18/10/2020 07:53 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, mưa to trên diện rộng, nước sông dâng cao, nhiều nơi ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa… bị ngập lụt, chia cắt, cô lập cục bộ; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng…
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, đến chiều 17/10, mưa lớn đã khiến hơn 11.000 ngôi nhà bị ngập. Trong đó, huyện Lệ Thủy có khoảng 7.600 ngôi nhà ở các xã An Thủy, Sơn Thủy, Hồng Thủy, Lộc Thủy, thị trấn Kiến Giang; huyện Quảng Ninh hơn 2.000 ngôi nhà ngập tại các xã Hiền Ninh, Tân Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh…; huyện Minh Hóa ngập 457 ngôi nhà ở xã Tân Hóa, Yên Hóa, Minh Hóa, Thượng Hóa, Hóa Tiến, Hồng Hóa; thị xã Ba Đồn ngập 817 ngôi nhà; thành phố Đồng Hới khoảng 100 ngôi nhà…
Mưa to cũng khiến hàng chục thôn, bản tại các địa phương bị ngập, chia cắt cục bộ. Đặc biệt, có khoảng 50 thôn, bản ở khu vực các xã biên giới bị chia cắt. Các tuyến đê, kè, kênh mương; nhiều tuyến, điểm đường giao thông trọng điểm như: Quốc lộ 9B, 9C, 9E, 559B, 562, 564, 564B bị ngập lụt, sạt lở, sụt lún rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến giao thông qua lại.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương sơ tán khoảng 130 hộ dân tại các xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa), Thạch Hóa và Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa) và xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch) đến nơi an toàn.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo tại các huyện bị ngập lụt nặng cũng đã chỉ đạo các trường chủ động cho học sinh nghỉ học để phòng tránh mưa lũ.
Cùng hỗ trợ người dân ứng phó với mưa lũ, lực lượng biên phòng, quân sự tỉnh Quảng Bình cũng đã bố trí lực lượng, cắt cử cán bộ, chiến sỹ về các địa bàn xung yếu tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng, chống lũ lụt; hỗ trợ nhân dân di dời người và tài sản đến an toàn; chốt chặn, cảnh báo hướng dẫn người, phương tiện qua lại các đoạn đường bị ngập, nước chảy xiết...; đồng thời chuẩn bị lương thực thực phẩm, nhiên liệu… để ứng phó và cấp phát cho nhân dân khi có tình huống.
Các địa phương cũng đã chủ động các phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó trước mọi diễn biến của thiên tai, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân.
Võ Dung - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất