Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền

03/07/2023 19:31 GMT+7 | Văn hoá

Toàn quyền (gouverneur général) là một chức vụ như chính tên gọi của nó là người có quyền lực nhất ở các thuộc địa của nước Pháp ở hải ngoại (France d'Outre-Mer), trong đó có Đông Dương (Indochine). Không biết chức vụ này khó và nặng nhọc đến chừng nào mà trong 18 vị ấy thì phần lớn thời gian tại vị chỉ được từ 1 đến 3 năm là thay; có tới 3 vị chết ngay giữa nhiệm kỳ.

Đông Dương được hiểu gồm Việt Nam (bị thực dân chia làm 3 xứ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ) và 2 vương quốc Campuchia, Lào. Kể từ khi được xác lập (1887) đến lúc chế độ thuộc địa Pháp bị sụp đổ sau cuộc đảo chính của phát xít Nhật (9/3/1945), đã có tổng cộng 18 toàn quyền đã được bổ nhiệm.

Một số toàn quyền gặp nạn như: Paul Bert bị chết dịch (1886); Armand Rousseau mới làm được 2 năm đã chết bệnh (1896); Maurice Long mới làm 3 năm thì đột tử trên đường trở về nước (1923); Pierre Pasquier sắp được 5 năm thì tử nạn trên đường bay khánh thành tuyến Sài Gòn - Paris của Hãng Air France (1934)…

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 1.

Tấm danh thiếp của Paul Doumer

Như vậy thì viên toàn quyền thứ 6, Paul Doumer (1857-1932), có nhiệm kỳ hơn 5 năm liên tục, đến Đông Dương nhậm chức ngày 18/2/1897 và rời Hà Nội ngay sau lễ khánh thành cầu mang tên Doumer ngày 28/2/1902, để ra Hải Phòng về Pháp. Nhưng phải đến 15/10/1902, Paul Beau mới nhậm chức như người kế vị (dài hơn 5 năm, 1902-1908). Riêng Albert Sarraut giữ chức toàn quyền được 5 năm, nhưng là con số của 2 nhiệm kỳ cộng lại.

Nhưng, hơn tất cả các viên toàn quyền Đông Dương trong lịch sử, Paul Doumer khi trở về Pháp vẫn tham gia nội các, giữ ghế Bộ trưởng Tài chính 3 nhiệm kỳ liền, rồi Chủ tịch Hạ viện và thắng cử để trở thành Tổng thống thứ 14 của Cộng hòa Pháp, gần 30 năm sau khi rời Đông Dương (1930). Trong khi đó, Albert Sarraut được coi là người thành đạt nhất, sau này cũng chỉ trở thành Bộ trưởng Thuộc địa, rồi về hưu.

                                                                            ***

Sinh năm 1857, là con một gia đình công nhân hỏa xa, đỗ cử nhân toán, làm nghề giáo học, Paul Doumer bước vào con đường chính trị sau khi đỗ cử nhân luật. Luôn đứng trong đội ngũ các chính khách cánh tả, gia nhập Đảng Cấp tiến. Paul Doumer là người ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Jules Ferry: Phải coi thuộc địa là cứu cánh để vực dậy một nước Pháp đang trì trệ và yếu đuối ở châu Âu.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 2.

Chân dung vị Toàn quyền chưa đầy 40 tuổi

Paul Doumer sang Đông Dương thay thế người tiền nhiệm là Armand Rousseau yếm thế, nhiều lần xin từ chức vì lý do sức khỏe, vừa qua đời. Mới bước chân lên thuộc địa được coi là quan trọng nhất của nước Pháp ở Viễn Đông, Paul Doumer đã tuyên bố sẽ "Cai trị toàn cõi! Không cai trị từng xứ!". Điều đáng nói thêm là lúc đó Paul Doumer mới 39 tuổi, đó cũng là viên toàn quyền trẻ nhất không chỉ riêng với Đông Dương!

Quan điểm nền tảng của Paul Doumer là chiếm thuộc địa là để khai thác làm giàu cho chính quốc, đó phải là một cuộc khai thác bền vững, hiện đại và giúp cho chính xứ Đông Dương phát triển. Không những thế, từ Đông Dương nước Pháp phải mở rộng ảnh hưởng, thậm chí thâu tóm được thị trường phía Nam Trung Hoa và nhất là vùng đất Vân Nam lúc đó là thuộc Đại Thanh.

Do vậy, cốt lõi của "công cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương tập trung vào Việt Nam và coi hạ tầng đường sắt".

Mục tiêu ưu tiên nhất lúc này chưa phải là một hệ thống đường sắt xuyên suốt chiều dài của thuộc địa (Trans-indochine) - vốn đến năm 1936 mới hoàn thành - mà ưu tiên hơn hết là nối cảng biển Hải Phòng đi lên Vân Nam (Trung Quốc). Do vậy mà tuyến đường sắt sớm nhất được hoàn thành như một công trình tầm cỡ thế giới ở thời điểm tiếp nối 2 thế kỷ 19 và 20, mà điểm nhấn của nó là chiếc cầu thép dài 1.800m vượt sông Hồng, được mang tên của người đặt bút ký quyết định ngày 4/6/1897 (4 tháng sau khi nhậm chức), đặt viên đá khởi công ngày 12/9/1898 và khánh thành ngày 28/2/1902 (nay là cầu Long Biên).

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 3.

Cây cầu in trên bưu ảnh và con tem gắn với tên tuổi của Paul Doumer

Để làm việc này phải đạt được sự thỏa thuận với nhà Thanh, thì bên cạnh những vận động ngoại giao, Paul Doumer đã từng cưỡi ngựa đột nhập vượt biên giới để khảo sát tuyến đường này, bất chấp những thủ tục. Nhà Thanh khó chịu, nhưng thấy lợi ích của con đường sắt này, nên sự thỏa thuận lại diễn ra chóng vánh.

Cũng trên lĩnh vực xây dựng hạ tầng này, trong nhiệm kỳ của Paul Doumer, các cây cầu lớn phục vụ cho tuyến xuyên Đông Dương như Tràng Tiền (Huế, 1900), Bình Lợi (Sài Gòn, 3/1902) đã hoàn thành và cầu Hàm Rồng đã tìm ra giải pháp thiết kế, khởi công, để 2 năm sau khi Paul Doumer rời nhiệm sở thì đã khánh thành (1904).

Hệ quả trực tiếp của việc xây dựng tuyến đường nối tới Vân Nam chính là sự ra đời thành phố Hải Phòng (1898) và chuyển thủ phủ chính của xứ Đông Dương từ Sài Gòn ra Hà Nội, đồng thời lập thị xã Huế bên cạnh kinh đô của triều đình (1899), cùng nhiều đô thị khác. Paul Doumer cũng là người quyết định xây cảng Tourane (Đà Nẵng, 1900) để củng cố hệ thống cảng biển chủ yếu của Việt Nam.

Ông cũng là người cho xây dựng Nhà máy xi măng Hải Phòng, cơ sở công nghiệp lớn và hiện đại nhất xứ thuộc địa bên cạnh việc đưa công nghệ điện vào thắp sáng, chạy máy ở các đô thị lớn như Hải Phòng, Hà Nội và sau đó là Sài Gòn. Đây cũng là thời điểm xe điện bắt đầu lăn bánh ở Hà Nội (1901).

Paul Doumer từng là Bộ trưởng Bộ Tài chính nên cũng là viên toàn quyền vận động tài chính hiệu quả nhất không chỉ để hút nguồn vốn từ chính quốc, mà quan trọng hơn là khai thác ngay tại thuộc địa bằng hệ thống thuế và quản lý ngân sách chặt chẽ. Đây cũng là thời kỳ một loạt chế độ độc quyền nhà nước được xác lập đối với muối, diêm, rượu và cả thuốc phiện, mang lại nguồn thu lớn cho chính quyền thuộc địa.

Trên phương diện chính trị, Paul Doumer ngay sau khi nhậm chức đã vào Huế gặp người đứng đầu triều đình mà nước Pháp nhận bảo hộ, đã gặp Hoàng đế Thành Thái và là viên toàn quyền đầu tiên dự lễ Nam Giao. Cả 2 cuộc thi Hương của nền quốc học bản xứ đều có mặt người đứng đầu thuộc địa. Paul Doumer đến dự không chỉ thể hiện mối quan tâm đến một nguồn nhân lực, mà cả nguy cơ đến từ lớp nho sĩ rất dễ bất mãn này. Một cuộc tập hợp hơn 10.000 thí sinh và số lượng nhân gấp bội những gia nhân vào thời điểm xuất hiện nhân vật Kỳ Đồng khiến Toàn quyền Paul Doumer quyết định cùng đoàn tùy tùng hùng hậu đến dự. Ngoài sông Vị Hoàng thì những chiến thuyền hộ tống bắn đại bác chào mừng vị "nguyên thủ" cũng là lời cảnh báo những ai có âm mưu "phiến loạn".

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 4.

Chân dung Toàn quyền trên một tờ báo bản xứ

Tuy nhiên, trong con mắt thực dụng của Paul Doumer thì đã hình dung tới việc cần thay dần nguồn nhân lực truyền thống cho phù hợp với công cuộc khai thác thuộc địa. Đó là lý do viên toàn quyền vừa tuyển một tân cử nhân của khoa thi làm thư ký của mình, nhưng gấp rút tăng cường hệ thống giáo dục thuộc địa với trường đại học đầu tiên đã được lập (Y khoa, 1902), các trường nghề được thành lập ở Hà Nội, Huế… Trường Công chính khai giảng ở Hà Nội năm 1902…

Chính Paul Doumer là người thành lập Đoàn Khảo cổ học, tiền thân của Trường Viễn Đông bác cổ Pháp ở Đông Dương, tồn tại cho đến nay. Sở Địa lý, ý tưởng lập Đài Khí tượng Phủ Liễn, Cơ quan Bưu chính và Điện báo... cũng như nhiều thiết chế văn hóa khoa học cũng được hình thành.

Đây cũng là thời gian Nhà hát thành phố Sài Gòn hoàn thành và một chính sách báo chí mới thắt chặt hơn ở Nam kỳ, nhưng nới lỏng hơn ở Bắc kỳ và Trung kỳ. Paul Doumer cũng là người đày Kỳ Đồng ra hải ngoại, nhưng lại chủ trương hòa hoãn với Đề Thám và đón mời Tôn Trung Sơn đến Đông Dương để gây sức ép với nhà Thanh…

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 5.

Chân dung Toàn quyền quảng cáo trên vỏ bao sô-cô-la

Những cơ quan quản lý kinh tế được hoàn thiện, hệ thống đo lường mới theo phương Tây được xác lập, đi đôi với những giải thưởng và bội tinh cho các nhà thực dân mang lại lợi ích kinh tế cho thuộc địa. Chính Paul Doumer là người đã đưa ra ý tưởng và tổ chức thực hiện cho cuộc Đấu xảo thuộc địa quy mô chưa từng có vào năm 1902, mà ông chỉ kịp khánh thành tòa nhà trung tâm rồi để người kế nhiệm là Paul Bert khai mạc vào tháng 11/1902.

Paul Doumer cũng là người khởi xướng việc tìm và xây dựng những trung tâm nghỉ dưỡng, nền tảng cho hoạt động du lịch sau này trên toàn cõi Đông Dương. Chính những ý tưởng này đã thúc đẩy Yersin khám phá cao nguyên Langbian…

                                                                              ***

Ca ngợi một nhà thực dân và cuộc khai thác thuộc địa là trái với xu thế của thời đại, khi đang đẩy chế độ thuộc địa trở về với dĩ vãng, như những nhân tố đi ngược với sự tiến bộ của nhân loại. Nhưng nhắc lại một cách khách quan những dấu ấn của một nhà thực dân của các thế kỷ trước cũng có thể gợi cho chúng ta những vấn đề của công cuộc phát triển hiện tại, mà trong đó có cả những di sản của quá khứ.

Paul Doumer có thể là một nhà thực dân thành đạt khi vươn tới đỉnh cao của quyền lực trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1931, nhậm chức ngày 13/5/1931. Nhưng ông tại vị chưa đầy 1 năm, ngày 6/5/1932, đã bị 1 người Nga lưu vong ám sát và từ trần một ngày sau đó. Một kết cục bất hạnh và không toàn vẹn cho một Toàn quyền Đông Dương, tưởng chừng như thành đạt nhất trong lịch sử.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 7.

Toàn quyền Paul Doumer (áo mang vạch chéo) có mặt trong lễ khai giảng kỳ thi Hương 1897 tại Trường thi Nam Định

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 8.

Tại cuộc thi Hương ở Nam Định năm 1897

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 9.

Toàn quyền Paul Doumer trong văn phòng, người đứng bên trái là thư ký người bản xứ tuyển dụng trong kỳ thi 1897

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 10.

Paul Doumer đón tiếp Hoàng đế Thành Thái (trái) đến Sài Gòn

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 11.

Khánh thành tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn tháng 9/1900

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 12.

Dự lễ khánh thành tòa nhà trung tâm của Đấu xảo Hà Nội 1902

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 13.

Khởi công xây dựng Nhà máy xi măng Hải Phòng

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 14.

Năm người con trai của Paul Doumer đều tham chiến và hy sinh trong Thế chiến I

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 15.

Hình ảnh tân Tổng thống Paul Doumer trên trang đầu tờ “Vu”

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 16.

Chân dung Tổng thống thứ 14 của nước Pháp

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 17.

Tổng thống Paul Doumer dự một cuộc trưng bày nghệ thuật Đông Dương ở Paris

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 18.

Cầu Trường Tiền, Huế

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 19.

Cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa, lúc đang xây

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 20.

Cầu Bình Lợi, Sài Gòn

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 21.

Tổng thống Paul Doumer bị ám sát

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 75): Dấu ấn của một viên toàn quyền - Ảnh 22.

Kẻ ám sát bị bắt

QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link