rhodes

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 15.

Tượng Gambetta ở Sài Gòn

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 62): Những tượng đài đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 16.

Tượng Jules Ferry tại Hải Phòng

(Còn nữa)

QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link