Argentina tiếp Boliva trận ra quân: Hành trình hy vọng

01/07/2011 15:59 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần)- Có nhầm lẫn không khi nói với Argentina, giành được Copa America là một ước mơ khi họ đã 14 lần chạm vào nó? Không hề. Nếu đã gần 2 thập kỷ, qua không biết bao nhiêu thế hệ tài năng, mồ hôi, nước mắt và những nỗi đau mà “La Albiceleste” không giành được một danh hiệu nào, thì hơn lúc nào hết, đội bóng ấy cần có một cột mốc vinh quang để gây dựng niềm tin và vượt qua nỗi ám ảnh thất bại. Argentina đã đứng trong bóng tối quá lâu rồi và Copa America lần này, nói một cách hình tượng, họ có cả đất nước dưới chân để làm bàn đạp tiến lên!

Số phận hay văn hóa chiến thắng?

Vào lúc mà trọng tài người Brazil, Marcio Rezende, thổi hồi còi kết thúc trận chung kết Copa America năm 1993 trên SVĐ Monumental- Ecuador 18 năm trước, không một ai trong số hàng triệu người Argentina tin rằng đó là lần cuối, họ được tận hưởng cảm giác hạnh phúc cùng “La Albiceleste”. Ngày 4/7 ấy, một Batistuta thiên thần đưa Argentina lên ngôi để rồi sau đó, cứ mỗi giải đấu lớn, người ta lại phải liên tưởng đến bài hát nổi tiếng mà ca sĩ Madonna hát về Evita - “Don’t cry for me, Argentina” - để xoa dịu nỗi buồn. Luôn phải hy vọng để mà sống, và bạn có thể sống mãi với một sự chờ đợi, nhưng đó là sống với nỗi khắc khoải không nguôi mà chẳng ai muốn bao giờ.

Lionel Messi đang mang trên mình ước mơ của cả đất nước Argentina- Ảnh Getty

Sau Copa America ấy, từ Basile, Passarella, Bielsa đến Pekerman hay Maradona, điểm chung giữa các HLV đấy là với họ, Argentina luôn thiếu một chút chất thép dù thừa chất thơ. Chất thép được tạo ra từ cá tính HLV, truyền đến các học trò sự lạnh lùng cao ngạo ở những lúc sống còn, cá tính mà Albiceleste không thể hiện được. Mỗi HLV kể trên trong giai đoạn dẫn dắt đội tuyển, luôn cố gắng tạo dựng dấu ấn của mình lên lối chơi, nhưng không đi được đến cùng với tư duy của mình. Basile và Pekerman luôn thích bố trí một nhạc trưởng dẫn dắt đội dù với Pekerman, trên đất Đức, Argentina chơi mềm mại và linh hoạt hơn thời Basile. Passarella xây dựng một kiểu chơi chặt chẽ, sử dụng các pha bật tường trung lộ tấn công và rất ít đá dãn biên ở thời World Cup 1998. Với Bielsa ở Nhật Bản - Hàn Quốc, đội bóng theo đuổi một thứ bóng đá hiện đại nhưng quá khô cứng. Tại Nam Phi, Argentina của Maradona đá rất phiêu lưu và quá vụng về trong thay đổi chiến thuật. Nhìn chung, trừ Diego, các HLV còn lại đều có những đóng góp tích cực cho Albiceleste nhưng vẫn chưa đủ. Nhưng vấn đề có phải chỉ ở những nhà cầm quân?

Argentina không thiếu tài, nhưng có lẽ họ thiếu văn hóa chiến thắng. Sau Maradona và trước khi Messi thành ông vua của thế giới túc cầu, nền bóng đá nước này luôn sản sinh ra rất nhiều ngôi sao, nhưng không nhiều người đạt đến tầm siêu sao thực thụ. Rất ít ai trong số họ dành được các danh hiệu cá nhân sáng chói trong tập thể vinh quang mà họ đóng vai trò chính. Batistuta đã mất bao nhiêu năm mới có được Scudetto đầu tiên trên đất Ý, mặc dù anh là chân sút vĩ đại nhất của Argentina, nước mắt của anh rơi trên viễn đông 9 năm trước là tiêu biểu cho một thế hệ mà vinh quang là điều xa xỉ. Cầu thủ thành công nhất trên bình diện CLB của Argentina là Redondo với Real Madrid, nhưng anh cũng không được đóng góp cho đội tuyển nhiều. Zanetti gắn liền với những thất bại cùng Inter, Chamot, Simeone, Riquelme, Juan Veron, Ortega, Crespo hay Ayala cũng không làm nên lịch sử. Những thế hệ sống trong ánh hào quang chưa tắt của Maradona đã không thoát khỏi sức ép của sự kỳ vọng để vươn lên được. Đó có thể là một lời giải thích cho những thất bại ở thời khắc quyết định, thời khắc cần đến sự vĩ đại thực sự, yếu tố mà Argentina chưa có.

Tìm lại ánh sáng từ thế hệ này

Về mặt con người, người Argentina không phải tip ưa thích sự ồn ào và nổi loạn, họ có sự sôi nổi và nghệ sĩ kiểu Latin, có đam mê và cuồng nhiệt nhưng không phải lúc nào cũng thích thể hiện ra bên ngoài. Dù chỉ trên phương diện thể thao, Maradona là một tính cách ngoại lệ và anh cũng là người vĩ đại nhất ở nền bóng đá Argentina. Chỉ xét trên lĩnh vực này, đôi khi sự khiêm tốn và trầm lắng cũng làm hại Albiceleste khi  đội bóng sau thời Diego, có rất ít những thủ lĩnh đúng nghĩa. Không hẳn phải là người dẫn dắt lối chơi, Argentina cần một người sốc lại tinh thần các đồng đội lúc khó khăn, nhưng không ai có cá tính đủ mạnh như Diego để làm chỗ dựa cho toàn đội. Mãi rồi cũng có một lứa cầu thủ, mà người ta có thể trông chờ, bắt đầu từ Olympic 2004, tại Athens, Hy Lạp.

Gọi thế vận hội năm đó là cột mốc cho bóng đá Argentina thì chưa hẳn, nhưng từ mùa hè thế vận hội ấy, nổi lên một Tevez, dù anh không phải ngôi sao sáng nhất Argentina hiện tại, nhưng anh chắc chắn là một người cá tính, một dạng có thể tỏa sáng lúc khó khăn, rồi thêm Mascherano nữa. Cũng năm ấy, họ thua tức tưởi trước Brazil ở chung kết Copa America, trận đấu mà Argentina chơi hay hơn nhưng kém may mắn. Tiếp theo đấy, Argentina có những Messi, Aguero, Banega, Pastore, những người mà ngoài tài, họ còn giàu lửa chiến. Nghĩa là có thể chơi trong sức ép và thoát khỏi sức ép. Dù chưa thành công cùng Albiceleste, ít nhất thế hệ ấy cũng gợi nên cảm giác rằng chỉ cần được tổ chức tốt, họ sẽ không yếm thế hay chùn chân ở lúc sinh tử vì họ có cả sự tinh ranh và lì lợm. Hãy xem Messi là đương kim Quả bóng vàng thế giới, Tevez đang là Vua phá lưới Premier League mùa rồi, dấu ấn các cầu thủ Argentina, đặc biệt ở tuyến đầu, những năm gần đây tầm CLB cũng khá nổi bật: Inter có Cambiasso, Milito, Higuain ở Real, Lavezzi ở Napoli. Dường như Messi đang tạo ra một thứ ánh sáng khác, lan tỏa đến các đồng đội. Thứ ánh sáng của văn hóa chiến thắng đã bị lãng quên quá lâu rồi.

Bất chấp một thực tế là gần một thập kỷ qua, Argentina không giới thiệu được một trung vệ xuất sắc nào sau Samuel và Ayala thì Albiceleste vẫn hướng đến Copa America này với tất cả chờ đợi. Nhờ vào Batista, yếu điểm tuyến sau có thể được bù đắp bởi việc tổ chức đội hình khoa học, cân bằng trong vận hành và tận dụng hỏa lực ghê gớm của hàng công. Phải vô địch thôi, không thể khác được. Messi phải đưa cả đội đến đích, anh không nợ người Argentina điều gì, nhưng anh sẽ nợ họ nếu “La Albiceleste” lại thua ngay tại quê hương. Thế hệ nào cũng cần khởi đầu, và Copa America này là một thời điểm như thế đấy, Lionel Messi!

Từ đông bắc Argentina, La Plata, chạm trán với Bolivia, hành trình hy vọng bắt đầu...

Huỳnh Anh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link