Arsenal phải từ bỏ “văn hóa con buôn”

18/08/2012 14:00 GMT+7

(TT&VH) - Áo của anh đã bị đốt, tên của anh đã bị nguyền rủa, và nhân cách của anh cũng đã bị sỉ nhục. Robin van Persie đã phải trả giá nặng nề về mặt hình ảnh khi quyết định rời Arsenal. Nhưng “văn hóa con buôn” ở đội bóng này, một nguyên nhân không nhỏ đẩy những cầu thủ tốt nhất của Arsenal đến cánh cửa ra trong gần một thập kỷ qua, thì vẫn đang được “an toàn”.

Trước đó, Cesc Fabregas cũng từng hứng chịu sự giận dữ của CĐV Arsenal sau khi bày tỏ ý định trở về Barcelona. Tương tự là Samir Nasri, người đã bị chỉ trích rất nhiều vì “dám” nói ra nguyện vọng giành danh hiệu của anh. Chưa kể Emmanuel Adebayor, người từng có một pha ăn mừng thiếu văn hóa khi gặp lại đội bóng cũ trong màu áo Manchester City, hay Ashley Cole, một sản phẩm của chính lò đào tạo CLB. Cole sau này còn cay cú đến mức đã chỉ vào chiếc Cúp Champions League giành được cùng Chelsea và “khoe” rằng đó là lý do khiến anh rời Arsenal. Trong số những cầu thủ ở tầm đứng đầu CLB rời đội vào kỷ nguyên “trắng tay) (từ 2005 tới giờ), thì có lẽ chỉ Henry và Vieira, những người gắn bó với giai đoạn vàng son nhất của đội bóng này, là còn giữ được mối quan hệ tốt đẹp khi ra đi.


Arsenal đã bán đi 3 trụ cột chỉ trong 2 mùa - Ảnh Getty

Căm ghét là một phần của bóng đá. Luis Figo đã từng bị những người Catalunya ném cả một cái đầu lợn xuống sân vì dám chuyển từ Barcelona sang kình địch Real Madrid. CĐV Manchester City từng đốt áo Carlos Tevez vì sự vô kỷ luật của anh, hay Wayne Rooney bị các CĐV Manchester United dọa giết sau khi tuyên bố muốn “đi ngang thành phố” để khoác áo Man City.

Nhưng khi sự căm ghét được lặp đi lặp lại theo cùng một cách, rồi những cuộc chia tay đều kèm theo mối quan hệ đổ vỡ và những sỉ vả cay nghiệt với những lý do tương tự nhau, thì nhân cách của các cầu thủ có lẽ cũng chưa hẳn là nguyên nhân chính.

Lòng trung thành là một khái niệm phải xây đắp

Không ai khen nhân cách của Ryan Giggs: Anh ta ngoại tình, thậm chí còn ngủ với cả em dâu. Cũng không ai đề cao nhân cách của John Terry: Anh ta ngủ với vợ bạn, bị buộc tội phân biệt chủng tộc, thậm chí bán vé chui cho khán giả vào tham quan Stamford Bridge với giá cắt cổ để kiếm lời vài nghìn bảng, trong khi lương Terry là 160 nghìn bảng/ tuần. Nhưng Giggs đã chơi cho M.U được 23 năm, còn Terry đá chơ Chelsea 14 năm. Nhân cách thấp kém vẫn có thể trung thành.

Trừ một vài trường hợp hiếm hoi thuần khiết của bóng đá hiện đại như Del Piero (chơi 19 mùa cho Juventus trước khi giải nghệt), Maldini (25 năm cho AC Milan), Paul Scholes (20 mùa cho M.U).v.v, thì hầu hết lòng trung thành đều phải được xây dựng dựa trên sự vun đắp từ cả hai phía, thậm chí là qua những biến cố và thử thách lớn.

Kể từ khi Vieira chuyển đi, những người giỏi nhất của Arsenal đều lần lượt bị bán đi và được thay thế bằng những hợp đồng rẻ hơn. Được giá là bán (nên nhớ là Henry lẫn Vieira cũng chẳng phải ngoại lệ), đó không phải là cách xây dựng lòng trung thành. Các cầu thủ lớn được dựng thành biểu tượng của đội bóng cần cảm nhận được sự “an toàn”, cần phải được xếp vào dạng “Not for sale” (Không thể bán), và chúng ta không tìm thấy điều ấy ở Arsenal. Van Persie, Nasri và cả Fabregas… đều đã bị cô lập trong giai đoạn nhạy cảm dùng dằng đi ở.

HLV Arsene Wenger bảo rằng Arsenal buộc phải bán van Persie, nhưng ông có lẽ chưa quên Sir Alex Ferguson đã giữ Rooney ở lại M.U thế nào, ngay cả khi anh đã chuẩn bị mọi thủ tục để chuyển sang Man City và quay lưng hoàn toàn với CĐV Quỷ đỏ. Cái bát tưởng chừng đã vỡ vẫn có thể được hàn gắn, bằng sự bao dung và nhiệt thành trong việc vun đắp lại mối quan hệ.

Các CĐV đã quen đặt “quyền lợi cảm xúc” của họ lên trên tất cả mà quên rằng bóng đá là một nghề nghiệp, cầu thủ là một người lao động và mối quan hệ giữa anh ta với nơi trả tiền thuê anh ta làm việc là tương hỗ. Quá trình ấy không thể được hình thành, nếu CLB hoạt động như một doanh nghiệp đào tạo một nhân viên đến một đẳng cấp nhất định là bán cho các doanh nghiệp khác.

Arsenal cần phải thay đổi “văn hóa con buôn” này nếu muốn giữ lại những cầu thủ tốt nhất để làm biểu tượng cho đội bóng trở lại với tầm vóc đích thực. Ít nhất mùa này, việc chịu chi tiền để mang về những người có chất lượng thực sự đã cho thấy những manh nha đổi thay. Nhưng họ cần thêm sự kiên trì để thực sự xóa bỏ một thói quen đã ăn vào tiềm thức vận hành của đội bóng.

Phạm An

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, đội bóng nào sẽ vô địch Premier League mùa bóng 2012/13?


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link