Ánh Viên có thể thi chung kết ở Olympic, nhưng…

12/08/2015 04:55 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Câu trả lời bỏ lửng của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh khi Thể thao & Văn hóa đề cập đến khả năng cạnh tranh của kình ngư số 1 Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên tại đấu trường Olympic ở Rio de Janeiro 2016 khiến chúng ta cùng phải nhìn nhận thực tế, sau những gì vừa diễn ra ở giải vô địch bơi lội thế giới Kazan (Nga) 2015.

1. Trên đường bơi ở Kazan (Nga), Ánh Viên tham gia thi đấu 3 nội dung là 200m, 400m hỗn hợp và 200m tự do, trong đó cô lọt vào bán kết nội dung 200m hỗn hợp, dừng bước từ vòng loại các nội dung 200m tự do và 400m hỗn hợp. Đặc biệt, tại nội dung sở trường là 400m hỗn hợp cá nhân nữ, Ánh Viên về  đích với thời gian 4 phút 38 giây 78, nhanh hơn gần 1 giây so với thành tích tại ASIAD 2014 là 4 phút 39 giây 65. Tuy đã phá được kỷ lục cá nhân và vượt sâu kỷ lục SEA Games nhưng Ánh Viên chỉ xếp thứ 10/25 VĐV.

Nhiều ý kiến cho rằng việc Ánh Viên về trước cả Ye Shiwen, VĐV đang nắm giữ kỷ lục thế giới nội dung này (4 phút 28 giây 43) là một thành công, thậm chí có thể coi là kỳ tích nhưng chuyên gia Nguyễn Hồng Minh không đồng tình với quan điểm này. “Tôi không hiểu BHL đội tuyển bơi lội Trung Quốc nghĩ gì khi vẫn để cô Ye Shiwen thi đấu dù chưa khỏi lưng và cổ chân. Đó cũng là lý do Ye Shiwen thi đấu không tốt bơi 400m hỗn hợp mất 4 phút 42 giây 96 (Ánh Viên 4 phút 38 giây 78). Nhưng cũng đừng vì thế mà đánh giá Ánh Viên đã chiến thắng được nhà vô địch thế giới”.

 Ông Minh tái khẳng định quan điểm trong thể thao kỷ lục quan trọng  hơn những tấm HCV bằng dẫn chứng cho đến lúc này, kỷ lục thế giới nội dung 400m hỗn hợp mà Ye Shiwen lập tại Olympic London 2012 (4 phút 28 giây 43) vẫn chưa bị xô đổ. Mới đây nhất, VĐV giành HCV tại giải vô địch thế giới là Katinka Hosszu (Hungary) cũng phải mất 4 phút 30 giây 39 để về đích.

Ánh Viên vẫn chứng tỏ mình là VĐV nữ hàng đầu Đông Nam Á trên đường đua xanh  Ảnh Quốc Khánh.

So với thành tích tại ASIAD Incheon 2014 hay SEA Games 28, Ánh Viên đều có tiến bộ về chỉ số chuyên môn. Ánh Viên vẫn chứng tỏ mình là VĐV nữ hàng đầu Đông Nam Á trên đường đua xanh nhưng ra tầm thế giới thì lại khác và vẫn còn có sự khác biệt về trình độ.

2. Lý giải cho điều này và liên hệ đến trường hợp của Joseph Issac Schooling, nam kình ngư người Singapore vừa giành HCĐ nội dung 100m bơi bướm tại giải vô địch thế giới, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng tài năng của Ánh Viên được phát hiện muộn hơn và mới được đầu tư trọng điểm khoảng 4 năm nay. Trong khi đó, những VĐV quốc tế như Schooling hay kể cả Ye Shiwen phát lộ năng khiếu từ năm 8 đến 10 tuổi, sau đó được đầu tư dài hạn và chuyên sâu, tập huấn, học tập và thi đấu tại những môi trường chuyên nghiệp là Mỹ. Chính Schooling hồi SEA Games 2011 còn về đích sau Hoàng Quý Phước ở nội dung 100m bướm nam (53 giây 18 so với 53 giây 07 của Quý Phước) nhưng khi giành HCĐ giải VĐTG ít ngày trước đã rút ngắn thành tích xuống còn 50 giây 96 đồng thời lập kỷ lục châu Á. Thành quả mà Schooling có được không phải tự nhiên đến và đó cũng là con đường mà Ánh Viên đang được quan tâm đầu tư.

Nói cách khác, so với những VĐV hàng đầu thế giới thì Ánh Viên chưa có được nền tảng chắc chắn, thời gian đầu tư cũng chưa dài. “Ánh Viên có thể vào chung kết tại một nội dung thi đấu ở Olympic Rio 2016 nhưng đó mới chỉ là cơ hội và làm được hay không còn phụ thuộc vào chính chúng ta. Còn chuyện có huy chương Olympic là rất khó”, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhận định.

Lâm Chi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link